Người trẻ quay cuồng vì "bão giá": Chắt bóp chi tiêu, thôi chạy xe đi dạo

Huy Khánh

(Dân trí) - Giá thành nhiều sản phẩm tiêu dùng leo thang, đặc biệt là xăng dầu đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người trẻ.

Ra trường chưa kiếm được việc làm đã phải đối mặt với "bão giá"

Vũ Thị Hà Thảo (sinh viên năm cuối ngành Quản trị kinh doanh) chia sẻ, mặc dù đã tốt nghiệp được gần 3 tháng nhưng cô vẫn đang chật vật đi tìm kiếm công việc toàn thời gian đầu tiên của mình.

Theo tìm hiểu của Thảo, do giá các mặt hàng hóa, xăng xe đang tăng cao chính vì thế nhiều công ty cũng dần cắt giảm nhân sự nhằm chống chọi trong thời kỳ "bão giá". Tìm kiếm một công ty đúng với ngành nghề vô cùng khó khăn, Thảo chia sẻ thêm, cô đã nộp CV và thư giới thiệu đến rất nhiều công ty trong suốt hơn 3 tháng qua nhưng chỉ nhận lại thất vọng.

Người trẻ quay cuồng vì bão giá: Chắt bóp chi tiêu, thôi chạy xe đi dạo - 1

Giá xăng tăng khiến cuộc sống của gen Z bị xáo trộn khá nhiều. (Ảnh: Mạnh Quân)

Công ty đồng ý nhận vào làm không đủ tiềm năng để học tập và phải làm trái ngành. Trong khi đó công ty từ chối nhận vào thì tỷ lệ chọi quá cao, bản thân Thảo không đủ yêu cầu và tuyển số lượng rất ít do cắt giảm nhân sự.

Gánh nặng hơn nữa, Thảo từ quê lên nên mọi cuộc sống, chi phí sinh hoạt cộng thêm tiền thuê trọ đã khiến cô gặp không ít khó khăn. Vì chưa tìm kiếm được bến đỗ trong công việc phù hợp nên bố mẹ cô vẫn phải chu cấp mỗi tháng. Điều này làm Thảo vô cùng áp lực, so sánh mình với các bạn đồng trang lứa khi họ đã có công việc và có thể tự lo cho bản thân, cô vẫn sống dựa vào tài chính của bố mẹ.

Giá xăng tăng đến mức kỷ lục cũng là mối lo ngại của cô sinh viên vừa ra trường. Cô chia sẻ: "Mình có dự định sẽ mua một chiếc xe máy để tiện đi lại khi đi làm full-time nhưng với giá xăng tăng chóng mặt như hiện nay mình sẽ không lựa chọn phương án này nữa. Thay vào đó mình sẽ mua một chiếc xe điện vừa tiết kiệm lại vừa bảo vệ môi trường và tiết kiệm tiền xăng".

Bỏ thói quen đi dạo bằng xe máy và tụ tập bạn bè

Nguyễn Đức Trung (sinh viên năm 3 chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học quốc gia TPHCM) bộc bạch, giá tăng chóng mặt khiến cuộc sống của cậu đảo lộn khá nhiều. Trước đây, khi buồn chán, cậu thường dắt xe hóng gió xung quanh thành phố, nhưng hiện tại giá xăng tăng gần gấp đôi khiến cậu phải từ bỏ thú vui này.

Trước đây, Trung thường có thói quen ăn cơm ngoài tiệm, thường thường một suất cơm sẽ rơi vào 20.000 đồng - 25.000 đồng cảm giác khá đầy đặn. Nhưng hiện nay, suất cơm 30.000 đồng cũng rất ít thức ăn và không đủ no đối với cậu nên cậu đã từ bỏ việc ăn cơm tiệm.

Hơn nữa, là một người tập thể hình nên dinh dưỡng và khẩu phần ăn mỗi ngày cực kỳ quan trọng. Chính vì vậy, Trung đã phải thay đổi lối sống của mình trong thời kỳ "bão giá" bằng việc tự nấu ăn ở nhà, việc này sẽ tiết kiệm chi phí phần nào nhưng vẫn cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.

Người trẻ quay cuồng vì bão giá: Chắt bóp chi tiêu, thôi chạy xe đi dạo - 2

Bạn trẻ càng ngày càng phải đắn đo hơn trong chi tiêu (Ảnh minh họa: Bảo Kỳ).

Mặc dù cố gắng cắt giảm nhưng chi phí sinh hoạt vẫn khá cao. Trung nhận xét, tiền xăng, phòng tập, tiền phòng, điện nước, gửi xe kể ra cũng hơn 1 triệu đồng và còn thức ăn, chi phí khác. Hạn chế đi chơi, tụ tập với bạn bè, chủ yếu chỉ chạy xe đi học và đi mua thức ăn, Trung cũng mất khoảng 500.000 đồng tiền xăng một tháng.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lạm phát trên toàn cầu nên công việc part-time trước đây của Trung đã không còn. Cậu bộc bạch, công việc từ hồi năm nhất làm freelance cho đối tác nước ngoài, khi ấy thu nhập khá nên mỗi tháng cậu tiêu khoảng 4 triệu-5 triệu đồng. Giờ đây nguồn thu đó tạm thời không còn vì ảnh hưởng lạm phát trên cả thế giới nên các đối tác cắt giảm chi phí, nhân sự. Vì vậy, cậu sống phụ thuộc vào gia đình nên cần phải tính toán chi li hơn.

Mặc dù đã thử tìm kiếm công việc part-time mới cho sinh viên nhưng tiền lương chỉ bằng 2/3 thậm chí 1/2 so với trước kia. Trung nhận xét việc này tốn thời gian, thu nhập không cao nên quyết định không đi làm thêm nữa.

Chuyển chạy xe ga sang xe số

Anh Nguyễn Hoàng Thái Hưng (nhân viên của một công ty truyền thông) cho biết, thay vì trước đây giá xăng rẻ, anh đi làm bằng xe tay ga, nhưng bây giờ xăng cao nên phải chạy xe số để đỡ hao xăng, giảm thiểu chi phí. Trước đây, cuối tuần anh hay có thói quen tụ tập bạn bè đi ăn đi uống, đi chơi xa, giờ đây giảm đi hẳn vì ai ai cũng ngán tiền xăng tăng.

Thêm nữa, nhà anh cách công ty cũng tận 20km, cả đi cả về mất tới 40km nên nhiều lúc anh đã có ý định sẽ mướn trọ ở gần công ty, mặc dù đang ở với gia đình.

Không chỉ ảnh hưởng về việc đi lại, ăn uống cũng là vấn đề của anh trong thời gian này khi giá thực phẩm đều tăng. Anh chia sẻ: "Mình đi siêu thị, thấy giá các mặt hàng đều tăng lên, tuy tăng không quá nhiều, nhưng xăng cứ tăng thì giá cũng tăng theo như vậy thực sự khó sống".

Hưng chia sẻ, anh hay mua hàng online, gần đây giá ship cũng tăng khiến anh suy nghĩ, đắn đo khá nhiều khi quyết định mua. Thậm chí có vài lần, hàng hóa bị "giam" ở bưu cục nhiều ngày, anh liên lạc cho bên công ty vận chuyển hỏi lý do rằng không có shipper, xăng tăng giá nên không có người giao.