Tết, tiếng chuông gió và tiếng khóc trẻ thơ ở Nam Sudan
Những người lính mũ nồi xanh thuộc Bệnh viện dã chiến 2.3 đã đón một cái tết đặc biệt ở đất nước Nam Sudan cách Việt Nam gần 10 nghìn kilomet.
Dưới bầu trời Bentiu xanh ngắt, lá cờ đỏ sao vàng tung bay đầy kiêu hãnh, cây nêu rực rỡ sắc màu, tiếng chuông gió rung lên nhịp điệu Tết nơi đất lạ. Từng cơn gió khô khốc cuốn bụi cát nâu trầm quanh bếp củi lép bép chất nồi bánh chưng đang tỏa thơm mùi Tết.
Chiếc bánh chưng gói bằng lá chuối
Không có lá dong, cán bộ chiến sĩ của Bệnh viện dã chiến (BVDC) 2.3 cất công đi kiếm lá chuối tận Juba, cách đơn vị đóng quân gần 900km. Thay bằng lạt, anh em lặn lội đi cắt những bụi cỏ bồn bồn cao lút đầu người - một loại cỏ mọc dại ở địa phương về làm dây buộc bánh. Để chuẩn bị cho một cái Tết ở BVDC 2.3, lợn phải tự nuôi, đỗ xanh tự chuẩn bị trong hoàn cảnh thiếu thốn và khó khăn. Thật vui và tự hào khi chiếc bánh chưng Việt Nam được nhiều bạn bè quốc tế chung tay gói.
Trung tá Karjallo Ejercito - quan sát viên quân sự người Paraguay hồ hởi: "Tôi rất vui vì được các bạn Việt Nam hướng dẫn gói bánh chưng. Nhìn thì tưởng đơn giản, nhưng khi tự tay gói thì quả thật không dễ chút nào. Cuối cùng thì tôi cũng gói bánh thành công cùng với sự hỗ trợ của các bạn Việt Nam. Tôi được tặng chiếc bánh tự tay tôi gói sau khi đã luộc chín. Nhất định khi về nghỉ phép tại quê hương Paraguay, tôi sẽ mang theo món quà ý nghĩa này để cả gia đình tôi cùng thưởng thức".
Sau 10 tiếng luộc bánh, 100 cái bánh "ra lò" trong niềm vui Tết. Bếp ăn của BVDC 2.3 ngày thường đã nhộn nhịp lại càng nhộn nhịp hơn. Biên chế của BVDC 2.3 chỉ có hai đầu bếp phục vụ 63 cán bộ, nhân viên nên rất vất vả. Do đó, mỗi ngày đều có hai nhân viên y tế luân phiên xuống hỗ trợ. Đó là nơi hàng ngày các cán bộ của BVDC có thể tham gia hỗ trợ chuẩn bị bữa ăn ở khâu sơ chế, nấu ăn, phân chia đồ ăn, rửa dọn dụng cụ cấp dưỡng. Đó là nơi các đầu bếp được nghe nhạc theo yêu cầu trong khi làm bếp. Đó là nơi phát hiện ra những "siêu đầu bếp" với đủ các món ăn từ các vùng miền Việt Nam. Ở bếp, có sự sẻ chia tuyệt vời, nơi tình đồng đội, tình anh em gắn bó để vơi bớt phần nào nỗi nhớ gia đình, quê hương.
Niềm vui ngày Tết là sự cộng dồn niềm vui của những tháng ngày vất vả dưới nắng gió châu Phi. Chỉ mới đầu năm 2022 này thôi, các bác sĩ BVDC 2.3 đã giành giật sự sống cho một sinh linh bé nhỏ. Trưa ngày 3-1-2022, ngay khi nhận được yêu cầu từ Bệnh viện Bác sỹ Không biên giới MSF, Ban giám đốc BVDC 2.3 đã giao nhiệm vụ khoa Ngoại cử một kíp phẫu thuật khẩn cấp sang bệnh viện bạn hội chẩn.
