Chuyên gia lao động quốc tế: Rút bảo hiểm xã hội một lần, ba lần... thiệt!
(Dân trí) - Dù người nghỉ hưu "thông thái" có kế hoạch tránh tiêu hết tiền lĩnh từ BHXH một lần, một rủi ro tiềm năng vẫn tồn tại là nguy cơ dùng số tiền này cho mục đích khác chứ không phải thu nhập tuổi già.
Ở góc nhìn khoa học, những phân tích của các chuyên gia từ Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy rõ hơn những khía cạnh tác động xã hội liên quan tới việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.
Trước hết, mục tiêu chính của bất kỳ hệ thống hưu trí nào là đảm bảo an ninh thu nhập tuổi già. Đây là lý do tại sao chỉ có lương hưu hàng tháng được các tiêu chuẩn về lao động quốc tế coi là các chế độ có khả năng bảo vệ an ninh thu nhập cho người cao tuổi trong trường hợp họ sống lâu và tiêu hết các khoản tiết kiệm hoặc tài sản của họ.
Tuy nhiên, một số chương trình lương hưu của các quốc gia dựa trên cơ sở quan hệ đóng hưởng cũng tiến hành trả một phần chế độ ở dạng BHXH một lần. Trong những trường hợp đó, phần chế độ thanh toán định kỳ phải ở mức thỏa đáng.
Theo các chuyên gia của ILO, việc lạm dụng BHXH một lần có thể đem lại 3 bất lợi lớn đối với người lao động.
Điểm yếu chính của khoản thanh toán BHXH một lần là tính cố định, chỉ trả một lần. Do đó, một cá nhân không thể biết phải chi bao nhiêu tiền hàng tháng để đảm bảo họ có đủ cho cả tuổi già.
Thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có hơn 700.000 người hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020.
Không ai biết họ sẽ sống được bao lâu sau khi nghỉ hưu, có thể là 5 năm hoặc có thể là 30 năm. Điều này nghĩa là bạn sẽ có rất nhiều phương án chi tiêu khác nhau.
Nhận BHXH một lần và từ chối không nhận lương hưu hàng tháng là quyết định mà những người nghỉ hưu sẽ phải chung sống đến hết đời.
Họ sẽ phải chịu trách nhiệm quản lý các khoản tiền mặt, tài sản, các khoản đầu tư của chính họ và đảm bảo khoản tiền này tồn tại cho đến cuối đời. Trong những năm gần đây, một nhu cầu nổi lên đối với người già là làm cách nào lập kế hoạch để sống đến cuối đời và tránh khỏi rủi ro tiêu hết tiền.
Ngay cả những khi người nghỉ hưu "thông thái" có thể lập được một kế hoạch tốt để tránh khỏi việc tiêu hết tiền, thì còn một rủi ro tiềm năng nữa, đó là sử dụng tiền cho mục đích khác chứ không phải là đảm bảo cho thu nhập tuổi già.
Ở nhiều nước, nhiều người khi về hưu sử dụng tiền rút BHXH một lần để khởi nghiệp, mua nhà, hỗ trợ cho con đi du học, hoặc du lịch nước ngoài. Rất nhiều người trong số họ đã tiêu hết tiền chỉ trong một thời gian ngắn sau khi nghỉ hưu.
Một khảo sát gần đây của Quỹ Bảo trợ Người lao động của Malaysia (EPF) cho thấy, hơn 70% thành viên của quỹ này tiêu sạch số tiền nhận một lần từ EPF trong vòng 3 năm, kể từ khi rút tiền một lần khi nghỉ hưu. Do đó, những người này sẽ phải sống dựa vào tiền trợ cấp xã hội của Chính phủ dành cho người nghèo.
Đây rõ ràng là một kết cục không mong đợi của cả người lao động và nhà nước. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ gánh chịu những hậu quả đó? Đầu tiên chính là người lao động.
Nhưng nhìn rộng ra, toàn bộ xã hội cũng phải gánh chịu hậu quả khi nhà nước sẽ phải chi nhiều hơn cho trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, đặc biệt ở những nước áp dụng hưu trí xã hội trên cơ sở thẩm tra lương hưu/thu nhập.
Cuối cùng, giá trị của khoản rút BHXH một lần luôn thấp hơn tổng giá trị của các khoản tiền hưu trí nhận được hàng tháng. Lý do là giá trị hiện tại ròng của các khoản lương hưu hàng tháng luôn trong hầu hết các trường hợp đều cao hơn khoản tiền nhận BHXH một lần.
Một nghiên cứu của Giáo sư Norman Stein (Đại học Drexel, Hoa Kỳ) đã cho thấy, trung bình khoản nhận tiền hưu trí một lần bao giờ cũng thấp hơn từ 15-20% so với tổng tiền lương hưu hàng tháng trong giai đoạn 20-30 năm.
Theo ILO, BHXH một lần thường xuất hiện ở các hệ thống áp dụng hình thức tài khoản cá nhân (cố định mức đóng) như Malaysia hay Singapore chứ không ở các hệ thống có tính chia sẻ và tương trợ xã hội (cố định mức hưởng) như ở Việt Nam, Nhật Bản và hầu hết các nước Tây Âu.