Thanh Hóa:
Người cựu binh nặng lòng với nỗi đau chiến tranh
(Dân trí) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau chưa bao giờ kết thúc, nhiều nạn nhân da cam đã chết trong đau đớn, nhiều người khác đang từng ngày từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo...
Đó là trăn trở của cựu chiến binh, thương binh Phạm Quang Thư, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin tỉnh Thanh Hóa. Ông từng trải qua những ngày tháng vào sinh ra tử, trở về quê hương với những vết thương chiến tranh.
Ông thấu hiểu nỗi đau do chiến tranh gây ra và để lại. Nhiều lần chứng kiến hoàn cảnh các gia đình có người bị di chứng chất độc da cam, ông không khỏi trăn trở và luôn mong muốn làm điều gì đó để bù đắp cho họ.
Lặn lội tìm hài cốt liệt sĩ
Năm 1967, ông Thư nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở khắp các chiến trường Tây Nguyên, Nam Bộ và nước bạn Campuchia, trực tiếp tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 và các chiến dịch lớn trên đất bạn Lào...
Những năm tháng chiến đấu khốc liệt ấy, ông bị thương 3 lần. Ngày trở về, người lính Phạm Quang Thư mang theo những vết thương với tỷ lệ thương tật 65%.
Năm 1985, ông về công tác tại Bộ chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Thanh Hóa. Trong 38 năm phục vụ quân đội, ông có 20 năm làm cán bộ chính sách.
Năm 1986-1990, ông đã cùng 100 cán bộ, chiến sĩ Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS) Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa trực tiếp lăn lộn khắp các nơi "rừng sâu nước độc", thuộc 6 huyện, 227 bản tại tỉnh Hủa Phăn để tìm kiếm, quy tập gần 1.000 bộ hài cốt Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh về nước...
"Trong những năm tham gia chiến đấu, tôi đã tự tay chôn cất nhiều đồng đội. Họ đã vĩnh viễn nằm lại những vùng đất xa xôi. Tôi may mắn được sống và trở về nên tâm huyết muốn được trở lại chiến trường xưa, tìm lại hài cốt đồng đội. Thế rồi như một định mệnh, về công tác tại Bộ CHQS, tôi lại được giao nhiệm vụ ấy. Tôi hiểu, mang hài cốt trở về là cách xoa dịu nỗi đau cho người thân đồng đội mình", ông Thư chia sẻ.
Không còn chiến tranh nhưng những ngày ăn lán, ngủ rừng, cơm đùm cơm nắm đi tìm đồng đội khiến ông không bao giờ quên. Dù vất vả, hiểm nguy, ông vẫn thấy mình được giao nhiệm vụ tìm hài cốt liệt sĩ đó là may mắn và vinh dự.
"Giữa mênh mông núi rừng, mỗi lúc tìm được một ngôi mộ hay phát hiện hài cốt liệt sĩ thì anh em trong đội mừng đến rơi nước mắt. Mọi người đều có hạnh phúc như tìm thấy chính người thân yêu của mình sau bao năm xa cách", ông Thư nhớ lại.
Trăn trở với nỗi đau da cam
Năm 2005, ông Thư nghỉ hưu. Nhưng sang năm 2006, ông đã tiếp tục tham gia công tác tại Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thanh Hóa, đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch.
Theo ông Thư, thật khó để đong đếm hết nỗi đau của những người cha, người mẹ phải chứng kiến giọt máu mình sinh ra với những hình hài, trí óc không trọn vẹn. Phần lớn những gia đình nạn nhân chất độc da cam đã và đang sống trong đau khổ, bệnh tật, nghèo đói, vô vọng. Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo nhất, đau khổ nhất trong những người đau khổ. Thế nhưng, đến nay đời thứ 3 vẫn chưa được hưởng chế độ là một sự thiệt thòi rất lớn.
Ông Thư cho biết, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 23.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Từ năm 2000-2020, tỉnh Thanh Hóa đã xác nhận 18.300 người là nạn nhân da cam. Hiện toàn tỉnh còn hơn 10.000 hộ có nạn nhân da cam, trong đó có hơn 3.000 hộ có từ 2 nạn nhân trở lên, hơn 1.600 hộ có cả 3 thế hệ là nạn nhân da cam.
Đã có hàng nghìn nạn nhân đã chết trong đau đớn, hàng nghìn người khác đang từng ngày từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Nhiều trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật, sống đời sống thực vật…
Có gia đình do di chứng chất độc, chồng toàn thân bất toại, sống thực vật đã hàng chục năm, sinh được hai người con thì dị dạng, chân tay co quắp, nằm một chỗ, tất cả gánh nặng về thể xác và tinh thần đều dồn lên vai người vợ. Có gia đình sinh 4 người con, đứa thì ngơ ngẩn, đứa thì điên loạn phá phách...
Cảm thông với những khó khăn, đau thương của các gia đình, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC Thanh Hóa luôn trăn trở làm điều gì để vơi bớt đau thương, bất hạnh cho họ.
Trong 5 năm qua, ông Thư đã tham mưu cho Tỉnh hội về công tác vận động, kêu gọi các tổ chức chính trị, xã hội, các hội quần chúng, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ NNCĐDC hơn 4 tỷ đồng để làm nhà tình nghĩa cho 90 hộ nạn nhân nghèo đang ở nhà tranh tre, dột nát; tổ chức thăm, tặng quà hơn 4.000 lượt nạn nhân trong các dịp lễ, Tết; gần 300 con em NNCĐDC trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn về công tác giảm nghèo bền vững... Cũng từ đó mà nhiều hộ gia đình có NNCĐDC trên địa bàn giảm được đói nghèo, vươn lên trở thành hộ khá và giàu...
Đặc biệt, trong 5 năm, ông đã tham mưu cho Tỉnh hội và UBND tỉnh Thanh Hóa điều tra, lập hồ sơ cho 1.800 NNCĐDC thế hệ thứ 3 bảo đảm đúng quy định.
"Nếu mình không cố làm nhanh, làm đúng, làm kịp thời các chế độ, chính sách cho họ thì họ không còn cơ hội để thụ hưởng, bởi mỗi năm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có từ 130-140 NNCĐDC tử vong. Mình không gắng làm là có tội với anh em, với đồng chí, đồng đội...", ông Thư tâm sự.
Với những gì đã cống hiến, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC có 5 năm liên tục (2016-2020) được Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam và UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen; năm 2021, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.