Tết xa nhà của những người con gốc Việt

Nguyễn Vy

(Dân trí) - "Giờ chỉ cần một lời hỏi thăm cũng khiến tôi xúc động, bật khóc. Vậy nên tôi không dám gọi về cho gia đình trong mấy ngày này, chỉ có thể xem ảnh của gia đình qua điện thoại", Trúc nghẹn ngào.

Tết bên này khác xa quá vậy…

Tết xa nhà của những người con gốc Việt - 1

Như Trúc cùng đồng hương mừng Tết theo cách riêng ở nước ngoài.

Chiều ngày 30, Như Trúc (quê An Giang) lê chân về ký túc xá sau ca chiều làm việc tại công ty ở Nhật Bản. Vừa đặt lưng xuống giường, Trúc nhanh tay mở ảnh gia đình ra xem. Ngó thấy tờ lịch treo trên tường đã điểm chỉ còn vài tiếng nữa là đến Giao thừa. Trúc đoán, ở quê nhà có lẽ mẹ đang bày biện mấy món truyền thống dâng cúng bàn thờ tổ tiên. Chắc năm nay, mẹ lại cầu cho gia đình ấm êm, con cái được khỏe mạnh. 

23 tuổi, Trúc lần đầu "nếm" thử mùi đón Tết xa nhà. Tháng 5/2021, Trúc đến Nhật Bản theo diện xuất khẩu lao động. Cô gái hy vọng cơ hội ở nước ngoài có thể giúp cải thiện phần nào tình trạng kinh tế của gia đình. Nhưng với Trúc, thử thách ở tuổi 23 này quá lớn lao. Phải mất 3 năm hoàn thành chương trình thực tập kỹ năng, Trúc mới có thể nghĩ đến chuyện về nhà ăn Tết.

"Tủi thân lắm, vì cuộc sống xa quê lúc nào cũng một mình. Tết ở bên này sao khác quá, người ta chỉ mừng Tết Dương lịch thôi, còn ngày Tết Nguyên đán của mình bên Nhật không khác gì ngày thường. Ngày nào cũng làm từ sáng đến tận khuya, thấy chạnh lòng lắm", Trúc bộc bạch.

Lần đầu xa nhà ngày Tết Nguyên đán, Như Trúc không biết sẽ làm gì trong ngày Tết. Ngoài giờ làm ở công ty, Trúc thường xuyên cập nhật quá trình chuẩn bị Tết ở quê nhà, qua ảnh gia đình gửi.

Những ngày qua, mạng xã hội liên tục xuất hiện hình ảnh hoa mai, hoa đào ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Tây. Điều này khiến Trúc càng thấy buồn rầu hơn, cảm xúc luôn vỡ òa. 

"Giờ chỉ cần một lời hỏi thăm cũng khiến tôi xúc động, bật khóc. Vậy nên tôi không dám gọi về cho gia đình trong mấy ngày này, chỉ có thể xem ảnh của gia đình qua điện thoại", Trúc nghẹn ngào. 

Chị Thảo Nguyên (quê Hà Nội) đến Nhật Bản sinh sống và làm việc từ năm 2019. Năm đầu tiên ở Nhật, chồng chị khá bận rộn, nên việc về thăm nhà dịp Tết đành gác lại. 2 năm tiếp theo, biến động do dịch Covid-19, các chuyến bay Nhật - Việt đều dừng lại, khiến việc về nước càng khó khăn hơn. 

Tết xa nhà của những người con gốc Việt - 2

Chị Thảo Nguyên dù ở nước ngoài, nhưng trong lòng luôn ngóng về ngày Tết cổ truyền.

Quá nhớ nhà, nên ngay khi đường bay giữa hai nước được nới lỏng vào giữa năm 2022, vợ chồng chị Thảo Nguyên đã ngay lập tức trở về thăm quê. Tháng 9 cùng năm, chồng chị lại có chuyến công tác tại Việt Nam, chị Thảo Nguyên cũng về nhà thêm lần nữa. Vì đã về Việt Nam 2 lần trong năm, gia đình chị dự định dời chuyến về quê ăn Tết sang năm sau.

Chị Thảo Nguyên chia sẻ, người Nhật đón tết dương lịch nên được nghỉ dài còn Tết Âm lịch thì không. Năm 2023, may mắn một số ngày trong Tết Nguyên đán của người Việt rơi vào cuối tuần, nên có nhiều thời gian vui chơi hơn.