Người mẹ trẻ Nam Sudan 22 tuổi, bị gù vẹo cột sống - di chứng nặng nề do lao cột sống. Ngay sau khi thăm khám cho bệnh nhân, nữ bác sỹ Tống Vân Anh của BVDC 2.3 xác định đây là một ca khó. Người mẹ đang mang thai lần hai, 35 tuần, có dấu hiệu vỡ ối chuyển dạ kéo dài, tuy nhiên đầu bé không lọt, gây suy thai.
Các bác sĩ nhanh chóng có chỉ định mổ bắt con cấp cứu do suy thai có thể gây mất tim thai. Tuy nhiên với tình trạng người mẹ như vậy, rất khó khăn trong khi mổ cũng như không thể vô cảm bằng phương pháp gây tê tủy sống mà phải gây mê nội khí quản.
Với hệ thống máy thở thô sơ, kíp gây mê phải liên tục bóp bóng bằng tay trong suốt quá trình phẫu thuật gần 2 giờ đồng hồ. Bé trai 4kg được mổ bắt ra nhưng bé không khóc, trương lực cơ yếu, phải bóp bóng trợ thở. Tiến hành hồi sức sơ sinh tích cực khoảng 15 phút thì bé khóc được, trương lực cơ tốt. Tiếng khóc đầu tiên của em bé làm vỡ òa niềm vui của các y bác sĩ trong phòng mổ. Đối với người mẹ thì tử cung co hồi kém, sử dụng thuốc co hồi tử cung, sau xử trí, tử cung co tốt.
Ca mổ thành công một phần nhờ sự phối hợp nhiệt tình của đồng nghiệp MSF trong điều kiện thuốc men, trang thiết bị, dụng cụ trong phòng mổ không đầy đủ. Đối với bác sỹ Vân Anh, đây là ca mổ sản đầu tiên mà chị đứng ở vị trí phẫu thuật viên chính ở Nam Sudan trong điều kiện dã chiến. Hình ảnh người mẹ mới 22 tuổi mà thấp bé, gù vẹo, biến dạng cột sống rất đáng thương là động lực để chị cùng kíp mổ quyết tâm cứu lấy cháu bé. Nhìn ngắm em bé Nam Sudan ra đời bình an trong những ngày đầu năm mới ở mảnh đất Nam Sudan đầy gió bụi, đói nghèo và dịch bệnh COVID-19 bủa vây, một nỗi xúc động trào dâng trong lòng nữ bác sĩ trẻ.
Chuyến bay đặc biệt
Vượt qua những thiếu thốn, khó khăn, các y bác sĩ của BVDC 2.3 vừa trực chiến vừa tranh thủ đón tết cổ truyền của dân tộc. Theo Bác sĩ CKII Trần Đăng Khoa - Phó giám đốc BVDC 2.3, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Nam Sudan diễn biến phức tạp hơn trước. Với điều kiện y tế thiếu thốn, đời sống của người dân Nam Sudan gặp nhiều khó khăn, cùng sự xuất hiện của biến chủng Omicron tại các nước châu Phi dẫn đến công tác phòng chống dịch đối mặt với nhiều thử thách. Đối với phái bộ UNMISS, đây cũng đang là thời điểm chuyển quân của các đơn vị. Do số lượng lớn nhân viên Liên Hợp Quốc di chuyển trong thời điểm này, dẫn đến số ca nhiễm tăng cao.
