Sinh viên phải làm thêm ngày 10 tiếng, hạ cấp chỗ ở vì bão giá chưa hồi kết
(Dân trí) - Bão giá kéo dài khiến cuộc sống của những người trẻ, đặc biệt là sinh viên bị vắt kiệt bởi họ chưa có công việc chính thức, không có nguồn kinh tế dự phòng để xoay sở.
Thay đổi thói quen
Nhiều sinh viên tại TPHCM đang lao vào "cuộc chiến kinh tế" trước tình trạng lạm phát. Từ đầu năm nay, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới tăng mạnh, xăng dầu bán lẻ trong nước liên tiếp lập đỉnh trong lịch sử. Kéo theo đó, giá cả mọi mặt hàng, dịch vụ đều tăng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng 2,25%, gần gấp đôi mức 1,29% của năm 2021.
Trong hai tháng, tính từ ngày 21/4 đến ngày 21/6 năm nay, giá xăng trong nước đã tăng đến 7 lần. Tổng cộng mỗi lít xăng RON 95-III đắt thêm 5.560 đồng; còn E5 RON 92 cũng thêm 4.830 đồng.
Đối mặt với tình hình chung, Nguyễn Thị Bích Hảo, sinh viên năm 3, trường Đại học Lao động - Xã hội ở Quận 12 cho biết: "Trước kia, mình thường đi mua sắm, ăn vặt linh tinh. Ngày cuối tuần thì dạo phố với bạn bè, uống ly trà sữa hơn 50.000 nghìn đồng. Nhưng khoảng hai tháng nay, khi giá xăng tăng hơn 30.000 nghìn đồng/ lít, hầu hết sinh viên bọn mình không muốn đi đâu nữa vì quá tốn kém".
Không chỉ thói quen ăn uống, dạo phố cùng bạn bè phải tiết giảm mà mới đây, Hảo phải chuyển nhà trọ, đến ở gần trường và chỗ làm thêm để tiết kiệm tiền. Từng là người thích sống một mình, giờ đây Hảo chọn ở ghép cùng với hai bạn khác để giảm chi phí.
Khoản tiền hơn 3 triệu đồng cha mẹ chu cấp mỗi tháng không đủ để cô sinh viên xoay sở nên ngoài giờ học, Hảo tìm đến một cửa hàng buffet Hàn Quốc gần nhà xin làm phụ bếp.
Trước đây, có làm thêm thì Hảo cũng chỉ đăng ký ca làm mỗi khi rảnh rỗi, thường mỗi tuần chỉ làm tổng cộng khoảng 16 tiếng. Nhưng giờ đây, mỗi khi không có lịch học là cô lại đến ngay chỗ làm, có ngày Hảo làm hơn 10 tiếng.
Để tiết kiệm điện, nước ở nhà trọ, Hảo mang theo sách vở và laptop để học bài trong giờ nghỉ tại cửa tiệm.
Vốn là người "nghiện" mua sắm online, thời điểm các sàn thương mại điện tử vào đợt khuyến mãi, Hảo đặt mua một lần cả chục đơn. Tuy nhiên, đó chỉ là việc làm trước khi bão giá xuất hiện, khi tiền làm thêm đủ để cô thỏa mãn sở thích cá nhân.
"Giờ nghĩ cái gì cũng lên giá, mình phải tìm cách làm thêm giờ, tắt thông báo các ứng dụng mua sắp online để không còn bị thu hút, rồi tặc lưỡi mua đủ thứ như trước nữa. Mỗi lần muốn mua gì phải đấu tranh tư tưởng lắm để không tiêu tốn oan uổng", Hảo cho biết.
Bão giá khiến đời sống sinh viên chật vật hơn nhưng thực tế cũng giúp Hảo nhận ra việc quản lý chi tiêu không hợp lý trước đây. Việc mua sắm mất kiểm soát hoặc la cà quán xá không còn. Thay vào đó, thời "thắt lưng buộc bụng", nhiều sinh viên chọn cách tự mua thực phẩm về nấu ăn để tiết kiệm.