"Thường thì chúng tôi sẽ tụ tập bạn bè gói bánh chưng, ăn uống, tâm sự chia sẻ về nỗi niềm của người con xa quê. Đôi lúc cũng mời người Nhật đến nhà chơi, giới thiệu về tết Việt và mâm cỗ Tết cổ truyền. Tết đối với người Nhật cũng có nhiều điểm tương đồng, nên họ cũng dễ dàng chia sẻ", chị Thảo Nguyên nói.

Ở Nhật, nơi gia đình chị Thảo Nguyên đang sinh sống không có nhiều người Việt. Nếu không có nhiều thời gian, vợ chồng chị sẽ chọn "hóng" Tết từ gia đình.

"Thi thoảng ngồi nghĩ "giờ này mấy năm trước đang ở chợ hoa Quảng Bá", hay "giờ này mà ở nhà thì chắc đang đi siêu thị sắm tết rồi". Những khoảnh khắc đó khiến nỗi nhớ nhà càng nhiều hơn", chị Thảo Nguyên xúc động.

Đoàn tụ "online" hay ăn Tết kiểu mới

Đối với chị Thảo Nguyên, Tết tức là sự sum họp gia đình. Các thành viên cùng nhau chuẩn bị Tết, người nấu ăn, người dọn dẹp, người gói bánh chưng… Mỗi người một việc nên rất rộn ràng, khẩn trương và vui vẻ. Ngoài ra, Tết cũng là dịp để nghỉ ngơi, dành thời gian cho những sở thích cần sự thong thả như đọc sách, xem phim,…

Vì lượng công việc nhiều, tết này gia đình chị Thảo Nguyên không chuẩn bị nhiều như mọi năm, nhưng chị cũng cố gắng sắm mâm ngũ quả, cắm lọ thủy tiên từ vườn nhà, rồi chuẩn bị mâm cỗ truyền thống, sẵn sàng cùng đầu cầu Việt Nam xem chương trình Táo quân đêm giao thừa. 

Tết xa nhà của những người con gốc Việt - 3

Chị Thảo Nguyên tổ chức nấu bánh chưng, mâm cỗ truyền thống cùng với người thân bên Nhật Bản.

Sum họp đối với chị Thảo Nguyên, không nhất thiết phải ở gần nhau. Trong những ngày cận Tết, hễ làm gì, đi đâu, bố mẹ, anh chị em cũng gọi điện "khoe" với vợ chồng chị. Vì thế, chị Thảo Nguyên thấy Tết vẫn ở thật gần, bản thân không bị xa cách với gia đình dù khoảng cách địa lý gần 4.000 km. 

"Dù đôi lúc hơi chạnh lòng nhưng nhờ sự kết nối với gia đình, tôi có cảm giác như bản thân được tham gia vào công cuộc chuẩn bị Tết. Năm ngoái, đêm giao thừa chúng tôi cũng cùng xem chương trình Táo quân, mùng 1 thì gọi điện chúc Tết cả nhà", chị Thảo Nguyên kể.

Tết xa nhà của những người con gốc Việt - 4

Mâm cơm ngày Tết luôn đủ đầy các món ăn quen thuộc

Cô gái gốc Hà Nội tâm sự, nếu cảm thấy được yêu thương, quan tâm thì dù ở bất cứ nơi nào cũng thấy gần gũi. Năm mới Tết đến, chị mong ước hai chữ "bình an", cho bản thân, gia đình và tất cả mọi người. 

Sống cùng các bạn trong ký túc xá, Như Trúc cũng có thêm nhiều người bạn Việt Nam đầy sự đồng cảm. Nhờ vậy, cô gái có thể bày tỏ những lúc thấy nhớ nhà cùng với đồng hương. Những ngày vừa qua, Trúc và các bạn đã tổ chức bữa tiệc tất niên tại nhà. 

Sau đó, cô gái đã cùng bạn đồng hương trang trí hoa mai, liễn Tết và nấu các món ăn truyền thống.

"Có thể cảm thấy buồn và lạ lẫm một chút nhưng cũng phải tập làm quen. Năm nay sẽ là cái Tết đặc biệt. Dù đi bất cứ nơi đâu, tôi vẫn luôn nhắc nhở bản thân về ngày Tết cổ truyền của dân tộc, lấy đó làm động lực, mục tiêu để cố gắng cho năm mới", Như Trúc cười nói.