Thanh Hóa:
Tết ấm áp tại Trung tâm điều dưỡng Người có công
(Dân trí) - Khuôn viên đầy cờ hoa, phòng sinh hoạt chung có đào và quất. Mọi người ca hát và gói bánh chưng. Không khí đón Tết tại Trung tâm điều dưỡng Người có công (Thanh Hóa) những ngày này thật ấm áp.
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Nguyên đán Tân Sửu, khuôn viên Trung tâm điều dưỡng Người có công Thanh Hóa được trang trí cờ hoa lộng lẫy, các căn phòng của thương bệnh binh đã được trang trí nhiều màu sắc, tiếng cười nói rộn rã xua tan không khí lặng lẽ thường ngày.
Năm nay, do dịch Covid-19, hầu hết các bệnh nhân nặng, bệnh nhân da cam, bệnh nhân tâm thần đều được Trung tâm động viên ở lại. Để có Tết sum vầy, các cán bộ nhân viên vừa nỗ lực giữ gìn sức khỏe cho các thương bệnh binh, vừa sắm sửa, dọn dẹp, chuẩn bị thực phẩm đón Tết.
Theo ông Nguyên Văn Thư, Giám đốc Trung tâm, nhiều bệnh nhân dù được trở về nhà nhưng cũng chỉ ở lại vài ngày trước Tết hoặc đến mùng 2 Tết là lại thấy trở về ngôi nhà chung để sum họp ăn Tết cùng đồng đội. Vì theo các bác "Tết ở đây ấm cúng hơn ở nhà".
"Ở đây họ không những tìm thấy niềm vui, sự đồng cảm mà còn được cán bộ, các y bác sĩ tận tình chăm sóc. Cán bộ ở đây xem bệnh nhân như người thân, ruột thịt của mình, ngoài kê đơn, điều trị bệnh còn hiểu tâm lý từng cụ nên các bác về là nhớ, chỉ muốn quay trở lại ngay"- ông Thư chia sẻ.
Tại Trung tâm, PV đã gặp và trao đổi với bà Trần Thị Súy (quê xã Nga Trường, huyện Nga Sơn) - nạn nhân bị nhiễm độc chì nặng. Tháng 1/1983, bà xuất ngũ trở về quê hương. Do di chứng chiến tranh, bà đã mất hoàn toàn khả năng làm mẹ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà không lập gia đình.
Do sức khỏe yếu, tháng 12/1984, bà chuyển vào sống tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Thanh Hóa. Từ đó cho đến nay, nhiều năm bà ăn Tết ở tại Trung tâm, cũng nhiều năm cứ về vài ngày trước Tết bà lại quay lại với ngôi nhà sẽ gắn bó phần đời còn lại của mình.
"Không có gia đình, con cái nên với tôi đây chính là nhà, là gia đình của mình. Có về quê thăm anh em, họ hàng rồi lại muốn quay trở lại đây ngay thôi. Ở đây, cán bộ chăm sóc tôi như chăm sóc người thân.
Tết ở đây, cán bộ chuẩn bị rất đầy đủ, cũng có bánh chưng, giò, chả, có hoa đào, bánh kẹo, giao lưu văn nghệ khiến những người lính như chúng tôi rất ấm lòng" - bà Súy tâm sự.
Không bà Súy, cụ Mai Trọng Bái cũng đã gắn bó nơi đây hàng chục năm. Khi mới xuất ngũ, cụ đã mang tỷ lệ thương tật 100%. Năm 1984, đến khi vợ qua đời, cụ được đưa vào Trung tâm để chăm sóc và điều trị.
Với cụ Bái, một ngày không thể thiếu thuốc. Di chứng của chiến tranh khiến cụ mắc rất nhiều bệnh. Mắt phải còn nhưng không nhìn rõ, tai điếc, tim mạch, huyết áp, xương khớp đau quanh năm.
"Tết năm nào cũng về quê vài hôm là muốn quay trở lại "nhà" ngay vì sức khỏe yếu, không xa được cán bộ, y, bác sĩ. Cán bộ chăm sóc Tết cho chúng tôi đủ đầy lắm, không thiếu thốn gì"- Cụ Bái chia sẻ.
Vợ chồng ông bà Trịnh Thị Hoa và Thái Quang Dũng nên duyên ngay trong chính ngôi nhà Trung tâm người có công. Cả hai ông bà đều là thương, bệnh binh nặng. Bây giờ ông bà đã có căn nhà riêng gần sát Trung tâm, nhưng với họ Trung tâm vẫn là ngôi nhà thứ 2. Bởi thế, năm nào ông bà cũng ăn Tết cả 2 nơi.
"Vợ chồng tôi ở đây nấu bánh chưng đến giao thừa mới về nhà thắp hương rồi lại quay sang ăn Tết với mọi người. Ở đây, chúng tôi xem nhau như ruột thịt, Trung tâm là mái nhà chung" - bà Hoa bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng Người có công Thanh Hóa chia sẻ: "Cụ nào đã đăng ký về quê đón Tết nhưng nếu không có người thân lên đón sẽ được Trung tâm đưa về tận nhà. Đối với các cụ ở lại đón Tết, Trung tâm cũng chuẩn bị chu đáo những bữa ăn có đầy đủ các món như phong tục Tết cổ truyền của người Việt để các bệnh nhân thấy được ăn Tết ở đây cũng giống như ăn Tết ở nhà, họ bớt đi phần nào nỗi tủi thân và nỗi nhớ quê".
Năm nay, do dịch nên bệnh nhân ở lại Trung tâm khoảng 70%. Trung tâm đã gói 300 bánh chưng. Từ ngày 20 âm lịch, các đoàn lãnh đạo, cá nhân, tổ chức đều đến chúc Tết, tổ chức chương trình "Tết nghĩa tình", cùng giao lưu văn nghệ, tặng quà nên tinh thần các cụ rất phấn chấn, vui vẻ.
Trung tâm Điều dưỡng Người có công Thanh Hóa hiện đang phụng dưỡng 238 người, gồm: Thương bệnh binh tổng hợp 45 người; thương bệnh binh tâm thần 70 người; thân nhân liệt sĩ 28 người; chất độc da cam 95 người.
Hầu hết các bệnh nhân sức khỏe yếu, nhiều thương bệnh binh hay bệnh nhân da cam phải chăm sóc phục vụ tận giường.