Phân biệt "âu yếm" và "xâm hại", giúp phòng chống xâm hại trẻ em
(Dân trí) - Việc trẻ em phải học online trong bối cảnh Covid-19 là điều cần thiết. Tuy nhiên để trẻ em không bị tác động do nạn bạo hành, xâm hại trên môi trường mạng vẫn còn là vấn đề cần nhiều bàn luận.
Liên quan tới vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với TS.Nguyễn Hải Hữu - Nguyên Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), chuyên gia tư vấn về lĩnh vực trẻ em.
Thưa ông, dịch Covid-19 tái bùng phát ở Việt Nam, học sinh phải học trực tuyến ở nhà. Nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội tốt cho những kẻ xấu lợi dụng để xâm hại trẻ trên môi trường mạng?
Ở đây có 2 mặt của một vấn đề. Khi trẻ ở nhà học trực tuyến, thời gian tiếp cận mạng xã hội sẽ nhiều hơn. Do đó, nguy cơ xâm hại sẽ cao hơn. Đó là một cách nghĩ thông thường.
Mặt khác, nhiều trẻ em chưa biết sử dụng những ứng dụng học trực tuyến nên chúng cần sự hỗ trợ của cha mẹ. Như vậy, cha mẹ có cơ hội để tiếp xúc với con hơn. Qua đó quản lý được con đã làm gì trong lúc sử dụng điện thoại.
Covid-19 đã gây ra tác động đa chiều. Nếu vị phụ huynh đó có kiến thức, sau đó hướng dẫn được con em thì nguy cơ bị xâm hại có khi lại giảm thiểu đi rất nhiều. Do vậy, điều quan trọng là cha mẹ phải nhận thức được điều đó.
Như ông vừa nhắc tới nguy cơ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Vậy, qua nghiên cứu, hiện có những loại hình xâm hại nào phổ biến hiện nay, thưa ông?
Thống kê của các tổ chức quốc tế có 6 hình thức xâm hại trẻ em phổ biến nhất. Đó là các mật riêng tư của trẻ em, tình trạng xâm hại tình dục qua mạng, văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, trẻ em bị bạo lực, tình trạng bắt nạt trên mạng, việc tiếp cận những thông tin không phù hợp và cuối cùng là trẻ em bị nghiện trò chơi điện tử trực tuyến (game online).
Về các bí mật riêng tư của trẻ em. Đặc điểm của trẻ em là nhận thức còn hạn chế nên bí mật riêng tư có nguy cơ cao bị rò rỉ. Khi các em sử dụng các thiết bị công nghệ thì cứ nghĩ là chỉ có mình với máy.
Điều này khiến các em vô tư chia sẻ tên tuổi, hình ảnh, thông tin cá nhân của mình lên môi trường mạng. Những kẻ lợi dụng sẽ tìm hiểu thông tin đó, nắm bắt được tâm lý của trẻ rồi tiến hành các mục đích xấu.
Bên cạnh đó, tình trạng trẻ cũng rất dễ bị xâm hại tình dục qua mạng. Lợi dụng sự vô tư của trẻ, những kẻ xâm hại ngày càng sử dụng nhiều các trang mạng xã hội, phòng trò chuyện để tương tác và lôi kéo trẻ em trực tuyến. Từ trên mạng có thể kéo theo xâm hại trực tiếp - tức ngoài đời thực…
Được biết, tháng 11/2020, ông cùng cộng sự đã tiến hành soạn thảo báo cáo rà soát các văn bản pháp luật bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở Việt Nam?
Qua ra soát cho thấy chúng ta đã xây dựng nhiều quy định quan trọng liên quan tới vấn đề trẻ em, như: Hiến pháp Việt Nam năm 2013 với quy định quyền bất khả xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em, Luật trẻ em năm 2016 cũng đã có quy định về bí mật riêng tư của trẻ.
Thời gian qua, trong triển khai chính sách, các cơ quan chức năng cũng đã truy tố và xét xử nhiều vụ xâm hại trẻ em để làm gương. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khoảng trống - các giải pháp cụ thể để bảo vệ trẻ em.
Xin đơn cử, chúng ta hiện còn thiếu các quy định cấm, sử dụng thông tin liên quan chia sẻ thông tin cá nhân. Trách nhiệm của cơ sở cung cấp dịch vụ ở đâu?
Hay là vấn đề thông tin khiêu dâm, Việt Nam chưa có 1 phím số nào để người dân khi phát hiện có thể gọi đến báo cơ quan chức năng yêu cầu gỡ bỏ.
Chúng ta còn nhiều quy định chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Ví dụ, quan điểm quốc tế cho rằng trẻ dù đồng thuận hành vi nhưng họ vẫn kết tội là hiếp dâm. Nhưng ở Việt Nam chỉ kết tội là giao cấu, do vậy mức phạt sẽ giảm nhẹ hơn.
Các khái niệm "hiếp dâm", "giao cấu" hay "dâm ô" cũng chưa được giải thích rõ ràng trong các văn bản pháp luật. Tôi ghi nhận Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng nhưng cần tiếp tục phải hoàn thiện. Nhận thức của chúng ta thì có đấy, nhưng biến nó thành giải pháp thì chưa làm được.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng việc tiếp cận với những thông lệ quốc tế trong chống xâm hại trẻ em đôi khi cần có sự nghiên cứu, nhằm tránh sự khách biệt có thể còn có trong quan niệm của người Việt?
Đương nhiên chúng ta có một chút khác biệt về văn hóa. Nhưng nhìn chung điều này chỉ ở một chừng mực nào đó.
Đơn cử như về vấn đề quấy rối tình dục: Khi một người lạ ôm hôn cháu bé chẳng hạn. Họ sẽ lấy lý do là vì quý mà âu yếm đứa bé. Nếu chúng ta không hòa nhập về thông lệ với quốc tế, cứ để nhập nhằng giữa khái niệm "âu yếm" và "xâm hại" thì khó có thể thay đổi được.
Hiện nay điều kiện ở Việt Nam đã thay đổi. Chúng ta không thể phủ nhận những chuẩn mực quốc tế. Nếu chỉ dựa vào các quan điểm cũ để bào chữa thì tình trạng xâm hại trẻ em có nguy cơ cao hơn.
Xin cảm ơn ông