Sống nghèo nơi phồn hoa: Nhà vài m2, vợ chồng thay ca để... ngủ
(Dân trí) - Quận 1, nơi sầm uất nhất TPHCM, vẫn tồn tại những căn nhà "bé như lỗ mũi". Nhiều hộ gia đình 3-4 người phải chen chúc, thay phiên nhau người nằm trong nhà, người ngủ ngoài đường vì quá chật chội.
4 người trong căn nhà 3m2
Trưa 27/6, cơn mưa lớn đổ xuống thành phố vẫn không khiến căn nhà chật hẹp của bà Minh (70 tuổi) đỡ nóng bức.
"Nắng thì nóng, mưa cũng không đỡ nóng là bao mà nước còn tạt vào nhà, ướt hết đồ. Gia đình tôi cứ mở bung cửa ngày này qua ngày khác vì đóng cửa là ngộp không chịu nổi", bà thở dài.
Nằm sâu trong con hẻm 245 Nguyễn Trãi (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1), căn nhà của bà Minh có diện tích chưa đầy 5m2, là nơi sinh sống của 4 người.
Căn nhà chỉ để vừa 2 chiếc tủ quần áo và 1 tủ lạnh. Nhiều đồ đạc khác phải để bên ngoài vì bên trong đã kín chỗ.
Để có đủ chỗ cho cả 4 người, vợ chồng bà phải ngủ trên sàn, ngay lối đi vào nhà. Hai người phải nằm nghiêng thì mới đủ chỗ nhưng cũng không thể duỗi chân hay cựa mình. 2 đứa cháu ngoại thì chia nhau ngủ trên gác lửng.
Hằng ngày, cả gia đình phải thay phiên ngồi ăn cơm trên thùng hàng dựng tạm ở bên ngoài căn nhà. Cháu trai bà đi làm miết, hiếm khi về nhà vì cũng không chịu được cảnh chật chội, nóng bức.
"Sống như vầy rất bất tiện, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác. Cháu trai tôi đã lớn mà vẫn phải ngủ chung với em gái. Sau này cháu kết hôn, sinh con, tôi không biết gia đình sẽ sinh sống như thế nào", bà Minh lo lắng.
Cách đó không xa, căn nhà của ông Nguyễn Phú (63 tuổi) cũng vô cùng chật chội. Căn nhà này chỉ vỏn vẹn 3m2, là chỗ ở của vợ chồng ông, con gái và cháu ngoại. Tại đây, ông Phú phải mang gần hết đồ đạc ra để tạm trước cửa.
Ông Phú sống bằng nghề chạy xe ôm. Mỗi ngày, ông chỉ có mặt ở nhà khi vợ đi làm và ngược lại. Bởi nhà quá chật và nóng, ông đành chạy xe ra công viên ngồi để các thành viên khác có chỗ nghỉ ngơi.
"Nghĩ đến con và cháu, tôi càng buồn hơn", ông Phú thở dài thườn thượt.
Buổi tối, ông sẽ ngủ ở gác lửng, 3 thành viên còn lại nằm chen chúc dưới sàn nhà chật chội. Trước đó, nơi ở của gia đình ông Phú là một trong 3 căn nhà xảy ra hỏa hoạn, được địa phương hỗ trợ xây mới lại.
Muốn rời đi nhưng không có tiền
Sống trong căn nhà chật hẹp từ năm 1978, gia đình bà Minh chưa từng nghĩ đến chuyện rời đi. Bởi mua một căn nhà ở thành phố là cả một vấn đề lớn đối với lao động nghèo như gia đình bà.
Bà Minh kiếm sống bằng nghề bán cà rốt, củ cải chua, kiếm 100.000-200.000 đồng/ngày.
Chồng bà chạy xe ôm, nhưng có hôm không có khách, phải nằm ở nhà. Vì thế, tiền kiếm được chỉ đủ lo chuyện ăn uống tằn tiện hằng ngày của gia đình.
Việc bỏ tiền thuê một căn nhà rộng rãi hơn là điều bà Minh chưa dám mơ tới, nên chuyện mua nhà khác càng là chuyện không thể xảy ra. Gia đình cũng không thể bán nhà, dọn đi nơi khác vì đã quen sống tại đây, đi nơi khác sẽ khó tìm được công việc mưu sinh.
Nhìn cháu ngoại, bà Minh chợt nghẹn lòng khi cuộc sống nghèo khó qua mấy thế hệ vẫn chưa thể chấm dứt. Con gái bà bỏ đi nơi khác, để lại cháu ngoại cho bà nuôi.
Cháu gái đã 12 tuổi, được đi học nhưng chưa bao giờ dám dắt bạn về nhà chơi, bởi nơi ở quá chật hẹp. Thực tế, những người khách đến thăm bà Minh chỉ được ngồi ghế nhựa, ngay giữa lối đi chung của cả xóm.
Đồng cảm với bà Minh, ông Phú cũng chỉ kiếm được 50.000-200.000 đồng/ngày. Ông từng thoáng nghĩ đến chuyện rời đi nhưng việc kiếm một căn nhà giá rẻ, ở nơi dễ kiếm tiền như trung tâm quận 1 là điều không thể. Giờ đây, ông chỉ có thể chờ đến lúc cháu gái mình kết hôn, đi nơi khác sống nhà mới rộng rãi hơn.
Dọc con hẻm này, nhiều hộ dân khác cũng sống cảnh cả nhà chui rúc trong căn nhà nhỏ. Nhiều người tận dụng không gian trước nhà làm chỗ nấu ăn. Không ít người còn khổ sở khi phải xin hàng xóm cho giặt giũ, tắm ké.
Họ phải để xe máy ở bên ngoài, bất chấp nỗi lo mất cắp vì nhà quá nhỏ, chỉ vừa chỗ để ngủ qua đêm. Con hẻm dẫn vào từng ngôi nhà cũng tối tăm, lắt léo, chỉ vừa một chiếc xe đi qua.
Ông Dương Anh Đức, Bí thư Quận ủy quận 1, cho biết đây là khu vực trung tâm của TPHCM, cần hướng đến hình ảnh đô thị văn minh, hiện đại và người dân có điều kiện sống tốt. Tuy nhiên, do vấn đề lịch sử để lại và hoàn cảnh thực tế, môi trường sống tại một số nơi còn chưa như mong đợi, người dân còn phải sống trong điều kiện sống còn khó khăn.