1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bão giá đang bóp nghẹt túi tiền người lao động nghèo thế nào?

Diệp Phan

(Dân trí) - Vừa chi thêm gần 30.000 đồng mới đổ đầy bình xăng, ông Long tái mặt khi nghe cô bán xôi thông báo suất xôi ngọt từ nay sẽ tăng từ 5.000 lên 10.000 đồng.

Mất khoản tiết kiệm vì giá xăng

Ông Nguyễn Duy Long, 67 tuổi, ở quận Bình Thạnh, vốn là người khuyết tật, hai chân teo nhỏ lại nên ông chở hàng trên chiếc xe máy ba bánh. Thường ngày, ông đậu xe ở Bến xe Miền Đông, chờ những mối quen gọi điện nhờ lấy hàng giao đi các quận. Mỗi ngày, ông Long chỉ giao được từ 2 - 3 đơn, chủ yếu là hàng cồng kềnh, đi xa cả chục km, thu nhập chưa đến 200.000 đồng. 

Vì tính chất công việc nên ông Long nắm rất rõ giá xăng ở từng thời điểm. Người đàn ông nhớ lại, vào cuối năm ngoái, loại xăng RON 95 ông thường đổ chỉ hơn 23.000/lít, từ đầu tháng 3 năm nay, tăng đến gần 27.000 đồng. Điều này đồng nghĩa với việc, ông shipper phải chi thêm gần 30.000 đồng mới đổ đầy bình xăng 4 lít của chiếc xe wave đang chạy. Ông nhẩm tính, mỗi tháng có thể sẽ phải chi thêm vài trăm nghìn cho việc đổ xăng. 

Bão giá đang bóp nghẹt túi tiền người lao động nghèo thế nào? - 1

Ông Long cho biết tuy giá xăng tăng nhưng giá giao hàng vẫn như cũ (Ảnh: Diệp Phan).

Sáng 5/3, ông Long rời trạm xăng, ghé vào hàng xôi quen ven đường gọi mua một gói xôi ngọt như thường lệ. Vừa thấy ông, người bán bảo: "Nay con không bán phần 5.000 đồng nữa, chỉ bán phần 10.000 đồng trở lên nha chú"!

"Nghe tin xăng tăng giá kỷ lục tôi đã thấy lo nhưng mới tính được sẽ mất thêm mấy trăm ngàn mỗi tháng đổ xăng, chưa kịp nghĩ cái gì cũng tăng theo giá xăng như thế này", ông Long nói. 

Mặc dù vậy, nhưng ông Long vẫn chưa có ý định sẽ báo tăng giá giao hàng với các mối quen của mình. Người đàn ông khuyết tật nhận thấy hiện nay có nhiều shipper trẻ, khỏe mạnh, nếu ông tăng giá, khách sẽ tìm đến người khác, khi đó lại mất mối. Vì thế tạm thời, ông sẽ cố gắng chi tiêu dè sẻ lại để bù tiền xăng. Như trưa hôm đó, thay vì sẽ mua phần cơm chay bình dân giá 10.000 đồng thì ông ăn nốt nửa gói xôi để dành từ sáng.

"Trước đây, cuối tháng trừ tiền ăn, tiền trọ, tôi còn để dành được vài trăm nghìn phòng khi đau ốm nhưng thời gian tới e chẳng còn", ông Long trầm ngâm, thở dài.

Bão giá đang bóp nghẹt túi tiền người lao động nghèo thế nào? - 2

Chị Hiền đắn đo chọn mua thực phẩm giá rẻ vào buổi chiều đồng thời chế biến phải nhanh gọn để tiết kiệm gas (Ảnh: Diệp Phan).

Siết chặt chi tiêu

Sau Tết, không chỉ giá xăng tăng kỷ lục mà giá gas cũng vượt tăng hơn 500.000 đồng/bình 12kg, gây thêm áp lực cho người nội trợ, đặc biệt là người lao động nghèo.

