1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH:

Tập trung giám sát và hậu kiểm khi triển khai Nghị quyết 68

(Dân trí) - Sau 1 tháng triển khai Nghị quyết 68, hơn 12 triệu lao động được hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, hơn 1 triệu lao động được hỗ trợ tiền mặt, công tác cho vay đã hỗ trợ tới hơn 42.000 lao động.

Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đã có cuộc trao đổi với báo giới để làm rõ thêm những kết quả triển khai, khó khăn và giải pháp trong thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

Thưa Thứ trưởng, sau hơn 1 tháng triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23, nhóm 12 chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động đã đạt được những kết quả chính gì?

- Ngay sau khi Nghị quyết 68 và Quyết định 23 được ban hành, Bộ LĐ-TB&XH đã ngay lập tức tổ chức họp trực tuyến triển khai đến tất cả các địa phương trên toàn quốc. Sau 1 tháng triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23, nhiều kết quả bước đầu đã cho thấy tín hiệu rất khả quan. 

Tới nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai. Trong 12 chính sách được chia làm 3 nhóm, gồm: Nhóm chính sách về bảo hiểm đã hỗ trợ cho hơn 12 triệu lao động với số tiền khoảng 4.400 tỷ đồng, nhóm chính sách hỗ trợ tiền mặt đã hỗ trợ cho hơn 1 triệu lao động với số tiền là trên 1.300 tỷ đồng, nhóm chính sách cho vay đã hỗ trợ cho hơn 42.000 lao động với số tiền là trên 170 tỷ đồng...

Tập trung giám sát và hậu kiểm khi triển khai Nghị quyết 68 - 1

Thứ trưởng Lê Văn Thanh (Ảnh: Đỗ Linh).

Nhóm chính sách đang triển khai đạt hiệu quả nhất đó là chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trên cơ sở đăng ký đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội tự động giảm mức đóng bằng 0% cho người sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, nhóm chính sách đang gặp khó khăn nhất hiện nay đó là hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Do hiện nay, nhiều địa phương có nhiều lao động đang thực hiện giãn cách nên không thể tiến hành tập trung đào tạo.

Các phản hồi từ địa phương về những vướng mắc, khó khăn chủ yếu là gì khi triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 và hướng giải quyết ra sao, thưa Thứ trưởng?

- Qua theo dõi việc triển khai chính sách, chúng tôi thấy có một số nhóm vấn đề vướng mắc chính.

Trước hết là do diễn biến phức tạp của dịch, nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Điều này phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Quyết định 23. Cụ thể là người sử dụng lao động và người lao động không thể đi lại được để hoàn thiện thủ tục.

Trong việc tiếp cận chính sách, ở một số nơi, người lao động và người sử dụng lao động vẫn chưa thực sự chủ động tìm hiểu chính sách. Nhiều nhóm đối tượng chưa tích cực gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ tới các cơ quan của địa phương.

Tập trung giám sát và hậu kiểm khi triển khai Nghị quyết 68 - 2

Trao hỗ trợ tới lao động tự do gặp khó khăn tại quận Hà Đông (Hà Nội) (Ảnh: H.M).

Bên cạnh đó, cán bộ ở các cấp địa phương còn có những cách hiểu khác nhau. Do đó, việc triển khai ở một số nơi chưa linh hoạt. Một số địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai dẫn đến tiến độ triển khai còn chậm.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ và các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách để người lao động và nhất là người sử dụng lao động hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của Nghị quyết 68 và Quyết định 23, để chủ động lập danh sách đề nghị hỗ trợ cho người lao động.

Trên cơ sở tăng cường triển khai các hình thức đăng ký gián tiếp như đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc, Bộ cũng kỳ vọng nhằm rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động và người sử dụng lao động sớm tiếp cận và được thụ hưởng chính sách.

Bộ cũng đang gấp rút hoàn thiện phần "Hỏi - Đáp" về việc triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 để người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt là các địa phương biết để tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn. Bên cạnh đó, Bộ cũng quyết liệt đôn đốc các địa phương triển khai cụ thể chính sách tới các nhóm đối tượng trên địa bàn. 

Thưa Thứ trưởng, việc triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 được đánh giá cao bởi quy trình thủ tục được đơn giản hoá và rút ngắn hết mức có thể. Vậy vấn đề giám sát, hậu kiểm sẽ được thực hiện ra sao để không xảy ra trường hợp trục lợi chính sách?

- Có thể nói là các thủ tục để triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đã được đơn giản hóa rất nhiều, thông thoáng hết mức có thể: Giảm tới 2/3 thủ tục và rút ngắn 2/3 thời gian so với việc triển khai Nghị quyết 42 trong năm 2020. Thậm chí, có những chính sách không cần yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động cung cấp hồ sơ bởi trên cơ sở dữ liệu sẵn có.

Tập trung giám sát và hậu kiểm khi triển khai Nghị quyết 68 - 3

Lao động đăng ký nhận hỗ trợ tại phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) (Ảnh: H.M).

Để phát huy hiệu quả gói hỗ trợ này và không để xảy ra trường hợp trục lợi chính sách, tôi cho rằng cần phải tăng cường trách nhiệm của người sử dụng lao động và địa phương trong quá trình triển khai. Đặc biệt là ý thức tự giác của đối tượng thụ hưởng chính sách, gồm: Người dân, người sử dụng lao động và người lao động.

Đồng thời, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò quan trọng trong việc tổ chức triển khai, giám sát quá trình thực hiện chính sách.

Sự tham gia của cộng đồng dân cư cũng góp phần quan trọng đảm bảo việc thực thi chính sách công khai, dân chủ, minh bạch, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động.

Quan điểm của Bộ khi phát hiện ra những trường hợp cố ý trục lợi, các cơ quan chức năng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm khắc để tránh những trường hợp tương tự sau này.

Xin cảm ơn Thứ trưởng