"Phát hiện con tự kỷ 20 năm trước, tôi chỉ biết khóc..."
(Dân trí) - Tại Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ, nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ.
Chiều 22/06 tại Nhà hát Hòa Bình, TPHCM diễn ra chương trình "Cùng chong chóng sắc màu lan tỏa sắc màu yêu thương", thuộc dự án nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam.
Tham dự chương trình nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Hà.
Vợ nghỉ làm theo con đi học, chồng lo gánh kinh tế
Chị Nguyễn Hoàng Minh Tuyết (Quận 2, TP Thủ Đức) là mẹ của cô gái tự kỷ Võ Ngọc Gia Nghi xúc động chia sẻ, "Cùng chong chóng sắc màu lan tỏa yêu thương" là động lực, người bạn đồng hành với mẹ con chị.
Gia Nghi sinh năm 1998, được phát hiện tự kỷ lúc 2,5 tuổi với biểu hiện thờ ơ với xung quanh, cha mẹ gọi tên không phản ứng... Lúc này, gia đình chị Tuyết không có thông tin tham khảo gì về chứng bệnh của con. Chị Tuyết tự mình mày mò, tìm đến các trung tâm bảo trợ xã hội để học hỏi, tìm cách can thiệp, chữa trị cho con.
Sau thời gian dài gia đình nỗ lực, từ thuê giáo viên dạy kèm riêng, tìm bác sĩ tâm lý tới cho con đi học ở cả trường chuyên biệt lẫn trường hòa nhập… Gia Nghi đã có tiến triển tốt về sức khỏe và nhận thức.
"Bây giờ kể lại câu chuyện của con mình tôi có thể cười nhưng ở thời điểm hơn 20 năm trước, khi phát hiện con bị tự kỷ tôi chỉ biết khóc. Rất may, sự nỗ lực của gia đình tôi và cháu đã được đền đáp, chính là Gia Nghi của hiện tại", chị Tuyết nghẹn ngào kể.
Gia Nghi được gia đình cho đi học hết lớp 8 rồi ở nhà cùng cha mẹ. Hiện tại, hoạt động chính của Gia Nghi là vẽ. Cô vẽ rất đẹp, cảm thụ nghệ thuật tốt. Ngoài ra, thời gian rảnh, Gia Nghi cũng giúp mẹ việc nhà và học ngoại ngữ.
Giống với chị Tuyết, anh Trần Đại Phát (38 tuổi, ở Quận 8, TPHCM) có con trai 7 tuổi bị tự kỷ. Khi con trai khoảng 2 tuổi, vợ chồng anh không thấy cháu tương tác với cha mẹ và mọi người nên đưa đi khám bác sĩ và phát hiện cháu bị tự kỷ. Suốt thời gian đó đến nay hai vợ chồng anh thay nhau chăm sóc và dạy dỗ con.
Vợ anh sẽ là người đi tham gia các khóa học về trẻ tự kỷ để có kiến thức chăm sóc và dạy con trai. Anh Phát là người đi làm để trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình.
"Khi biết đến chương trình Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam, vợ chồng tôi mừng lắm. Đây là nơi để vợ chồng tôi tìm hiểu các kiến thức đến trẻ tự kỷ để chăm sóc cho con. Gia đình tôi tham gia hầu hết các lớp học và cập nhật các thông tin liên quan đến trẻ tự kỷ từ chương trình. Hôm nay, chúng tôi rất xúc động vì được quan tâm, sẻ chia và được nhận hỗ trợ 20 triệu đồng", anh Phát cho hay.
Khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi
Trong 5 năm qua, 2018-2023, dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm phổ biến kiến thức về tự kỷ ở trẻ em, cũng như xây dựng đội ngũ những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ.
Đến nay, dự án đã gặt hái được những thành quả đáng kể, bao gồm việc hỗ trợ cho 10.000 giáo viên và cán bộ công tác bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ. Có khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng.
Tại Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ, nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ. Theo cách tính của WHO thì con số này chừng 500.000 và thực tế số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng tăng, từ năm 2000 đến nay.
Ông Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá cao hoạt động cộng đồng của Bộ LĐ-TB&XH cùng các đối tác, đặc biệt là việc quan tâm đến trẻ em tự kỷ. Các mục tiêu của dự án cơ bản hoàn thành và đạt kết quả đáng mong đợi. Các tài liệu về hỗ trợ cho trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ đã được phổ biến đến hàng nghìn giáo viên, phụ huynh, giúp trang bị kiến thức, kĩ năng về trẻ tự kỷ.
Theo ông Đoan, trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH cần tiếp tục vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ cho trẻ tự kỷ, xây dựng kế hoạch hỗ trợ trẻ em trong giai đoạn 5 năm tới (2023 -2027) phù hợp với các mục tiêu quốc gia, các chương trình bảo vệ chăm sóc trẻ em. Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao kỹ năng, năng lực cho giáo viên, kỹ thuật viên... để hỗ trợ trẻ em tự kỷ. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng phát tài liệu nâng cao nhận thức cho các gia đình vùng khó khăn, chưa có điều kiện chăm sóc trẻ tự kỷ…
Dương Thùy