Tháng 7 tri ân và hành trình xoa dịu nỗi đau chiến tranh
(Dân trí) - Mấy lần mẹ Đức bưng bát cơm lên rồi lại đặt xuống. Dường như chỉ cần nhìn các con, các cháu quây quần bên bữa cơm là mẹ vui rồi, nỗi buồn bao tháng năm cũng vợi bớt đi...
Bữa cơm đặc biệt cùng vợ liệt sĩ
Hết giờ làm việc, nhóm cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Nghệ An tay xách, nách mang đến nhà bà Nguyễn Thị Đức (80 tuổi, xóm 6, xã Nghi Kim, TP Vinh) để nấu cơm. Mấy hôm nay thời tiết mưa nắng thất thường khiến bà Đức bị hạ huyết áp nhưng sự có mặt của những chiến sĩ trẻ khiến bà như khỏe ra.
Bà ra bàn thờ, thắp hương báo cáo với chồng - liệt sĩ Cao Huy Cát: "Ông ơi, hôm nay các cháu đến làm cơm, trước là cúng ông, sau là ăn với tôi bữa cơm chiều. Ông sống khôn, thác thiêng, về chứng giám cho lòng thành của các cháu". Rồi bà khóc, cuộc đời vò võ thờ chồng, nuôi con hiện lên qua câu chuyện kể.
Ở với nhau được một mụn con thì ông Cát "đi B". Năm 1968, bà Đức nhận được giấy báo tử của chồng. Ôm con trai độc nhất mới hơn một tuổi, bà khóc không thành tiếng trước nỗi đau quá lớn. Một vài câu chuyện không thể nói lên hết những khó khăn, cơ cực của người phụ nữ một mình nuôi con trong thiếu thốn. Năm ngoái, người con trai cũng bỏ bà đi vì bạo bệnh. Bà Đức sống với con dâu và 3 người cháu trong căn nhà tình nghĩa.
"Thân đàn bà, rồi nuôi con, nuôi cháu, tôi cũng không có điều kiện đi tìm ông ấy. Mà cũng không biết ông ấy nằm ở đâu mà tìm...", giọng bà nghẹn lại. Tấm ảnh duy nhất của chồng cũng đã trôi cùng trận bão lịch sử năm 1982, nên mỗi khi chống chếnh trong cuộc sống, bà lại ra bàn thờ, thắp nén hương, mong chồng trở về qua làn khói mờ ảo.
"Hơn 50 năm, ông ấy chưa từng về trong giấc mơ của tôi. Có lẽ, ông đi thanh thoát, không có gì phải vướng bận nữa". Đôi mắt người vợ liệt sĩ như một màn sương mỏng...
Công tác chuẩn bị đã xong, Đại úy Võ Huyền Thương sắp mâm cơm, dâng lên bàn thờ liệt sĩ Cao Huy Cát. Đoàn cũng dành một phần quà tri ân bà Nguyễn Thị Đức. "Chúng con sống trong hòa bình hôm nay được đánh đổi bằng tuổi trẻ và máu xương của các liệt sĩ, thương binh, đánh đổi bằng nỗi đau vò võ chờ đợi của những người vợ, người mẹ liệt sĩ. Mong mẹ luôn khỏe mạnh, để hàng năm chúng con được đến thăm, ăn cơm cùng mẹ", Đại úy Thương nắm đôi bàn tay nhăn nheo của bà Đức.
"Các con đến chơi, ăn bữa cơm với mẹ là mẹ vui rồi, bày vẽ quà cáp làm gì", mẹ Đức nói. Mấy lần mẹ bưng bát cơm lên rồi lại đặt xuống, dường như chỉ cần nhìn các con, các cháu quây quần bên bữa cơm là mẹ vui rồi, nỗi buồn bao tháng năm cũng vợi bớt đi...
Ánh sáng tri ân trên rẻo cao
Mấy hôm nay ông Vi Văn Thắng (SN 1952, trú bản Mác, thị trấn Thạch Giám, huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An) không phải chịu cảnh nguồn điện phập phù. Giấc ngủ của ông và đứa chắt mắc bạo bệnh nơi vùng đất được mệnh danh là "chảo lửa Đông Dương" vì thế cũng bớt nóng bức hơn. Đây là món quà của Chi đoàn thanh niên, Cựu chiến binh thị trấn Thạch Giám và Chi đoàn thanh niên Công an huyện Tương Dương, tri ân người có công với cách mạng nhân 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
20 tuổi, chàng trai Vi Văn Thắng nhập ngũ, chiến đấu ở mặt trận B3. Đất nước thống nhất, anh lính trở về với thương tật trên cơ thể, được xếp hạng thương binh 2/4. Phát huy bản lĩnh người lính cụ Hồ, ông Thắng tiếp tục chiến đấu trên mặt trận chống đói nghèo. Khi con cái yên bề gia thất, những tưởng được an nhàn hơn thì biến cố ập đến, hai ông bà nuôi và chăm sóc đứa chắt bị u tủy, nằm một chỗ. Vừa rồi, ông Thắng bị ngã, chấn thương sọ não phải nằm viện một tháng.
