Sửa luật để tăng niềm tin của người lao động vào chính sách bảo hiểm xã hội
(Dân trí) - Theo các đại biểu công đoàn, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi có nhiều điểm tiến bộ, có lợi cho người lao động (NLĐ), tăng niềm tin của NLĐ vào chính sách BHXH.
Những điểm tiến bộ, ưu việt trong dự luật
Ngày 14/4, tại TPHCM, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với sự tham gia của hơn 50 cán bộ công đoàn các tỉnh thành phía Nam và Công đoàn cao su Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoan nghênh các đại biểu công đoàn tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Luật BHXH (sửa đổi). Thứ trưởng hy vọng với kinh nghiệm làm việc thực tế của mình, cán bộ công đoàn sẽ đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho dự thảo luật.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan khẳng định, mục tiêu của việc cải cách chính sách BHXH lần này là để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Tại hội nghị, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty PouYuen Việt Nam đánh giá Luật BHXH sửa đổi lần này có nhiều điểm tiến bộ.
Ông Nguyễn Văn Nho, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật - Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Tây Ninh cho rằng: "Định hướng tạo điều kiện để nhiều người có lương hưu hơn là rất nhân văn".
Ông nhắc lại thời kỳ những năm 1990 có một đợt "về một cục", cho người lao động đồng loạt rút BHXH một lần, nhiều người rút bảo hiểm khi đó đến nay ân hận vì về già không có lương hưu, phải sống dựa vào tiền con cái chu cấp, tùy thuộc vào tâm tình của con cháu.
Cẩn trọng với quy định rút BHXH một lần
Tuy ủng hộ hướng điều chỉnh của dự thảo nhưng nhiều cán bộ công đoàn phản ánh, các quy định giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, giữ lại 50% khi rút BHXH một lần khiến một bộ phận người lao động lo lắng.
Theo ông Đinh Sĩ Phúc, Chủ tịch Công đoàn công ty Taekwang Vina (đơn vị có gần 35.000 lao động), bản chất của việc giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu sẽ tạo điều kiện cho nhiều người có cơ hội được lĩnh lương hưu là rất tích cực. Tuy nhiên, với góc nhìn của NLĐ thì đó là quy định hạn chế quyền rút BHXH một lần của họ.
Chủ tịch Công đoàn công ty Taekwang Vina trình bày các nguyện vọng sửa đổi quy định này của NLĐ tại doanh nghiệp của ông là xem xét thiết kế tuổi nghỉ hưu cho lao động không thuộc khối văn phòng thấp hơn tuổi hưu chung, NLĐ đã đóng 30 năm BHXH thì mặc định được hưởng lương hưu khi có nhu cầu…
Ông Trần Ngọc Vân, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho rằng: "Khi NLĐ đã muốn rút bảo hiểm thì sẽ tìm mọi cách để rút. Quy định thời hạn đóng bảo hiểm tối thiểu 20 năm để được nhận lương hưu thì 19 năm họ nghỉ việc để rút, quy định 15 năm thì sẽ làm 14 năm rồi nghỉ. Sau khi nghỉ, NLĐ thường chuyển làm việc thời vụ để chờ đến ngày lãnh BHXH một lần. Như vậy xã hội bị lãng phí nguồn lao động có tay nghề trong 1 năm".
Bà Bùi Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Long An, góp ý về việc xử lý doanh nghiệp nợ BHXH. Theo bà, những doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH gây ra rất nhiều thiệt hại cho NLĐ. Có trường hợp NLĐ đã đóng BHXH 15 năm mà có 1 tháng doanh nghiệp nợ BHXH cũng bị treo hết các chế độ như thai sản, BHYT, ốm đau, BHXH một lần… thì quá vô lý.
Các quy định khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH quá phức tạp, không khả thi. Do đó, bà Ngọc Trang đề nghị quy định chặt chẽ việc xử lý trách nhiệm của cơ quan vi phạm pháp luật BHXH. Đồng thời, phải có chế độ để giải quyết quyền lợi cho NLĐ trong trường hợp này vì việc nợ BHXH không phải là lỗi của NLĐ.
Tăng niềm tin vào chính sách BHXH
Ghi nhận những ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan khẳng định, việc đó thể hiện trách nhiệm của các cán bộ công đoàn. Thứ trưởng hy vọng từ nay đến hết thời gian lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được nghe thêm ý kiến của đại diện công đoàn các địa phương, để Bộ LĐ-TB&XH làm cơ sở, căn cứ hoàn thiện dự thảo luật này.
Phó Chủ tịch TLĐLĐ Ngọ Duy Hiểu thì nhấn mạnh, quy định về rút BHXH một lần là vấn đề cực kỳ quan trọng mà cán bộ công đoàn có trách nhiệm chuyển tải và phân tích cho NLĐ hiểu thấu đáo vấn đề. Một đất nước đang phát triển thì không thể thiết kế những chính sách nhắm đến lợi ích trước mắt mà chính sách phải đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, lâu dài.
Còn việc giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, theo ông Hiểu, là chính sách ưu việt mà từ lâu, nhiều NLĐ mong muốn nhưng có thể có một bộ phận NLĐ chưa hiểu rõ mà có nhận thức sai lệnh. Ông yêu cầu công đoàn xây dựng một đề cương tuyên truyền thống nhất, giải thích để NLĐ hiểu rõ và ủng hộ.