DMagazine

Quyết định "chấn động" của thương binh nặng sau hành động của Thủ tướng

(Dân trí) - "Tôi muốn khi nằm xuống, những phần lành lặn trên cơ thể đầy những vết thương chiến tranh này, vẫn có thể giúp ích được cho người khác", thương binh nặng Phạm Trọng Song chia sẻ.

Tôi tìm đến nhà cựu chiến binh, thương binh nặng Phạm Trọng Song (SN 1956, trú xóm 9, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) khi hay tin ông vừa hoàn tất thủ tục đăng ký hiến mô, tạng. Đón tôi là người đàn ông có mái tóc bạc trắng và nụ cười thường trực trên môi, dù cơ mặt không linh hoạt do di chứng chiến tranh để lại.

Quyết định chấn động của thương binh nặng sau hành động của Thủ tướng - 1

Ông cười khi tôi nhắc tới quyết định hiến tạng: "Khi trai trẻ, tôi cống hiến cho đất nước cả máu xương. Tuy chịu nhiều di chứng chiến tranh, nhưng đổi lại, tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên của Đảng, Nhà nước và quân đội.

Các con tôi, ngoài nỗ lực của bản thân, cũng có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước trong học tập, giờ có thể coi là thành đạt. Ở tuổi này, tôi thấy mãn nguyện khi bản thân đã đủ đầy. Tôi sẵn sàng hiến tặng người khác một phần cơ thể, mong muốn rằng những người bệnh nghèo khó được sống tiếp một cách khỏe mạnh".

Quyết định chấn động của thương binh nặng sau hành động của Thủ tướng - 3

"Những ai gặp tôi cách đây nhiều năm, có khi không dám nhìn thẳng vào mặt. Để có khuôn mặt bình thường này, tôi đã trải qua 14 cuộc phẫu thuật", cựu binh Phạm Trọng Song nói.

Năm 1974, vừa tròn 18 tuổi, Phạm Trọng Song gác lại giấc mơ giảng đường đại học, tình nguyện nhập ngũ, dù thời điểm đó, người anh trai của ông đang chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.

Sau thời gian huấn luyện cấp tốc, người lính trẻ được bổ sung vào Đại đội 11, Trung đoàn 2, Sư đoàn 324, đi thẳng vào chiến trường Quảng Đà (Quảng Nam, Đà Nẵng ngày nay).

Quyết định chấn động của thương binh nặng sau hành động của Thủ tướng - 5

Tháng 12/1974, đơn vị của ông được lệnh tập kích cao điểm 1062 - Thượng Đức, nơi địch điều động một lữ đoàn dù, hòng tái chiếm vị trí quan trọng này sau 2 lần thất bại.

"Chúng tôi chia làm 2 mũi tiến công, với sự hỗ trợ của pháo phòng không 37 ly và súng cối 80, 82, tấn công vào căn cứ địch trên cao điểm. Bị tấn công cấp tập từ nhiều hướng, địch nhanh chóng thất thủ, chống cự yếu ớt. Quyết giữ cao điểm, chúng sử dụng súng phóng lựu M79 tổ chức phản công", ông Song kể.

Quyết định "chấn động" của thương binh nặng sau hành động của Thủ tướng (Video: Hoàng Lam).

Một tiếng nổ chát chúa vang lên ngay sát vị trí ông Song và đồng đội đứng. Người lính trẻ chỉ thấy trước mặt mình "như mưa rơi". Thấy đồng đội bị thương ở chân, ông tính hỏi thì ngạc nhiên khi không nghe thấy tiếng nói của mình.

"Tôi đưa tay sờ trên mặt, chỉ cảm nhận được một nhúm. Hóa ra, một mảnh đạn đã "xuyên táo" từ cằm lên hốc mũi, mắt. Lúc đó, tôi không cảm nhận được đau, nhưng choáng và ngất lịm", ông Song kể.

Ông được đồng đội băng bó sơ qua và chuyển về tuyến sau. Khi tỉnh lại, ông mới biết mình đang ở trạm phẫu của đơn vị, với khuôn mặt bị băng kín. Vết thương quá nặng, ông được chuyển thẳng ra Bắc để chữa trị.

