Bình Định:
Tăng giá trị nông sản cho nông dân nhờ chuyển đổi số
(Dân trí) - Không chỉ giúp quản lý, chuyển đổi số trong nông nghiệp còn giúp nâng cao năng suất, tăng giá trị sản phẩm cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và bảo vệ môi trường.
Nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc vừa trao đổi với phóng viên Dân trí về tình hình và kết quả triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành trong thời gian qua.
Quảng bá tốt, bán hàng nhiều
Chuyển đổi số đã và đang đem lại những lợi ích gì cho nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Bình Định, thưa ông?
- Việc hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử giúp nông dân, doanh nghiệp, HTX… có thêm kênh bán hàng mới, quảng bá sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng hơn, tăng lượng hàng hóa bán ra, nhất là thời điểm năm 2021, khi các địa phương đang áp dụng các biện pháp cách ly để phòng chống dịch Covid-19.
Giảm chi phí qua khâu trung gian; chi phí Marketing cho các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi; nâng cao lợi nhuận cho đơn vị. Doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi và khách hàng dần quen phương thức mua bán trực tuyến, trao đổi trực tiếp giữa các bên, giảm chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Việc cấp, quản lý mã số vùng trồng phục vụ truy xuất nguồn gốc giúp ngành nông nghiệp theo dõi, giám sát được quá trình sản xuất để tạo ra nông sản; người sản xuất tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn để cung cấp cho thị trường; người tiêu dùng an tâm hơn khi sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Nâng cao năng suất lao động: áp dụng công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, việc canh tác từ khâu làm đất đến việc bón phân, bơm tưới và thu hoạch đều sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh.
Ngoài ra, hệ thống tưới tiêu và giám sát đều được thực hiện qua điện thoại. Những ứng dụng này giúp giảm một nửa chi phí sản xuất và công sức lao động, giảm 50% lượng khí thải nhà kính, tăng năng suất 30%, từ đó giúp tăng thu nhập cho người nông dân.
Tăng cường chất lượng sản phẩm nông nghiệp: các công nghệ ứng dụng trong chuyển đổi số nông nghiệp: Big Data, công nghệ sinh học sẽ giúp phân tích dữ liệu về môi trường, đất đai, ánh sáng và chất lượng các loại cây trồng. Từ đó, người nông dân sẽ có quyết định đúng đắn hơn như lượng phân bón, thời gian canh tác, bơm thuốc bảo vệ thực vật…
Đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng
Xin ông cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp Bình Định chú trọng vào lĩnh vực nào?
- Thứ nhất, lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nhằm xây dựng hệ thống thông tin minh bạch về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cung cấp dịch vụ truy vết và chứng thực thông tin trong từng công đoạn, từ khâu sản xuất đến khâu vận chuyển và đến tay người tiêu dùng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ thương hiệu của các cơ sở; phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số và hướng đến xuất khẩu.
Thứ hai, lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai để cảnh báo sớm và chính xác tình hình thiên tai để có phương án ứng phó, giảm thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.
Ngành nông nghiệp có gặp khó khăn gì khi triển khai chuyển đổi số, thưa ông?
- Việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp còn khá mới nên nhận thức của hầu hết các địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt là người nông dân còn hạn chế, chưa thấy được vai trò, tầm quan trọng và sức ép của việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Điều này gây khó khăn cho việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ số trong ngành nông nghiệp.
Việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng, hệ thống dữ liệu số hóa đồng bộ, hiện đại (cây trồng, vật nuôi, các văn bản chính sách đã được số hóa).
Tuy nhiên, hạ tầng kết nối hiện nay chưa đồng bộ, chi phí 3G, 4G còn cao, chưa tạo cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại điện tử. Do đó, việc tiếp cận công nghệ số và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) hạn chế; việc ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số.
Phủ sóng Internet đến tận thôn, bản
Vậy theo ông, ngành nông nghiệp có giải pháp nào trong thời gian tới nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng phục vụ?
- Nâng cao nhận thực của doanh nghiệp, nông dân và HTX, đặc biệt là nông dân hiểu được vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng kỹ thuật số vào sản xuất nông nghiệp.
Để làm được điều này, cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo, các mô hình khuyến nông về vai trò và lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ nông sản trong bối cảnh hiện nay.
Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật số vào lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển hạ tầng, kết nối Internet băng rộng chất lượng cao (hạ tầng mạng di động 4G, 5G, hạ tầng kết nối IoT) đến các thôn, bản nhằm nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân… Từ đó, phổ cập hạ tầng kỹ thuật số với mục tiêu mỗi hộ nông dân đều có điện thoại thông minh và cáp quang để truyền thông tin kỹ thuật số đến nông dân.
Đẩy mạnh tiến độ xây dựng hệ thống dữ liệu nông nghiệp; nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận, giới thiệu công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân; phối hợp tổ chức các đợt tập huấn nhằm nâng cao trình độ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và vận hành.
Từ đó, người sản xuất sẽ nâng cao kỹ năng quảng bá sản phẩm, kỹ năng sống, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận trực tiếp với khách hàng, tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng để tổ chức sản xuất hiệu quả.