Phát triển nguồn nhân lực qua hành động cụ thể hướng tới người dân
(Dân trí) - Các nước ASEAN phát triển nguồn nhân lực về một thế giới công việc đang đổi thay thông qua các hành động cụ thể, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm.
Chiều ngày 27/4, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ban thư ký ASEAN và Chương trình hợp tác vùng ASEAN trong Giáo dục nghề nghiệp (RECOTVET) tổ chức Hội thảo về Khung giám sát và đánh giá Lộ trình thực hiện Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực về một thế giới công việc đang đổi thay.
Hội thảo nhằm mục tiêu thảo luận về việc xây dựng Khung giám sát và chỉ số thực hiện Lộ trình của Tuyên bố giai đoạn 5 năm, 10 năm, thúc đẩy các hoạt động để hiện thực hóa Tuyên bố và Lộ trình trong các hoạt động, chương trình quốc gia.
Đây là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy việc hiện thực hóa Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay và Lộ trình thực hiện Tuyên bố đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37 trong năm 2020.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH), đánh giá cao sự hợp tác của các đầu mối phụ trách lĩnh vực lao động, giáo dục, kinh tế, các tư vấn quốc gia của các nước thành viên ASEAN trong quá trình thực hiện Tuyên bố về Phát triển nguồn nhân lực và Lộ trình thực hiện Tuyên bố trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Theo bà Hà Thị Minh Đức, Lộ trình này nhằm hiện thực hóa các cam kết trong Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực về một thế giới công việc đang đổi thay thông qua các hành động cụ thể hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, nơi người dân được hưởng chất lượng cuộc sống cao hơn từ việc xây dựng cộng đồng.
Đồng thời, Lộ trình còn được xây dựng dựa trên nhận thức về sự thay đổi của thế giới việc làm do tiến bộ công nghệ, chuyển đổi nhân khẩu học và các nền kinh tế xanh mang lại cả cơ hội, thách thức cho các nền kinh tế, các ngành công nghiệp, việc làm trong khu vực.
Ngoài ra, các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thiên tai đối với giáo dục, việc làm đòi hỏi khả năng phục hồi, thích ứng trong thời gian khủng hoảng và sau khủng hoảng cũng ảnh hưởng tới việc hình thành Lộ trình.
Bà Hà Thị Minh Đức bày tỏ: "Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và các hoạt động hợp tác của các đối tác phát triển, các nhà tài trợ cũng như các cơ quan chuyên ngành của ASEAN trong quá trình thực hiện Tuyên bố phát triển nguồn nhân lực trong ASEAN thời gian tới".
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được các tư vấn khu vực giới thiệu về việc xây dựng Khung Giám sát, đánh giá toàn diện, bao gồm các chỉ số về đánh giá các kết quả đầu ra và tác động của Lộ trình thực hiện Tuyên bố tại cấp khu vực ASEAN, những thách thức chính trong việc xây dựng, thực hiện Khung Giám sát đồng thời đánh giá tại cấp khu vực mà cần được dự đoán và giảm thiểu.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các bước, nguồn lực cần thiết của quy trình trong việc xây dựng, vận hành thành công Khung Giám sát và đánh giá việc thực hiện Lộ trình của Tuyên bố.
Dự kiến, Khung Giám sát và đánh giá việc thực hiện Lộ trình của Tuyên bố sẽ được trình lên các nhà Lãnh đạo ASEAN ghi nhận tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 vào tháng 11 năm 2021.