Quyết định chấn động của thương binh nặng sau hành động của Thủ tướng - 7

Sau đó, người lính trẻ tiếp tục trải qua 14 cuộc phẫu thuật ghép xương cằm, xương hốc mũi, tạo hình mũi, cắt da ở tay ghép vào mặt và cổ. Con mắt bên phải không thể cứu được, phải lắp mắt giả vào để đảm bảo thẩm mĩ.

Với thương tật 81%, ông được chuyển về Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An. Sống giữa những người đồng đội, đồng chí cùng cảnh ngộ, ông dần lấy lại tinh thần, vui vẻ và hoạt bát hơn. Chính nơi đây, ông đã gặp người phụ nữ của mình - bà Nguyễn Thị Lý - kém ông 1 tuổi, là cán bộ của trung tâm.

Thương người thương binh nặng nhưng luôn lạc quan, bà Lý quyết định gắn bó cuộc đời với ông Song. Đám cưới nhỏ diễn ra bất chấp sự phản đối từ gia đình bà Lý. Đồng đội, các thương binh nặng ở trung tâm điều dưỡng góp từng cân gạo tiêu chuẩn, từng bao thuốc lá, từng cái bát, cái chậu... để họ gây dựng cuộc sống mới.

Đêm tân hôn, nằm bên người vợ đã vượt qua nhiều rào cản đến với mình, trên chiếc giường cưới được ghép từ 2 tấm liếp đơn, đồng đội nhường cho, ông cảm thấy cuộc đời mình quá hạnh phúc. Ông tự hứa phải sống thật tốt, thay cho những người lính không có được hạnh phúc lứa đôi sau chiến tranh.

Ông luôn thấy mình may mắn bởi có tổ ấm riêng, bởi sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Ngay cả căn nhà của vợ chồng ông, cũng được vun đắp từ nghĩa tình đồng đội, từ tấm lòng tri ân của bao người.

Quyết định chấn động của thương binh nặng sau hành động của Thủ tướng - 9
Quyết định chấn động của thương binh nặng sau hành động của Thủ tướng - 11

Trong cuộc trò chuyện, cựu chiến binh - thương binh Phạm Trọng Song nhiều lần khẳng định bản thân đã được nhận nhiều chính sách ưu đãi, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và quân đội. Ông và những người lính cùng cảnh ngộ, luôn mong muốn được đền đáp sự quan tâm ấy.

"Tôi từng chặn ô tô đi cứu trợ vùng bão lụt. Tôi biết, mọi người thương chúng tôi, không muốn tạo áp lực hay gánh nặng "vận động" lên những thương binh, bệnh binh. Nhưng chúng tôi không muốn đứng ngoài cuộc trong khi đồng bào vùng lũ khó khăn, mất mát. Người một vài trăm nghìn đồng, người bộ quần áo lành lặn, chúng tôi có thể giúp được đồng bào của mình", ông Song tâm sự. 

Mong muốn được thấy mình còn "hữu ích" luôn thường trực trong người cựu chiến binh này. Và quyết định đăng ký hiến tạng của ông cũng xuất phát từ mong muốn ấy và càng trở nên mạnh mẽ hơn, sau lần ông bị tai nạn giao thông, tưởng chừng khó qua khỏi.

Ông như được tiếp thêm động lực từ lời kêu gọi và hành động của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ phát động phong trào "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người - Cho đi là còn mãi" được tổ chức vào hồi tháng 5 vừa qua...

"Sau khi xem lễ phát động và biết Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đăng ký hiến mô, tạng, tôi càng thêm quyết tâm thực hiện ý định của mình. Tôi muốn khi mình nằm xuống, những phần lành lặn trên cơ thể đầy những vết thương chiến tranh này, vẫn có thể giúp ích được cho người khác. Tôi sẵn sàng nhường một quả thận ngay khi mình đang sống, để nối dài cuộc đời của người khác, nếu họ thực sự cần", cựu chiến binh Phạm Trọng Song tâm sự.