Nguyễn Thị Thúy Nga, sinh viên năm 2, trường Đại học Kinh tế TPHCM đã dẹp chiếc xe máy vào góc nhà hơn 2 tháng nay. Dù mỗi ngày phải đi quãng đường hơn 20 km từ nhà ở huyện Bình Chánh đến trường ở Quận 10 nhưng Nga chấp nhận chọn đi xe buýt, dù mất thời gian. Hôm nào có việc gấp cần đến trường sớm, cô gái đi nhờ xe của bạn rồi "share" (chia-PV) tiền xăng.
Sống trưởng thành hơn nhờ bão giá
Trước đây, mỗi dịp cuối tuần Nga đều chạy xe máy về quê thăm ba mẹ. Nhưng khi xăng tăng "chóng mặt", Nga chọn cách ở lại nhà trọ xin một công việc viết bài website của các công ty, kiếm thêm thu nhập để bù thêm chi phí phát sinh do vật giá leo thang.
Ở quê, ba mẹ Nga thường tiếp sức cho con gái bằng cách gửi đồ ăn ở quê lên nên cô đỡ thêm một phần chi phí đi chợ. Khi nào hết thực phẩm Nga chờ cuối ngày, ra siêu thị mua đồ ăn giảm giá. Có khi, Nga cũng chọn được một số mặt hàng sắp hết hạn, bán giá thanh lý rồi về chế biến ngay.
Tuy những bữa cơm sinh viên của Nga và bạn cùng phòng khá đạm bạc, thường là xoay quanh những loại thức ăn từ quê gửi lên nhưng cô vẫn thường nói theo hướng lạc quan, kiểu "ăn nhiều rau để giảm cân", "sống healthy". "Dù cuộc sống khó khăn hơn nhưng mọi người luôn cố gắng khích lệ tinh thần để cùng nhau vượt qua. Chí ít, mình còn cảm thấy dễ thở hơn so với thời điểm dịch Covid -19 hoành hành", Nga nói.
May mắn hơn nhiều bạn sinh viên khác, Minh Tùng, sinh viên năm 4 đại học Tài chính - Marketing là người Sài Gòn gốc, không phải thuê trọ. Gia đình Tùng có mặt bằng cho thuê, vốn "sống không phải nghĩ" nhưng sau dịch Covid-19, kinh tế chật vật hơn hẳn vì mất nguồn thu từ việc cho thuê nhà. Những người thuê đều đã trả nhà, không trụ nổi.
Trước kia, chàng sinh viên thường tụ tập bạn bè đá banh, chơi bida nhiều ngày trong tuần, có khi còn "chơi lớn", dẫn bạn gái đi ăn uống ở nhà hàng. Hiện tại, Tùng chỉ có thể duy trì đá banh 2 - 3 lần mỗi tháng, giảm hẳn việc hẹn hò bạn gái, tụ họp bạn bè. Nếu gặp nhau, Tùng và bạn thống nhất chọn ăn những quán vỉa hè.
Ngày trước, "cậu hai" Sài Gòn có thói quen vào các cửa hàng tiện lợi mua quà vặt, mua quà tặng người yêu dù không phải dịp gì. Còn giờ đây, Tùng học cách hạn chế lui tới những địa điểm tụ tập khi không cần thiết, để dành thời gian phụ giúp mẹ bán tạp hóa.
"Trước đây, có thời điểm mình xài hết chục triệu một ngày. Giờ gia đình đang trong giai đoạn khó khăn, cần hồi phục kinh tế. Nhà không cho thuê được nên cuộc sống của của gia đình giờ phụ thuộc vào tiệm tạp hóa của mẹ. Thấy mẹ chắt chiu từng đồng, mình mới thấy thương mẹ hơn, thấy bản thân cần sử dụng tiền hợp lý, không được xài hoang phí nữa", Tùng cho hay.
Thanh Huyền