Giáo viên, bác sĩ "năn nỉ" các cô gái tránh thật xa... trai nghèo!
(Dân trí) - Cựu giám đốc Trung tâm Anh ngữ và một bác sĩ là tác giả của nhiều cuốn sách về hôn nhân kêu gọi các cô gái đừng để cuộc đời mình vướng vào... trai nghèo.
Đàn ông lười nên nghèo
"Em về tung nhẫn cỏ ra sân để đeo vô nhẫn cưới huy hoàng. Người ta mua em gấm lụa còn anh trao em nhẫn cỏ. Thì em phải bận tâm nhiều!". Hồi ngày xưa nghe mấy bài hát này, mình đem lòng "hờn giận" mấy chị trong bài hát theo tiền phụ tình ghê lắm. Nhưng giờ lớn rồi, nghĩ lại thấy các chị ấy rất chi là có lý khi không lấy chồng nghèo" - chị Lê Nguyệt chia sẻ.
Chị Lê Nguyệt, 36 tuổi, từng là bà chủ một trung tâm tiếng Anh kiếm tiền tỷ mỗi tháng ở Hà Nội, giờ đã "về hưu sớm" ở nhà vườn Đắk Lắk chia sẻ trong bài viết gây chú ý của mình.
Theo chị Nguyệt, thời đại này, cơ hội có ở mọi nơi và dành cho tất cả mọi người. Những anh trai nghèo, theo đó, nguyên nhân lớn nhất là những kẻ lười nhác, lười làm việc nên không tạo ra giá trị gì, không kiếm được tiền nên nghèo.
Có những người không lười làm việc nhưng lười suy nghĩ. Một anh chàng chăm chỉ ngày nào cũng ra đồng cấy lúa, cấy xong thửa ruộng thì hài lòng đi về, ngày mai vẫn lặp lại như vậy thì cả đời lấm lem bùn đất thì cũng không thoát nghèo.
Nữ giáo viên tiếng Anh nhấn mạnh, để kiếm ra tiền, phải tạo ra giá trị cho người khác, để người ta buộc phải bỏ tiền mua cái mình tạo ra. Muốn tạo ra thứ gì giá trị, phải có kiến thức và kĩ năng. Kiến thức và kĩ năng càng cao thì tiền người ta trả cho mình để đổi lại kiến thức, kĩ năng đó càng nhiều.
Những người lười nhác không học kiến thức một cách nghiêm túc, cũng chẳng rèn luyện kĩ năng để thành thục cho nên thực sự không làm được việc gì có giá trị, hay gọi nôm na là "vô dụng".
Bà chủ trung tâm tiếng Anh quả quyết, chẳng lý do nào cô gái lại phải cưới một anh chồng vô vụng làm gì, để rồi đẻ con, chăm con chưa đủ mệt còn phải chăm thêm một ông to đầu trong nhà.
"Cho nên mình khuyên các em gái câu này "cuộc đời con gái, chẳng có việc gì quan trọng hơn là chọn chồng". Chọn được chồng tốt là coi như hoàn thành "sứ mệnh trên trần gian", từ đó trở đi không còn phải lo lắng gì nữa. Vậy nên hãy tránh xa những anh chàng nghèo ra", chị Lê Nguyệt khuyến cáo.
Chị Nguyệt cũng nhắn nhủ các bạn gái nên tránh xa những anh chàng giàu do của cải bố mẹ để lại mà bản thân lười làm việc hoặc suy nghĩ. Vì kiểu gì túyp người này cũng... sớm nghèo.
Trai nghèo duy nhất có cơ hội... để làm chồng, theo chị Nguyệt là: "Nếu đang nghèo mà có tiềm năng hết nghèo thì rất nên xem xét".
Đọc vị để "quay xe" còn kịp
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải, tác giả cuốn sách "Vẽ đường cho Hươu" vừa ra mắt chia sẻ, có một "thuật ngữ" mới lạ là "treo ngài" mới xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. "Treo ngài" là nói lái từ "trai nghèo" nhưng đây không hẳn nói về cái nghèo.
Mẫu số chung của "treo ngài" là keo kiệt, thiếu ý chí vươn lên, tầm nhìn hạn hẹp hay than thở và đòi hỏi. Có người tự nhận mình là "trai tốt", chê bai phụ nữ ngày nay thực dụng...
Trong mối quan hệ tình cảm nam nữ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải bày tỏ dấu hiệu "cờ đỏ" của trai nghèo rất phong phú, không chỉ là về mặt tiền bạc, vật chất.
Đó có thể là khi yêu cặp đôi vui vẻ với túp lều tranh, đủ lời thề hẹn nhưng khi cô gái lỡ có thai sẽ nghe nào anh còn trẻ, chưa muốn ràng buộc vì "anh còn phải phấn đấu cho sự nghiệp, không thể cưới... rồi khi khó khăn, bạn gái đồng cam cộng khổ nhưng lúc "lên đời" là đổi giọng... "chúng ta không phù hợp".
Có những chàng trai ngày càng "thụt lùi" với bạn gái về khả năng kiếm tiền, thăng tiến, phát triển... Lẽ ra cần nỗ lực tiến lên thì họ tự ái, cảm thấy mình bị coi thường rồi chán đời, sa đọa, đi thả thính những cô gái ngây thơ vì chỉ bên cạnh họ mới làm "treo ngài" thấy mình phong độ, mạnh mẽ...
"Có "treo ngài" tán gái chỉ bằng vài ly trà sữa cùng những tin nhắn nhạt nhẽo nghèo nàn, mời người đẹp đi ăn bữa nào cũng đòi chia đôi. Đến khi bị từ chối thì bĩu môi chê người ta chảnh, "đào mỏ", thực dụng. Ơ kìa, anh phải có mỏ để người ta đào cái đã chứ?", bác sĩ Lan Hải hài hước.
Theo vị bác sĩ, ở đâu cũng có luật bù trừ. Tính cách khô khan, thiếu tinh tế, cánh mày râu vẫn có thể bù đắp bằng vật chất cho đối phương. Còn đủ tài chính thì bù lại bằng sự ân cần săn sóc, "nói ngọt lọt đến xương" để đẹp lòng nàng.
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải nhấn mạnh, các chàng trai giàu khi yêu, kể cả khi đã kết hôn vẫn biết cách yêu chiều, chăm sóc người yêu, vợ. Còn "treo ngài" thì ngược lại, cực kỳ lười biếng trong việc xây dựng quan hệ yêu đương. Cả tình và tiền họ đều không có hoặc không muốn bỏ ra nhưng đòi hỏi nửa kia phải ưa nhìn, chung thủy, đảm đang, biết "chung lưng đấu cật" với mình.
Lúc bị thất tình, họ gán mác người cũ là thực dụng, phù phiếm, tham lam. Và không ngừng than thở "trai tốt đây không yêu, bọn con gái toàn mê trai đểu".
Theo bác sĩ Lan Hải, những "treo ngài" như thế không chỉ nghèo vật chất, còn nghèo cả tinh thần, ý chí lẫn tư duy.
"Chị em đừng nhầm "treo ngài" với những chàng trai chưa giàu tiền bạc nhưng giàu nghị lực, giàu tinh thần cầu tiến nhé! Người như thế chẳng mấy mà giàu, không giàu cũng khá, không khá cũng đủ sức lo cho vợ con", nữ bác sĩ gửi lời nhắn nhủ đến các cô gái.