Quyết định chấn động của thương binh nặng sau hành động của Thủ tướng - 13

Nghiên cứu quy định, đến tận Đơn vị tư vấn và Điều phối ghép tạng - Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tìm hiểu về quy trình đăng ký, cuối cùng ông cũng hoàn thành được tâm nguyện của mình. Ông chia sẻ với vợ con và lường trước "kịch bản" khi các con không đồng ý. Không như ông lo lắng, vợ và các con ông ủng hộ quyết định hiến tạng của ông.

"Gia đình ta được Nhà nước hỗ trợ nhiều rồi, giờ đền đáp được gì, giúp được gì cho người khác thì mình làm thôi, ông ạ", bà Lý nói với chồng. 

Được vợ con ủng hộ, nhưng ông Song lại không lường được sự xì xào, bàn tán và cả nghi kỵ của những người xung quanh về quyết định đăng ký hiến tạng của mình. Ông nghe phong thanh người ta bóng gió rằng đến tuổi này rồi, thiếu thốn gì mà đi bán tạng, rồi làm thế ảnh hưởng đến các con. Ông điềm tĩnh phân tích để mọi người hiểu về hiến tạng.

Quyết định chấn động của thương binh nặng sau hành động của Thủ tướng - 15

"Đảng, Nhà nước quan tâm, tôi không thiếu gì. Nay các con trưởng thành, có của ăn, của để, cháu chắt đề huề, tôi thấy mãn nguyện với những gì mình có. Ai rồi cũng phải chết, nhưng trước khi nằm xuống, những bộ phận nào còn dùng được, còn hữu ích với người khác thì để lại. Có thể giúp được ai thì mình giúp, để họ có thêm niềm tin vào cuộc sống, để sự sống được tiếp diễn.

Tôi nói vậy, mọi người hiểu ra, vui vẻ. Nhiều đồng đội của tôi tại Trung tâm điều dưỡng thương binh nhờ tôi tư vấn, hướng dẫn họ quy trình đăng kí hiến tạng. Tôi vui vì ý nguyện của mình được mọi người ủng hộ và lan tỏa", thương binh nặng Phạm Xuân Song tâm sự.

Cựu binh P.V.B., một người bạn, người đồng đội, tình cờ biết được chuyện ông Song đi đăng ký hiến tạng. Vết thương ở đầu khiến ông B. mất sức 91%, mắt mờ, chân yếu. Bởi vậy, hơn ai hết, ông B. hiểu khi một người thiếu thốn bộ phận nào đó trong cơ thể, sẽ cần được bù đắp như thế nào.

"Tôi thiếu đi đôi mắt, yếu đôi chân, có Đảng, Nhà nước bù đắp rồi, có sự chăm sóc của cán bộ, nhân viên Trung tâm điều dưỡng thương binh tỉnh Nghệ An. Tôi có gia đình, có vợ con, cũng hưởng thụ nhiều rồi, nay có tuổi rồi, nhưng nội tạng còn khỏe mạnh lắm. Tôi muốn làm gì đó thật ý nghĩa trước khi nằm xuống", ông B. chia sẻ với người đồng đội của mình về mong muốn đi đăng kí hiến tạng.

Quyết định chấn động của thương binh nặng sau hành động của Thủ tướng - 17

Với kinh nghiệm của người làm trước, ông Song dẫn bạn lên Đơn vị tư vấn và Điều phối ghép tạng để hoàn tất thủ tục đăng ký. Những người lính trở về sau chiến tranh, với những vết thương trên khắp cơ thể, mong muốn rằng, những phần thân thể khỏe mạnh của họ sẽ được sống tiếp ở một cuộc đời mới...

Cựu chiến binh - thương binh Phạm Trọng Song tâm sự, từ khi đăng ký hiến tạng, cơ thể này không còn là của riêng ông nữa. Đó là của Nhà nước, của y học, của những người bệnh đang chờ phép màu để tái sinh.

Bởi vậy, ông thấy phải có trách nhiệm với sức khỏe của mình. Ông ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ hơn và tích cực rèn luyện thể lực, để khi không còn sống trên đời, có thể trao lại phần cơ thể mạnh khỏe nhất cho những người đang cần. 

                      Ảnh: Hoàng Lam, VGP/Nhật Bắc

Thiết kế: Partrick Nguyễn

Nội dung: Hoàng Lam