1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Rút 96 triệu sau 16 năm đóng bảo hiểm, 52 tuổi tiếc vì từ bỏ lương hưu

Nhiều lao động còn trẻ, chưa phải quá khó khăn, tài chính kiệt quệ mà vì tâm lý "cầm tiền về cho chắc" đã đi rút bảo hiểm xã hội 1 lần, chấp nhận tuổi già không có chỗ dựa tài chính, bảo hiểm y tế.

Nhiều lao động vội vã rút bảo hiểm xã hội 1 lần là thực trạng đã diễn ra tại một số địa phương trong tuần qua. Có rất nhiều lý do khác nhau khiến người lao động rút bảo hiểm xã hội dù đóng ít năm hay nhiều năm.

Trong khi trên thế giới, các quốc gia không cho phép người tham gia BHXH được rút BHXH 1 lần, trừ trường hợp đặc biệt như ra nước ngoài định cư hay hết tuổi lao động nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu. Ngay cả như vậy, họ cũng khuyến khích đóng tiếp để có lương hưu. 

Hạn chế rút bảo hiểm xã hội để đảm bảo an sinh khi về già

Còn ở trong nước, việc người lao động rút BHXH khá dễ dàng, để rồi khi đã có tuổi, nhiều lao động nuối tiếc vì thiếu cân nhắc khi rút BHXH 1 lần.

3 năm đóng BHXH rồi nghỉ việc. 5 năm sau, anh Thắng ở huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) mới đi rút. Với số tiền 17 triệu đồng, anh sẽ mua đồ nghề sửa xe máy. Với anh, cứ có tiền để giải quyết trước mắt, còn sướng khổ là chuyện của mai sau.

Rút 96 triệu sau 16 năm đóng bảo hiểm, 52 tuổi tiếc vì từ bỏ lương hưu - 1

Tại Bảo hiểm xã hội Quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh), trung bình mỗi ngày, đơn vị phải giải quyết tới 300 hồ sơ. 

Biết sẽ thiệt thòi nhưng vì khó khăn tài chính đang cấp bách nên việc lựa chọn rút BHXH một lần là giải pháp lúc khốn khó của một số người. Nhiều người rút BHXH vì lý do chính đáng, do cuộc sống khó khăn, do tài chính kiệt quệ nhưng có nhiều người lại có tâm lý là cứ rút để cầm tiền về cho chắc.

Vợ chồng chị Thu ở Vĩnh Phúc đều đóng BHXH 8 năm và cùng rút. Lúc ấy, tiền cầm về 120 triệu đồng nghe thì to nhưng cũng nhanh tiêu hết. Giờ mở hàng bán cây cảnh, hơn 40 tuổi, chục năm nữa già, chị mới tiếc về sự vội vã lúc đó.

Rút 96 triệu sau 16 năm đóng bảo hiểm, 52 tuổi tiếc vì từ bỏ lương hưu - 2

Hay như ông Kết (ở Xã Thanh Vân, Tam Dương, Vĩnh Phúc), cầm 96 triệu đồng tiền bảo hiểm sau gần 16 năm đóng, ông về đầu tư nuôi lợn dịch bệnh. Lợn chết, ông lại xin đi làm tháng 6 triệu đồng.

Với một người sống ở sống ở nông thôn, ở tuổi 52, ông mới hiểu là rút bảo hiểm không chỉ đơn giản là mang tiền về mà còn là từ bỏ lương hưu. Ông chỉ mong làm ở công ty mới được ký hợp đồng lao động để được đóng BHXH từ đầu.

Nhiều người nuối tiếc vì rút bảo hiểm xã hội sớm. Tuổi càng cao thì lo lắng sẽ càng tăng hơn bởi không ai muốn tuổi già không tiền bạc, sống chỉ dựa vào con cháu.

Rút 96 triệu sau 16 năm đóng bảo hiểm, 52 tuổi tiếc vì từ bỏ lương hưu - 3

Một con số rất đang lo ngại theo thống kê là trong số 13,4 triệu người già có gần 10 triệu người không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc tiếp tục lao động mưu sinh. Với tốc độ già hóa dân số nhanh hiện nay, phần lớn người cao tuổi đang phải làm việc để tạo thu nhập.

Trong khi đó, nhiều lao động còn trẻ hoặc trung niên đã đi rút BHXH, chấp nhận tuổi già không có chỗ dựa tài chính, bảo hiểm y tế. Do vậy, cần phải có những giải pháp để hạn chế tình trạng này và giữ người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội ở lại hệ thống an sinh này.

Hiến pháp năm 2013 nêu rõ "Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội". Tham gia Bảo hiểm xã hội chính là đảm bảo an sinh cho mỗi công dân nhưng nhiều người đang lựa chọn từ bỏ an sinh cho chính mình khi về già.

Cầm tiền về chỉ là trước mắt nhưng hàng chục năm tuổi già của họ sẽ như thế nào nếu không có tích lũy, không có lương hưu và không bảo hiểm y tế. Trong khi đó, quan niệm "già cậy con" đã ngày càng xa vời khi mà gần một nửa người già hiện nay ở cả đô thị hay nông thôn đang sống một mình.

Theo VTV