Tâm niệm về 3 chữ "An" của Bộ trưởng với chỉ đạo của Tổng Bí thư
(Dân trí) - Làm việc với báo Dân trí, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu cùng chung tiếng nói, hành động, mục tiêu với phương châm phát triển con người như Tổng Bí thư chỉ đạo.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh như vậy khi tới thăm, chúc Tết báo Dân trí trong những ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, sáng 16/2.
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng đánh giá, năm 2023, cùng khó khăn chung của cả nước, toàn ngành đã vượt qua nhiều thách thức, vươn lên đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Chung tiếng nói, hành động, mục tiêu vì 3 chữ "An"
"Trong một năm khó khăn như vậy, có một làn gió mới, xoay quanh Dân trí. Từ 3 cơ quan báo điện tử Dân trí, báo Lao động xã hội, Tạp chí Vì trẻ em đã hợp nhất, từ 3 thành 1. Việc tổ chức, sắp xếp lại đó diễn ra nhịp nhàng, ăn ý, uyển chuyển", Bộ trưởng khẳng định, đây là sự kiện rất quan trọng của Bộ, của báo chí và của ngành.
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết, để hoàn thành việc quy hoạch, lãnh đạo Bộ đã lắng nghe, trao đổi, giải đáp các băn khoăn tại rất nhiều cuộc họp trong suốt thời gian dài để đạt được sự đồng thuận, tập thể cùng chung tiếng nói, cùng hành động, cùng suy nghĩ và cùng mục tiêu.
"4 cùng" để hướng tới 3 chữ An là phương châm hành động của ngành: An sinh, An toàn và An dân. Đối với những người làm công tác xã hội, 3 chữ An này vô cùng quan trọng, cũng là trăn trở, tâm nguyện suốt quá trình công tác của tôi.
Chúng tôi tâm niệm điều này để thực hiện lời dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, "chủ nghĩa xã hội là phải chăm lo tốt nhất vấn đề chính sách xã hội cho người dân". Tổng Bí thư nhấn mạnh, thành quả đạt được trong thực hiện chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội thời gian qua đã góp phần hiện thực hóa quan điểm lấy con người là trung tâm và không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Kết quả thực hiện chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào nỗ lực phát triển con người Việt Nam", Bộ trưởng lưu ý.
Từ quan điểm đó, Bộ trưởng đánh giá, điều quan trọng nhất trong việc tổ chức "3 trong 1" với các cơ quan báo chí thuộc Bộ là đảm bảo an toàn, để cán bộ, người lao động an tâm làm việc.
Bộ trưởng đánh giá, báo điện tử Dân trí về Bộ, cùng với báo Dân sinh và Lao động xã hội đã tạo sức ảnh hưởng lớn, hiệu ứng xã hội rất tốt đẹp.
"Tôi thấy mừng vì báo Dân trí sau khi kiện toàn tổ chức đã có sự đồng thuận, cùng chung ý chí, cùng tư tưởng, hành động, coi nhau như người một nhà, không có khái niệm "con nuôi, con đẻ"", Bộ trưởng bày tỏ.
Nhân dịp đầu xuân năm mới, Bộ trưởng định hướng báo Dân trí phải phản ánh nhiều hơn những cái tốt, điều hay trong xã hội.
"Tôi mong báo sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn, năng động hơn và đột phá hơn, đột phá về những vấn đề xã hội, luôn truyền đi những thông điệp mạnh mẽ, tươi sáng cho xã hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Tinh thần đổi mới, đột phá
Đáp lại tình cảm của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhà báo Phạm Tuấn Anh - Tổng biên tập báo Dân trí - gửi lời cảm ơn trân trọng nhất tới lãnh đạo Bộ và cá nhân Bộ trưởng đã quan tâm, dành thời gian tới thăm, trao đổi công việc với báo trong những ngày làm việc đầu năm. Đặc biệt, trong suốt thời gian qua lãnh đạo Bộ đã luôn quan tâm, chỉ đạo, định hướng, tạo điều kiện, giúp đỡ tờ báo hoàn thành quy hoạch như ngày hôm nay.
"Đó là một sự kiện mang tính lịch sử trong cả chặng đường phát triển, mang lại cho chúng tôi rất nhiều cảm xúc từ phấn khởi, tự hào và hy vọng trước một chặng đường mới còn nhiều thử thách, chông gai phía trước", ông Phạm Tuấn Anh bày tỏ.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Tổng Biên tập Phạm Tuấn Anh khẳng định, tập thể báo sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để xứng đáng với sự kỳ vọng và lòng tin lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đã gửi gắm; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, dám nghĩ, dám làm với phương châm "đổi mới, sáng tạo, đột phá, phát triển" đưa con thuyền Dân trí tiếp tục gặt hái những thành công mới.
Trăn trở của Bộ trưởng về đào tạo nhân lực chất lượng cao
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng tới thăm và chúc Tết các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tại trụ sở Liên cơ quan Bộ, 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tại đây, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và bà Beater Dippmar - Giám đốc khối các chương trình Dự án giáo dục nghề nghiệp và Lao động di cư - tổ chức Giz đã có những trao đổi liên quan đến định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết, vấn đề đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao không chỉ là trăn trở của riêng ông, mà còn là trăn trở của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Bộ trưởng nhận định, Việt Nam muốn phát triển nhanh, bền vững phải bắt đầu từ con người, lấy con người vừa là mục tiêu, chủ thể, động lực phát triển. Do đó, ngoài việc quan tâm đến đạo đức, lối sống, ông cho biết, Việt Nam đang hướng đến đào tạo các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nghề nghiệp.
"Sở dĩ Việt Nam chọn Đức là hình mẫu trong phát triển giáo dục nghề nghiệp vì kinh nghiệm vận hành hệ thống đào tạo nghề của Đức, trong đó chú trọng đến hệ thống đào tạo nghề kép của Đức rất có hiệu quả và nhiều mô hình tốt mà Việt Nam cần học hỏi", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và cho biết Việt Nam sẽ học hỏi theo cách riêng, rất Việt Nam.
Thông tin với bà Beater Dippmar, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng CHLB Đức sang Việt Nam, ông là người được tháp tùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính. Trong chuyến đi này, Tổng thống Đức chỉ đưa duy nhất một Bộ trưởng đó là Bộ trưởng Bộ Lao động và Xã hội liên bang Đức.
Theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH Việt Nam, cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier là cuộc hội đàm hết sức đặc biệt khi nguyên thủ của hai nước chỉ định lãnh đạo hai Bộ Lao động cùng phát biểu.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặc biệt nhấn mạnh việc lãnh đạo hai nước Việt - Đức chỉ ký một bản ghi nhớ duy nhất (MOU) trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống CHLB Đức lần này. Đó là bản ghi nhớ giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động và Xã hội liên bang của Đức trong lĩnh vực lao động - việc làm.