Quảng Nam: Có thể tái nghèo do ảnh hưởng dịch bệnh, bão lụt
(Dân trí) - Sáng 19/11, tỉnh Quảng Nam tổng kết chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020.
Theo báo cáo, giai đoạn năm 2016-2020, tổng kinh phí huy động để thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, các chính sách giảm nghèo thường xuyên trên 12.370 tỷ đồng.
Về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh Quảng Nam, của các huyện nghèo và xã nghèo giai đoạn 2016-2020 đều đạt và vượt mục tiêu đề ra của Quốc gia, đặc biệt đã hạn chế được tình trạng tái nghèo xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm còn 6,06%, bình quân giảm 1,71%/năm; trong đó khu vực đồng bằng còn 8.201 hộ nghèo, tỷ lệ 2,42%, bình quân giảm 0,93%/năm; khu vực miền núi còn 17.449 hộ nghèo, tỷ lệ 20,85%, bình quân giảm 5%/năm… Toàn tỉnh còn 10.922 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2,58%, giảm 3,62%, bình quân giảm 0,91%/năm…
Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế, đối với vấn đề thực hiện mục tiêu giảm nghèo: tỷ lệ hộ nghèo hiện nay của tỉnh vẫn còn cao gấp 1,61 lần so với mức bình quân chung của cả nước, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số khá cao (41,12%); toàn tỉnh còn 66 xã nghèo và 21 thôn nghèo đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi; 8 xã nghèo vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo.
Một số chính sách, dự án giảm nghèo ban hành đầu tư còn dàn trải, mức hỗ trợ thấp, nguồn ngân sách chưa đáp ứng nhu cầu, thiếu quy định cụ thể về điều kiện hỗ trợ cho đối tượng khi tham gia hưởng lợi; Trung ương mới ban hành chính sách cho người nghèo và địa bàn nghèo, chưa có chính sách khuyến khích thoát nghèo nên người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách….
Theo bà Lưu Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam, định hướng thực hiện giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân; đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, khu vực nông thôn; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản và thích ứng biến đổi khí hậu.
Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,87% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội khoảng 1,83%); duy trì mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều ở các huyện nghèo từ 3-4%/năm.
Cùng với nỗ lực của toàn xã hội, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 12,9% năm 2015 xuống còn 5,37 % vào cuối năm 2020 (trong đó tỷ lệ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội là 1,81%), bình quân giảm 1,51%/năm mục tiêu Nghị quyết (1-1,5%). Số hộ cận nghèo còn 10.922 hộ, chiếm tỷ lệ 2,58%.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - ông Lê Trí Thanh – cho hay, hiện địa phương vẫn còn bộ phận lớn người nghèo, nhất là miền núi nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Hiện tại nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu những cách làm thoát nghèo bền vững, hiệu quả, bài bản chứ không phải theo cách hô hào.
“Năm nay, tỉnh Quảng Nam thiệt hại nặng nề do dịch bệnh, bão lũ, phải cần một thời gian dài để khôi phục. Rất có thể diễn ra tình trạng tái nghèo, chúng ta cần có sự chủ động, quyết liệt, dự tính trước để tránh bị động. Tận dụng các nguồn xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, phát huy vai trò của ngân hàng chính sách xã hội trong thực hiện hỗ trợ vay vốn, giúp người dân có “cần câu” để vươn lên thoát nghèo bền vững. Đối với những hộ có điều kiện thoát nghèo nhưng không nỗ lực thì phải đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo. Liên kết giữa các vùng, huyện… giúp nhau xóa đói, giảm nghèo….”, ông Lê Trí Thanh phát biểu.
Tại Hội nghị, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã trao khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào “Quảng Nam chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau” và chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.