Bình Định:
Tập thể cựu nữ tù binh trại giam Phú Tài được trao danh hiệu Anh hùng
(Dân trí) - Trại giam Phú Tài (Bình Định) từng là nơi giam giữ gần 1.000 nữ chiến sĩ cách mạng trên khắp các chiến trường từ vĩ tuyến 17 trở vào đến Cà Mau trong thời kháng chiến chống Mỹ.
Ngày 18/5, tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định (TP Quy Nhơn, Bình Định), UBND tỉnh Bình Định long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể nữ tù binh Trại giam Phú Tài.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định và ông Nguyễn Phi Long - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã trao cờ và quyết định công nhận Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đại diện Ban liên lạc nữ tù binh Trại giam Phú Tài.
Trại giam Phú Tài được đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn lập nên từ tháng 6/1967, dưới chân dãy núi Hòn Chà, thôn Phú Tài, xã Phước Long, huyện Tuy Phước (nay thuộc phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, Bình Định). Trại giam hoạt động đến tháng 5/1972.
Đây là nơi giam giữ gần 1.000 tù binh là nữ chiến sĩ cách mạng có tuổi đời từ 17-22, đa số chưa lập gia đình, bị địch bắt trong các cuộc hành quân, càn quét trên khắp các chiến trường từ vĩ tuyến 17 trở vào.
Hơn 5 năm bị giam cầm tại đây, các nữ tù đã bị địch thực hiện chế độ đối xử khắc nghiệt nhằm làm suy kiệt dần thể xác, tinh thần. Nhưng dù cho địch có dùng đủ hình thức tra tấn, các nữ tù binh Phú Tài vẫn không hề lung lạc tinh thần bất khuất và kiên trung với đất nước.
Các nữ tù binh vẫn luôn hiên ngang trong "địa ngục trần gian", kiên quyết đấu tranh giữ gìn sinh mạng và phẩm chất chính trị, biến trại giam thành trường học, thành trận địa đấu tranh mới, đập tan âm mưu thâm độc của kẻ thù.
Trong cuộc đấu tranh này, có 8 nữ chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973. Vào ngày 15/2/1973, 904 nữ tù binh trại giam Phú Tài được trao trả tại Lộc Ninh (Bình Phước).
"Những chiến công bất khuất của gần 1.000 nữ tù binh trại giam Phú Tài vẫn mãi là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ noi theo. Sự kiện về những cuộc đấu tranh trong trại giam nữ tù binh Phú Tài mãi mãi là nét son trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam nói chung, của phụ nữ Việt Nam nói riêng", Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh.
Lãnh đạo chính quyền tỉnh Bình Định bày tỏ sự tri ân và khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, nhất là chế độ, chính sách liên quan đến những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày.
Thay mặt các cựu nữ tù Trại giam Phú Tài, bà Ngô Thị Thanh Trúc - Phó trưởng Ban liên lạc Nữ tù binh Trại giam Phú Tài đã gửi lời cảm ơn Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh và mong muốn UBND tỉnh và các ngành liên quan lập thủ tục đề nghị Bộ VHTT&DL nâng cấp, xếp hạng di tích lịch sử Trại giam tù binh Phú Tài thành di tích cấp quốc gia.
"Giữa đời thường, chúng tôi luôn sống vui khỏe, luôn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đổi mới, vì quê hương và đất nước phồn vinh giàu mạnh; luôn là tấm gương sáng, mẫu mực cho con cháu noi theo", bà Trúc bày tỏ.