Tết Trung thu nghẹn ngào ở "thủ phủ" nhà trọ
(Dân trí) - Nhà máy thiếu đơn hàng khiến thu nhập giảm, công nhân năm nay có nhiều hộ ăn tết Trung thu thiếu bánh, thiếu đèn, thậm chí có người không còn tâm trí nhớ đến ngày đoàn viên, hội trông trăng...
14 năm quên vị bánh trung thu
"Nói ra thì mắc cỡ quá, tại lần cuối tôi ăn bánh trung thu là 14 năm trước, nhờ ăn ké mấy chị bạn trong xóm trọ. Chứ từ hồi lấy chồng, sinh con đến giờ, có năm nào tôi dám bỏ tiền mua bánh trung thu đâu", chị Tuyền kể.
Đêm 28/9, TPHCM đổ cơn mưa. Con hẻm 58 tại quận Bình Tân được xem là "thủ phủ" nhà trọ, mỗi mùa Trung thu đều nghe tiếng í ới của đám trẻ con. Thế nhưng năm nay, đêm trước trung thu, cả khu xóm trọ chìm vào cảnh im lìm.
Chỉ tay về phía dãy trọ nơi mình đang ở, chị Bích Tuyền (35 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TPHCM) cười chua chát. Chị nói những hộ gia đình ở đây đa phần là công nhân, cũng đang đón trung thu ảm đạm như gia đình chị.
Chị Bích Tuyền là công nhân công ty TNHH Pouyuen, may mắn là chưa bị mất việc. Vài tháng trước, chị bị giảm giờ làm, lương chỉ còn 7 triệu đồng/tháng. Tháng 8 vừa qua, chị được tăng ca trở lại nên thu nhập được hơn 8 triệu đồng.
Chồng chị Tuyền không may mắn như thế, mặc dù cũng là công nhân tại Pouyuen.
"Tháng vừa rồi chồng tôi chỉ nhận được khoảng 5 triệu đồng tiền lương. Tổng thu nhập của hai vợ chồng cỡ 14 triệu đồng, tiền nuôi con hằng tháng đã chiếm quá một nửa. Còn tiền trọ, tiền điện, nước, ăn uống, thuốc men... chưa kể", nữ công nhân nhẩm trong đầu, rồi chợt bất ngờ khi tính đi tính lại, trong túi không còn dư đồng nào.
Chị Tuyền bộc bạch: "Tiền làm ra, có đồng nào là lo cho con hết đồng nấy, không có dư hoặc nếu có cũng chỉ đôi ba triệu để đó phòng hờ đau bệnh. Bánh Trung thu lại đắt nên tôi không dám mua bao giờ".
Hay tin tháng 11 sắp tới, công ty có thể tiếp tục đợt sa thải mới, chị Tuyền lại trắng đêm lo, sợ vợ chồng chị sẽ có tên trong danh sách cắt giảm lao động.
Cho con biết chút "mùi" trung thu
Nhắc đến con, chị Tuyền rầu rĩ nhưng vẫn mang nhiều hi vọng. Con gái lớn hiểu chuyện, chưa từng đòi mẹ mua bánh hay lồng đèn vào những dịp trung thu, càng khiến lòng của người mẹ như chị Tuyền nặng trĩu.
"Ngày quốc tế thiếu nhi vừa rồi, tôi nợ con một lần đi chơi vì hôm đó đổ bệnh. Đi làm về mệt quá ngủ thiếp đi lúc nào không hay, thức dậy thấy cả dãy trọ vắng hoe, chỉ có 2 đứa nhỏ ngồi buồn hiu. Lúc đó tôi buồn lắm, thấy có lỗi với con quá nhưng cũng đâu làm gì được", chị Tuyền nói.
Vậy nên dù hiểu hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, vợ chồng nữ công nhân vẫn cố gắng cho con được biết chút "mùi" trung thu như bao đứa trẻ khác.
Đêm trước trung thu, chị Tuyền ăn mì tôm cả ngày, dành tiền chợ đưa chồng chở con đến khu vui chơi. Dù không thể mua lồng đèn cho con nhưng vợ chồng chị phần nào thấy an ủi khi cậu bé tươi cười hớn hở khi được chở đi chơi.
"Nhà còn nghèo nên có gì bố mẹ đều dồn cho con hết. Mấy hôm trước tôi trích chút tiền chợ, mua chiếc bánh trung thu tí hon cho con ăn đỡ, tại không đủ tiền mua bánh trứng muối", chị Tuyền nhoẻn miệng cười, có phần xót xa.
Ở dãy trọ sát bên, chị Cao Thị Diệu (quê Thanh Hóa) và chị Hương (quê Hà Tĩnh, cùng là công nhân) vừa hùn tiền mua chiếc bánh kem nhỏ. Chiếc bánh kem được đốt nến, viết dòng chữ mừng tết Trung thu cho mấy đứa trẻ ở dãy trọ cùng phá cỗ, trông trăng, thay cho lồng đèn lấp lánh.
Chị Diệu và chị Hương mấy tháng qua cũng đã bị giảm giờ làm, thu nhập rơi vào cảnh bấp bênh. Vài ngày trước, chị Diệu nhủ bụng: "Năm nay khó khăn, chắc tụi nhỏ không được ăn trung thu vì làm gì có tiền mua bánh, mua lồng đèn".
Nhưng đến đêm trước dịp lễ, hai người mẹ lại thủ thỉ với nhau, cùng gom tiền tổ chức bữa tiệc nhỏ cho bọn trẻ. Bởi đối với những công nhân như hai chị, dù bản thân có thiếu thốn đến đâu, ai cũng vẫn cố gắng cho con một cuộc sống đủ hương vị.
Hơn 21h, TPHCM mưa lất phất. Xóm trọ đã nghe tiếng í ới của mấy đứa trẻ con. Trung thu năm nay không đèn, thiếu bánh, nhưng ít nhất các gia đình công nhân vẫn giữ được sự quây quần, ấm áp trong mùa lễ đoàn viên.