Rụng rời bi kịch vợ lấy mạng chồng vì bị... bạo hành

Hoài Nam

(Dân trí) - "Một sự nhịn chín sự lành" không phải lúc nào cũng đúng. Không ít người vợ chịu đựng bạo hành trong thời gian dài rồi trở thành... kẻ sát nhân.

Có những chị em một đời nhẫn nhịn, cắn răng chịu đựng đòn roi rồi đến một ngày, khi những dồn nén bung ra, chính họ xuống tay lấy đi tính mạng của chồng. Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động là hành vi phạm tội của không ít bà vợ, bà mẹ trong các vụ án hôn nhân gia đình. 

Mới đây, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên (TAND TPHCM) đã xét xử vụ án 2 bà T.T.B (sinh năm 1977) cùng con trai (sinh năm 2003) về tội giết người. Tại thời điểm phạm tội, cậu con trai mới 17 tuổi.  

Thời gian chung sống, mẹ con bà B. thường xuyên bị chồng, cha chửi mắng, đánh đập, phá đồ đạc. Đã hai lần, bà phải nhập viện vì bị chồng đánh. 

Rụng rời bi kịch vợ lấy mạng chồng vì bị... bạo hành - 1

Người bị bạo hành chịu đựng, nhẫn nhịn lâu dài sẽ chứa đựng nhiều uất ức dồn nén (Ảnh minh họa).

Ông thường xuyên mắng chửi ba mẹ con và đập phá đồ đạc. Hai lần bà B. phải nhập viện vì bị chồng đánh.

Là lao động chính trong nhà nhưng đi làm được đồng nào, bà B. phải về nộp lại cho chồng. Sau đó, cần chi xài gì bà phải... xin ngược trở lại. Chồng còn nhiều lần ngang nhiên đưa người tình về nhà chung sống. 

Năm 2019, bà B. quyết định ly hôn nhưng cả 2 vẫn sống chung nhà. Bà vẫn chịu cảnh chửi mắng, đánh đập. Rồi ông chồng tuyên bố đuổi mẹ con ra khỏi nhà, để bán nhà, không chia cho một đồng, mâu thuẫn càng căng thẳng.

Một đêm, bị người chồng say xỉn đánh đập, người phụ nữ gần 50 tuổi hàng ngày ốm yếu đã quật ngã người chồng to khỏe. Cùng sự trợ giúp của con trai út, bà dồn hết mọi sức lực siết cổ chồng cho đến khi tắt thở. 

Ngày mẹ và em ra tòa vì tội giết chồng giết cha, cậu con trai lớn khóc trong nước mắt: "Mẹ tôi sống trong lo sợ cả cuộc đời, dồn nén lâu ngày thành uất ức đến tận cùng đến mất lý trí". 

Cách đâu không lâu, bà N.T.H ở Nghệ An cũng đưa tay kết thúc cuộc hôn nhân gần 30 năm đầy nước mắt và cả máu bằng... tính mạng của người chồng. 

Từng đó thời gian, bà hứng chịu những trận đòn từ người chồng vũ phu, nhiều đêm ôm con "chạy đòn" đến sáng. 

Cho đến một đêm tối muộn, như hàng trăm trận đòn khác, bà bị chồng đánh trong tiếng nhạc ầm ĩ để át đi tiếng kêu khóc. Bà vùng mở cửa bỏ chạy, phía sau người chồng cầm gậy gỗ đuổi theo đòi giết.

Trong cơn hoảng loạn, bà vơ phải chiếc dao rựa của ai đó để trên đống gạch. Bao nhiêu năm dồn nén, uẩn ức, lúc đó dồn hết vào cán dao, bà đánh liên tục vào đầu chồng.

Bị đánh đến nỗi... quen đòn!

Ra tòa vì hành vi "Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh", có lẽ chưa bao giờ bà N.T.H có thể hình dung nổi cuộc đời của tất cả những người trong gia đình mình có này rơi vào bi kịch như hôm nay.

Đứng trước bà ở tòa là những đứa con với tư cách là đại diện hợp pháp của người bị hại. Chúng khóc, xin giảm án cho mẹ. 

Rụng rời bi kịch vợ lấy mạng chồng vì bị... bạo hành - 2

Nhiều phụ nữ bị bạo lực đến nỗi... quen với nắm đấm, chửi bới (Ảnh minh họa).

Trước tòa, trước các con, trước mọi người, lần đầu tiên, bà thốt lên: Hàng chục năm sống với nhau, tôi chưa từng một ngày biết thế nào là hạnh phúc.

Nhiều người thắc mắc, sao bị đánh đập bạo hành triền miên như vậy mà bà không ly hôn để thoát thân. Rồi mọi người rụng rời khi nghe bà chia sẻ, chịu đựng những trận bạo hành của chồng đã thành quen nên không muốn nghĩ đến chuyện ly hôn nữa. Rồi thêm đủ nỗi sợ, sợ con mình không cha, sợ khi ông ấy ốm đau không ai chăm sóc... 

Cái nỗi sợ tưởng như vô lý, kỳ quặc của bà H. phần nào tiếp tay cho bi kịch hôm nay của một gia đình cũng là nỗi sợ của rất nhiều phụ nữ. 

Họ sợ điều tiếng bỏ chồng, con không cha và oái oăm hay sợ luôn cả không ai chăm lo cho kẻ bạo hành mình. Mọi lý do của họ đều là vì người khác, họ quên mất chính bản thân. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, họ đưa tay đóng lại những cánh cửa để cứu cuộc đời mình. 

Có trường hợp, người vợ sống trong bạo hành, nhiều lần vào nhà tạm lánh, được gia đình, bạn bè, đoàn thể động viên tìm cách tố cáo, ly hôn. Vậy nhưng, sau đó chính chị là người tự nguyện... quay về với chồng. 

Nhiều phụ nữ sống trong bạo lực, quen "mùi vị" của nắm đấm, chửi bới đến nỗi không biết mình bị bạo hành. Họ không dám nghĩ, không dám tin cuộc sống có những mảng tươi sáng, có những gia vị ngọt ngào khác. 

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu về bạo lực gia đình trong đại dịch, TS Khuất Thu Hồng, Trưởng Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) cho biết: "Có nhiều chị em kể, khi bị chồng bạo hành. Họ đã muốn tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời nhưng nghĩ đến con lại quay về, tiếp tục những ngày sống trong đày đọa...".

Một chi tiết làm chúng ta phải lặng người và lưu tâm. Phải chăng, sống trong bạo hành dai dẳng họ mất đi ý niệm làm điều gì đó tốt đẹp cho cuộc đời mình, cho con? Thay vì tìm cách cứu mình họ lại muốn tìm đến các chết hoặc những dồn nén có thể biến họa thành kẻ sát nhân mà chính họ có khi không lường được. 

Phụ nữ - nạn nhân chính của bạo lực giới cần các kênh hỗ trợ để chống lại bạo hành gia đình. Đặc biệt họ cần nội lực của chính mình, nỗ lực để tìm cách cho điều tốt đẹp chứ không phải là sự chịu đựng.