Hôm nay, căn nhà sàn bỗng rộn ràng tiếng nói, cười của các bạn trẻ. Trong khi nhóm này quét, dọn dẹp nhà cửa, vườn tược thì nhóm khác nối lại đường dây điện, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. "Bác yên tâm sử dụng nhé, không lo mất điện hay điện phập phù nữa đâu. Mà cũng không phải lo trả tiền điện hàng tháng nữa nhé", Đại úy Lô Hoài Anh - cán bộ Công an huyện Tương Dương nói.
"Tốt quá, quý hóa quá, bác cảm ơn các cháu nhé", ông Thắng nhìn căn nhà bừng sáng trong ánh điện, nói mãi câu cảm ơn.
Chị Lô Thị Lan - Bí thư Đoàn xã Thạch Giám chia sẻ: "Chương trình "Nguồn sáng xanh tri ân" là một trong những hoạt động tri ân được triển khai trên địa bàn. Ngoài bác Vi Văn Thắng, chúng tôi lắp đặt 6 bộ đèn năng lượng mặt trời tại 6 hộ chính sách khác. Trong đó, phần thiết bị do một doanh nghiệp tài trợ, đoàn viên thanh niên chịu trách nhiệm lắp đặt, thi công.
Chương trình không chỉ giúp các gia đình chính sách có nguồn năng lượng sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống và tiết kiệm, mà còn là dịp để chúng tôi giáo dục truyền thống yêu nước và lòng biết ơn của thế hệ trẻ đối với những cống hiến, hi sinh của các thế hệ cha anh cho nền độc lập, hòa bình của đất nước hôm nay".
Nét vẽ xoa dịu nỗi đau thương binh tâm thần kinh
Khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An (đóng trên địa bàn xã Nghi Phong, Nghi Lộc, Nghệ An) hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị 90 thương binh, bệnh binh tâm thần và đối tượng người có công, con đẻ thương bệnh binh tâm thần kinh thuộc 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Những ngày tháng 7, ngoài việc đón tiếp nhiều đoàn công tác và người dân tới thăm, tặng quà tri ân các thương binh đang được chăm sóc tại đây, đơn vị như khoác một tấm áo mới.
Những mảng tường màu sắc đơn điệu với hình vẽ nguệch ngoạc của các thương binh tâm thần kinh đã được thay thế bằng những tấm bích họa, tranh cổ động hay những khu vườn đầy hoa lá. Đây là món quà của tuổi trẻ huyện Nghi Lộc đối với các thương bệnh binh trong tháng 7 tri ân này.
Anh Nguyễn Đình Lộc - Bí thư Huyện đoàn Nghi Lộc cho biết, để hoàn thành 10 bức tranh tường khổ rộng và trang trí 30 cột tròn của Khu điều dưỡng, Huyện đoàn huy động 100 đoàn viên, thanh niên tham gia.
"Đặc biệt, có sự tham gia của 11 giáo viên mỹ thuật của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An và các trường Trung học cơ sở trên địa bàn huyện. Các họa sĩ phác họa bức tranh, còn đoàn viên, thanh niên chịu trách nhiệm tô vẽ và hoàn thiện theo hướng dẫn. Các tác phẩm tái hiện lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, giới thiệu phong cảnh quê hương đất nước, qua đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước tới các bạn trẻ, tri ân những người đã hi sinh xương máu cho Tổ quốc", anh Lộc cho hay.
Ông Nguyễn Thiếu Lâm - Giám đốc Khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An cho rằng, các bức họa không chỉ thay đổi cảnh quan, khuôn viên đơn vị một cách sinh động, đầy màu sắc, mà còn có ý nghĩa như một liệu pháp điều trị về tinh thần đối với các bác thương bệnh binh.
"Chiến tranh đã để lại tổn thương nặng nề về thân thể và sức khỏe tâm thần của các bác. Các bức vẽ đã làm "mềm" không gian cảnh quan, tạo cảm giác vui tươi, gần gũi với các bác - những người phần lớn thời gian sống với ký ức của những trận đánh khốc liệt, giúp các bác xoa dịu những ám ảnh và vết thương chiến tranh để lại", ông Nguyễn Thiếu Lâm chia sẻ.