Để đối phó với đại dịch, BVDC 2.3 đã tích cực triển khai chương trình tiêm chủng vaccine sớm và an toàn cho nhân viên Liên Hợp Quốc tại Bentiu, luôn sẵn sàng cấp cứu và điều trị các trường hợp có biến chứng sau tiêm chủng, trong đó có một số ca biến chứng nặng. Đây cũng là nơi có vai trò chính trong sàng lọc và điều trị các ca COVID-19 trong phân khu Bentiu, điều trị các ca bệnh từ vừa đến nặng. BVDC 2.3 đã triển khai hai khu khám chữa bệnh độc lập, trong đó một khu dành cho những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm COVID-19. Tại khu điều trị, hàng ngày hàng giờ dưới nắng nóng châu Phi, các nhân viên y tế của Việt Nam phải mặc đồ bảo hộ kín khi thăm khám cho bệnh nhân. Đó là một thách thức không nhỏ đối với các y bác sĩ. Khó khăn hơn nữa khi một số nhân viên của BVDC trong quá trình làm việc đã bị nhiễm COVID-19 phải điều trị và cách ly. Trong bối cảnh đó, các khoa bạn phải tích cực hỗ trợ lẫn nhau, khắc phục khó khăn, đảm bảo các hoạt động của BVDC diễn ra bình thường.
Ở một đất nước nghèo nàn, lạc hậu như Nam Sudan, những cung đường đất là nỗi ám ảnh, chỉ có thể đi bộ một cách khó nhọc, không may gặp mưa thì phải dừng giữa đường. Trực thăng là phương tiện chủ yếu của những tuyến đường này. Vì vậy, đội cấp cứu đường hàng không AMET của BVDC 2.3 có nhiệm vụ sẵn sàng cấp cứu và vận chuyển bằng đường không trong khu vực Phái bộ khi có yêu cầu. Tuy nhiên các sân bay ở Bentiu và vùng lân cận còn thô sơ khi đường băng là đường đất nhỏ và ngắn, nguy cơ mất an toàn bay tăng cao.
Trưa ngày 6-1-2022, BVDC 2.3 nhận được chỉ đạo của Trưởng Y tế Phái bộ (CMO) về việc cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 có biểu hiện nặng tại Bunj - khu vực giáp biên giới Nam Sudan cách thủ đô Juba hơn 600km về phía đông bắc. BVDC 2.3 quyết định cử đội AMET đi chuyến bay đặc biệt để cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân này về thủ đô Juba điều trị. Đội AMET gồm bác sĩ Đinh Văn Hồng và điều dưỡng Huỳnh Văn Khánh đã nhanh chóng cấp cứu và vận chuyển kịp thời bệnh nhân, đảm bảo an toàn tuyệt đối cũng như làm tốt công tác phòng, chống dịch. Bệnh nhân là nữ nhân viên Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), biểu hiện bệnh khoảng 5 ngày, sau đó xuất hiện mệt, khó thở, tuy nhiên chưa được xử trí gì. Ngay khi nhận được thông tin, đội AMET đã nhanh chóng xuất phát để rút ngắn thời gian tiếp cận bệnh nhân.
"Ngay khi máy bay hạ cánh, chúng tôi đã trực tiếp cấp cứu bệnh nhân tại chỗ, đo độ bão hòa oxy (SpO2) là 90%, chúng tôi cho bệnh nhân thở oxy, trấn an, động viên bệnh nhân và đưa bệnh nhân lên máy bay. Trong chuyến bay, bệnh nhân có biểu hiện mệt và khó thở hơn khi máy bay lên cao, nhưng đã được chúng tôi xử trí kịp thời như tình huống chúng tôi đã hội chẩn cùng các bác sĩ của BVDC 2.3 trước đó", đồng chí Khánh cho biết. Đội AMET đã chuyển và bàn giao bệnh nhân an toàn đến bệnh viện cấp 2 cộng Ấn Độ ở Juba.
Đây là trường hợp bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên được BVDC 2.3 cấp cứu và vận chuyển cách khu vực đóng quân gần 500km về phía đông trong nhiệm kì này. Ở mảnh đất Nam Sudan đầy gió bụi, những người con của Tổ quốc mang mũ nồi xanh vẫn ngày đêm kiên cường nơi tuyến đầu để đẩy lùi dịch bệnh.
Theo Huyền Châm
Công an nhân dân