Là công nhân ở trong căn phòng trọ chưa đầy 10m2 ở phường Long Trường, thành phố Thủ Đức, chị Mai Hiền, 43 tuổi đã quen sử dụng bếp gas mini để nấu nướng. Trước đây, cứ khoảng 2 ngày chị sẽ tốn 9.000 đồng để đổi bình gas mới. Đầu tháng 3, giá đổi gas ở cửa hàng tạp hóa đã lên đến 12.000 đồng. Giá gas tăng, nữ công nhân chợt lóe lên trong đầu ý định mua bếp từ nhưng vội vụt tắt ngay vì bếp đơn mới cũng gần một triệu, chưa kể phải mua thêm cái xoong chuyên dùng. Chị tính, từ nay sẽ lên thực đơn các món nấu nhanh để tiết kiệm gas.  

Không những thế, trong lúc giá xăng, gas đều tăng kỷ lục chị Hiền còn thấy giá thực phẩm ở chợ cũng rục rịch tăng. 

"Mặt hàng nào cũng tăng vài nghìn một ký. Tôi sẽ chuyển sang đi chợ buổi chiều, hàng còn ế, người ta bán rẻ, lại dễ dàng trả giá", chị Hiền chia sẻ.

Cũng cùng tâm lý "đi chợ chiều" giống chị Hiền, bà Loan, 68 tuổi, ở phường Long Thạnh Mỹ, đã mua đủ loại rau củ như khoai lang, cải xanh, bầu, hành ngò... hết hơn 50.000 đồng. Tuy không mặc cả để được mua giá rẻ hơn nhưng loại nào bà cũng được người bán cân thừa cho vài lạng vì muốn bán cho nhanh hết. 

"Nếu đi chợ buổi sáng, mua hàng mới, tôi tốn thêm ít nhất 20.000 đồng nữa. Nhà đông người nên càng phải tiết kiệm", bà Loan nói. 

Bão giá đang bóp nghẹt túi tiền người lao động nghèo thế nào? - 3

Bà Loan, 68 tuổi cũng bắt đầu thói quen đi chợ chiều để mua được thực phẩm rẻ hơn (Ảnh: Diệp Phan).

Ngoài chuyện túi tiền của những người tiêu dùng có thu nhập thấp như ông Long, chị Hiền, bà Loan bị bóp nghẹt thì giá xăng tăng thì việc buôn bán của tiểu thương cũng trở nên chật vật.

Anh Bình, 40 tuổi, một người bán rau trên đường Nguyễn Xiển, phường Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức cho biết, sức mua giảm hẳn trong khoảng một tuần nay.

Anh Bình lái chiếc ba gác, đến chợ đầu mối lấy rau từ khuya. Buổi sáng anh bán ở một khu chợ lớn, hàng còn dư, chiều anh đánh xe đến một vài điểm có đông công nhân xây dựng bán tiếp cho đến tối. 

Trước đây, mỗi ngày anh Bình chi khoảng 100.000 đồng để đổ xăng cho việc đi lấy hàng và di chuyển đến các chợ nhưng bây giờ anh phải chi đến 130.000 đồng mới đủ. Chưa kể, dù giá nhiều mặt hàng ở chợ đầu mối đã tăng nhưng anh Bình vẫn chỉ dám nhích nhẹ để giữ khách nên lợi nhuận cũng bị bào mòn. 

Sức mua giảm khiến anh không dám lấy nhiều mặt hàng như trước. Dù thế, hàng từ buổi sáng vì ế khách còn tồn lại cho đến chiều khiến anh phải bán hạ giá để thu hồi vốn. Trước đây, mỗi ngày anh có thể kiếm được hơn 300.000 đồng tiền lãi nhưng nay trừ hết chi phí thì chỉ còn một nửa. 

"Khách hàng của tôi chủ yếu là công nhân, tăng nhẹ giá một chút để bù chi phí là sức mua yếu hẳn đi. Mấy hôm nay, công nhân đi làm về chỉ liếc nhìn vào chứ chẳng dừng lại hỏi mua", anh Bình nói.