"Sóng ngầm" dưới mái nhà: Xấu chàng thì... thiệt thân!
(Dân trí) - Việc xử lý các vụ bạo hành gia đình gặp khó khăn một phần do sự cản trở từ phía nạn nhân. Không dám lên tiếng hoặc quan niệm "xấu chàng hổ ai" khiến nạn nhân ít tìm đến sự trợ giúp từ bên ngoài.
Trong thời gian qua, tại Nghệ An xảy ra không ít vụ án hình sự mà nguyên nhân sâu xa từ hành vi bạo lực gia đình. Có người phụ nữ phải gánh chịu thương tích, tổn hại sức khỏe từ những trận đòn của chồng, thậm chí có người phải trả giá bằng cả mạng sống. Bi kịch hơn, có trường hợp phải chịu cảnh tù tội vì đã phản kháng hành vi bạo lực kéo dài từ chính người chồng của mình.
Người dân xã Nghĩa Khánh (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) vẫn chưa quên vụ án người vợ hạ sát chồng bằng nhiều nhát dao vào lúc rạng sáng. Suốt 12 năm trời, chị Minh (tên nhân vật được thay đổi) bị người chồng say xỉn bạo hành. Người phụ nữ này đã nhẫn nhịn, cam chịu, thậm chí có thời gian bỏ vào miền Nam sinh sống để trốn những trận đòn tàn bạo của chồng.
Thương chồng không có ai cơm nước, giặt giũ, chị Minh trở về để rồi tiếp tục trở thành "cái bịch bông" cho chồng "luyện tay". Trong một lần bị chồng đánh, bỏ chạy không thành, người đàn bà này đã vớ được con dao. Bao nhiêu uất ức dồn nén hết vào lưỡi dao oan nghiệt, đến khi chị sực tỉnh thì người chồng chỉ còn là cái xác không hồn.
Bản án 4 năm tù mà pháp luật dành cho người phụ nữ này là do HĐXX cân nhắc nhiều về nguồn cơn sự việc. Nhưng hệ quả lớn nhất của hành động "tức nước vỡ bờ" để lại cho chính bản thân chị và 4 con những chấn động tâm lý dai dẳng, nặng nề.
Ông Lê Văn Lý - Trưởng phòng nghiệp vụ, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Nghệ An còn nhớ như in câu chuyện của một nạn nhân tại huyện Đô Lương mà đơn vị của ông tham gia trợ giúp. Người phụ nữ bị chồng bạo hành nhiều lần về thể chất và tinh thần. Đỉnh điểm, chị bị chồng dội cả ấm nước sôi vào người, gây bỏng nặng.
"Tuy nhiên, vụ án hình sự sau đó bị đình chỉ, không thể xử lý được hành vi cố ý gây thương tích của người chồng do người vợ rút đơn tố cáo và xin không xử lý", ông Lê Văn Lý cho hay.
Trường hợp của người phụ nữ tại một xã ngoại thành ở thành phố Vinh vẫn ám ảnh ông Nguyễn Vinh Quang - Phó trưởng phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Nghệ An.
"Đó là một câu chuyện rất buồn và xót xa. Chị ấy bị chồng bạo hành suốt hơn 20 năm, người gầy gò, sầu thảm. Khi chúng tôi tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ thì lại không nhận được sự hợp tác, thậm chí chị ấy từ chối sự giúp đỡ", ông Quang kể.
Theo kết quả điều tra, tổng hợp của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì có 14 nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực gia đình. Trong đó nguyên nhân đầu tiên và lớn nhất là do nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, bao che, không khai báo, sợ bị chê cười. Các nguyên nhân khác cần phải kể đến đó là kinh tế khó khăn, tệ nạn xã hội, tư tưởng gia trưởng, bất bình đẳng giới, nhận thức pháp luật của cán bộ, chính quyền, đoàn thể còn hạn chế..
"Tàn dư của tư tưởng phong kiến vẫn ăn sâu, bám rễ trong quan niệm hôn nhân, gia đình của không ít người, trong đó có chính từ những người phụ nữ - nạn nhân chủ yếu của bạo hành gia đình. Nhiều vụ việc khó hoặc không thể xử lý hình sự do nạn nhân không tố cáo hoặc tố cáo rồi rút đơn vì không nỡ đẩy chồng mình vào tù.
Mặt khác, trường hợp người chồng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này thì chính người vợ phải nộp tiền thay, họ phải chịu "thiệt kép" do hành vi của chồng gây ra cho mình hoặc e ngại, sợ dư luận, sợ dị nghị nên cuối cùng chọn cách im lặng", ông Lê Văn Lý chỉ rõ những "lực cản" trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình...
Một cán bộ làm công tác đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở kể lại, đơn vị tiếp nhận thông tin về một vụ bạo lực gia đình trên địa bàn. Nguồn tin cho hay, nạn nhân bị chồng bạo hành dẫn tới thương tích. Tuy nhiên, khi tiếp cận, người vợ (công tác trong ngành giáo dục) lại giải thích chị không may bị ngã dẫn tới gãy... 4 chiếc răng và phủ nhận việc bị bạo hành.
"Qua nắm bắt thông tin dư luận thì thấy có tình trạng người chồng đánh đập vợ nhưng khi không có tố cáo của nạn nhân thì việc xem xét, xử lý về hành vi xâm hại sức khỏe hay cố ý gây thương tích đối với hành vi bạo hành không thể xử lý được", vị cán bộ đề nghị giấu tên cho hay.
(Còn tiếp)