Sư thầy trồng loại lan độc lạ, giúp bếp ăn từ thiện của chùa luôn đỏ lửa
Từ 3 năm nay, chùa Giác Quang ở Bình Phước đầu tư trồng, kinh doanh loại hoa lan độc lạ. Mô hình tăng gia này giúp chùa có nguồn tiền duy trì bếp ăn từ thiện.
Xã biên giới Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn.
Trong quá trình hành đạo, các sư thầy ở chùa Giác Quang không chỉ tìm kiếm phương kế duy trì hoạt động, mà còn dành nhiều tâm huyết cho công tác an sinh xã hội.
Đầu tư trồng và kinh doanh hoa lan độc lạ là một trong những cách mà nhà chùa đang làm để có thêm nguồn kinh phí.
Đại đức Thích Bửu Hòa - Trụ Trì Chùa Giác Quang, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Lộc Ninh chia sẻ, chương trình bếp ăn từ thiện của chùa Giác Quang đã hoạt động từ 15 năm nay. Còn mô hình trồng hoa lan thì bắt đầu từ 3 năm trước.
Trên địa bàn xã, đời sống của bà con phật tử gặp nhiều khó khăn. Từ lâu nay, nhà chùa phải tự túc vấn đề kinh tế.
Trước đây, các sư thầy trong chùa cũng làm đậu hũ để bán, hoặc canh tác hoa màu, làm vườn cây ăn trái.
Tuy nhiên, việc làm vườn tốn nhiều thời gian. Các sư thầy không thường xuyên có mặt ở chùa để chăm lo công tác trị sự.
Sau này, nhà chùa được nhiều người hướng dẫn cách trồng hoa lan, nhất là những giống hoa lan độc lạ, đáp nhu cầu của người dùng.
"Việc trồng lan giúp các sư thầy có thêm nhiều thời gian để chăm nom công việc nhà chùa, mà lợi nhuận từ kinh doanh hoa lan cũng khá", thầy Thích Bửu Hòa kể.
Nhiều giống hoa lan trong vườn ở chùa Giác Quang. Ảnh: NVCC
Nguồn thu từ hoa lan độc lạ giúp duy trì bếp ăn từ thiện
Đầu năm 2022, nhà chùa cùng với các phật tử yêu hoa lan ở xã Lộc Hưng đã xây dựng vườn lan với cơ ngơi khang trang, trên tổng diện tích 600m2.
Các dòng lan chủ đạo trong vườn này chủ yếu là lan kiếm, thuộc dòng địa lan. Trong vườn còn có nhiều giống hoa lan độc lạ khác từ lan rừng đến hoa lan đột biến.
Sư thầy chùa Giác Quang giới thiệu giống lan kiếm. Ảnh: NVCC
Theo Đại đức Thích Bửu Hòa, các giống hoa lan độc lạ vẫn tạo nên sức hút đối với người chơi lan, nhất là nhu cầu làm đẹp ở đô thị.
Giá bán các cây lan ở chùa Giác Quang dao động từ 100.000 đồng/cây đến 50 triệu đồng/cây. Nhà chùa vẫn đang tiếp tục nhân giống và nhập thêm nhiều giống mới.
Được biết, 60% kinh phí làm từ thiện của nhà chùa trong những năm gần đây đều dựa vào nguồn thu từ hoa lan.
Cũng nhờ nguồn thu từ những dòng hoa lan độc lạ mà nhà chùa vẫn duy trì được bếp ăn từ thiện tại bệnh viện Lộc Ninh. Chương trình thực hiện mỗi tuần 2 ngày, mỗi ngày từ 500-600 suất ăn cho thân nhân và người bệnh.
Các phật tử chùa Giác Quang chuẩn bị cơm chay từ thiện. Nguồn kinh phí duy trì hoạt động này cũng phần lớn đến từ vườn lan.
Mô hình trồng lan bước đầu cho thấy hiệu quả. "Nguồn thu từ trồng lan giúp nhà chùa tự túc kinh phí, giảm bớt gánh nặng cho Phật tử. Khi có dư, nhà chùa cùng với bá tánh thực hiện các hoạt động có ích cho xã hội", Đại đức Thích Bửu Hòa nói.