Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam giảm tỉ lệ hộ nghèo còn 2,87%
(Dân trí) - Tỉnh Quảng Nam vừa tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; triển khai phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2025.
Qua 5 năm thực hiện nghị quyết, tình hình kinh tế xã hội của các địa phương nghèo đã có sự thay đổi đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện không ngừng; nhất là tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, y tế, giáo dục và thông tin, các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đề ra của quốc gia và của Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy cho giai đoạn 2016-2020 cơ bản đạt.
Trong đó tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm hơn một nửa, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 5,26%/năm, khu vực đồng bằng hầu hết hộ nghèo còn lại thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, khu vực miền núi tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 18,09%.
Tại buổi tổng kết, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh cũng đã đề xuất các giải pháp, mục tiêu, nhiệm vụ cho công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025. Trong đó, mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm còn 2,87%; duy trì mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều ở các huyện nghèo, xã nghèo từ 3-4%/ năm; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo ít nhất bằng với mức giảm bình quân hằng năm của quốc gia.
Phấn đấu không còn hộ nghèo có thành viên là đối tượng thuộc chính sách người có công vào cuối năm 2025. Phấn đấu khu vực thành thị của các thành phố, thị xã không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội) vào cuối năm 2025.
Trong đó 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn; 100% người nghèo trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp. 100% người nghèo trong độ tuổi lao động nhưng không có việc làm được hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định.
Tăng cường tuyên truyền thay đổi nhận thức về giảm nghèo
Bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả đạt được, ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - lưu ý, công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, như tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhiều, nhanh nhưng vẫn còn cao hơn so với bình quân chung của cả nước; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở một số nơi còn thiếu tập trung, chưa quyết liệt; kết quả huy động vốn chưa hiệu quả...
Để khắc phục những tồn tại trên, ông Trần Văn Tân đề nghị Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững phù hợp với giai đoạn tới; thực hiện hỗ trợ thoát nghèo bền vững theo nguyên nhân nghèo; huy động tối đa nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện.
Đồng thời, chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, thay đổi nhận thức không chỉ của người nghèo mà còn đối với các cấp ủy, chính quyền từ thôn, xã đến huyện, tỉnh; nhân rộng, tuyên dương các mô hình thoát nghèo tiêu biểu; tăng cường huy động nguồn lực cho giảm nghèo...