Ông lão bán vé số trúng độc đắc và cái kết về quê chăn vịt

Ăn chơi trác táng và tiêu tiền không biết xót nên chẳng mấy chốc ông S đã tiêu hết gần tỷ đồng. Lúc này, nhiều bác cán bộ hưu trí trong ấp thương tình khuyên bảo nhưng ông không nghe.

Từ người bán vé số trở thành tỷ phú nhờ trúng độc đắc

Năm 2007, ông C.V.S (SN 1960, quê An Giang) lên Đồng Nai lập nghiệp. Nói như vậy cho sang chứ thực tế ông rời quê lên đó làm thuê, phụ hồ kiếm sống qua ngày. "Thương anh ấy vất vả, ông chủ của một đại lý vé số ở thành phố Biên Hòa đã gọi vào, cho làm nhân viên đi bán vé số.

Anh nói mình không có đồng nào thì làm sao mà lãnh số? Ông chủ tốt bụng liền nhét vào tay anh xấp vé 100 tờ cùng câu nói: "Chừng này, nếu ông bán hết trước 4h chiều, ông có thể sống qua ngày được". Cứ thế, người dân quê tôi dần dần quen với hình bóng người đàn ông lang thang trên các nẻo đường mời khách mua vé số lấy may", ông Ngọc - một người hàng xóm của ông S nhớ lại.

Hôm ấy, gần đến giờ chốt sổ, ông S còn ế 2 tờ vé số. Ông nghĩ đi nghĩ lại quyết định giữ lại 2 tờ vé coi như thử vận may của bản thân xem như thế nào? Sau đó ông trở về căn phòng trọ rách nát, lục nồi cơm nguội ra ăn cho đỡ đói chờ tới giờ… xổ.

"Anh ấy chạy qua nhà hàng xóm xem nhờ tivi. Khi đài quay giải đặc biệt, anh hồi hộp chờ đợi rồi đưa mắt chớp vài lần cho tỉnh, vỡ òa sung sướng bởi 2 tờ vé số trùng với dãy đặc điệt trên tivi.

Anh đem đổi thưởng tại chính đại lý mà mình đang làm việc. Anh ôm cục tiền tỷ lên đến 2,7 tỷ đồng trước sự vui mừng của ông chủ lẫn đồng nghiệp", ông Ngọc nói.

Ông lão bán vé số trúng độc đắc và cái kết về quê chăn vịt - 1
Ông S đã đổi đời nhờ những tờ vé số ế (ảnh minh họa).

"Đổi đời" trong chốc lát, ông S đã chi ra hơn 1 tỷ đồng để mua căn nhà hai tầng trong con hẻm ngay trung tâm thành phố Biên Hòa. Số tiền con lại, bạn bè khuyên ông nên gửi tiết kiệm lấy lãi. Song ông từ chối nghe, thoải mái chi tiêu theo ý mình, sắm sửa xe máy xịn, hưởng thụ cuộc sống của tỷ phú độc thân.

Đáng nói, xưa nghèo ông S không có mấy bạn bè nên lúc giàu có đã tổ chức nhiều cuộc nhậu với bia lon, rượu ngoại để "kết nạp" thêm bạn. Thậm chí hễ bạn nào than nghèo kể khổ, ông sẵn sàng tin và vung tiền cho họ không chút mảy may.

"Anh ấy bỏ tiền mua bia, rượu về thiết đãi người dưng cứ như là vua chúa ngày xưa. Anh tâm sự muốn có bạn bè, anh em để chung vui cùng. Tôi thấy thế liền thắc mắc sao không mời an hem ở An Giang hưởng lộc. Anh kêu ở quê chẳng còn ai, nên mua vui với người dưng cũng được", ông Ngọc cho hay.

Dù sống sa đọa nhưng sâu trong tâm, ông S còn giữ bản chất hiền lành, đôn hậu. Ông vẫn nghĩ đến những người đồng nghiệp làm nghề bán vé số cùng khi xưa. Bởi vậy ông đã biếu tặng mỗi người vài triệu đồng coi như chia sẻ vận may.

Trắng tay trở về quê chăn vịt

Ăn chơi trác táng và tiêu tiền không biết xót nên chẳng mấy chốc ông S đã tiêu hết gần tỷ đồng. Lúc này, nhiều bác cán bộ hưu trí trong ấp thương tình khuyên bảo nhưng ông không nghe. "Tiền bạc là phù du, cả đời tôi đã cực, nay trời thương mà cho lộc thì phải biết hưởng thụ", ông phân trần.

"Đến khi tiền trúng số cạn dần, anh ấy giật mình nghĩ lại. Ai cũng mừng bởi anh tỉnh từ sớm nhưng ngờ đâu lại đem tiền đi đánh bạc với hi vọng có thể gỡ gạc được chút nào hay chút đó.

Ban đầu, anh thắng nên càng ngày càng ham, tin rằng mình tài giỏi trên chiếu bạc. Cuối cùng anh bị lột mấy trăm triệu sau vài đêm thức trắng làm bạn với đỏ đen. Cay cú với trò đỏ đen, anh chuyển hướng sang trò cá độ bóng đá", ông Ngọc kể.

Ông lão bán vé số trúng độc đắc và cái kết về quê chăn vịt - 2
Ăn chơi trác táng, ông S trắng tay phải trở về quê chăn vịt.

Ông S đã kêu một thanh niên có tiếng am hiểu về cá độ bóng đá làm quân sư trong những trận đặt kèo. Ông đã "ăn" hàng chục triệu đồng rồi khen người này mát tay, thưởng hậu rồi đặt trọn niềm tin vào họ. Và sau chuỗi trận thắng là liên tiếp các trận ông bị thua tơi tả. Ông quyết định vay tiền của dân anh chị để đặt thêm dăm ba kèo nữa nhưng vẫn chẳng thắng nổi.

Thua cá độ, số nợ ngày càng lớn, tiền lãi lại tính theo ngày nên chỉ mấy tháng sau, dân xã hội đã kéo đến tìm ông. Căn nhà 2 tầng nhanh chóng được mấy gã xăm trổ đầy mình thường xuyên ghé thăm để thu nợ. Ông đành kêu  người đến bán căn nhà để sớm được yên thân.

Ngày bước ra đường sau khi "tạm biệt" ngôi nhà tiền tỷ, ông S đã không kìm chế nổi cảm xúc, òa khóc nức nở. Ông đã chọn về quê dựng căn còi gần bờ sông nuôi vịt. "Lúc đó, anh nói giấc mơ của anh tiêu tan: tiền cũng mất, nhà cũng mất, tất cả đều vì cờ bạc. Tôi chỉ xót xa cho anh khi hồi giàu có bao người đi theo, tung hứng và khen ngợi… đến lúc trắng tay về quê, chẳng có một người đến tiễn ra bến xe", ông Ngọc chua xót.

Theo Phụ nữ và Pháp luật