Ông chủ tịch đi xe lăn giúp 30 người điếc "sống trong nhung lụa"
(Dân trí) - Một xưởng may ở Hà Nội do người đàn ông khuyết tật làm chủ tổ chức cho 30 người điếc làm thú nhồi bông đẹp mắt, chất lượng cao để khẳng định năng lực làm việc không thua kém người lành lặn.
Quyết thay đổi cách nhìn về người khuyết tật
Nằm trên đường Trung Văn (Hà Nội) có một xưởng may mang cái tên khá lạ "Kym Việt", trang trí màu sắc rực rỡ ngay từ lối vào. Bên trong là không gian kết hợp giữa xưởng may và quán cà phê với những bức tranh tường sống động gian trưng bày hàng trăm sản phẩm thú nhồi bông sinh động, ngộ nghĩnh.
Đi xe lăn ra tiếp đón chúng tôi, ông Phạm Việt Hoài - Chủ tịch HĐQT Công ty Kym Việt (một người khuyết tật vận động) chia sẻ hành trình khởi nghiệp kinh doanh gắn với người điếc từ năm 2013 đến nay.
Bắt đầu câu chuyện từ cái tên "Kym Việt", ông Hoài cho biết, "Kym" trong từ "kim khâu", ông viết cách điệu để tạo điểm nhấn, còn "Việt" trong tên đất Việt.
"Cái tên không hoa mỹ nhưng "Kym Việt" mang theo ước vọng đem niềm tự hào về sản phẩm thủ công Việt vươn ra thế giới của một cộng đồng người khuyết tật nhỏ bé" - ông Hoài bộc bạch.
Xưởng may Kym Việt hiện có 30 lao động, hầu hết là người điếc, một vài người bị thiểu năng trí tuệ. Trong xưởng vắng tiếng người, chỉ có tiếng máy khâu, máy bơm bông, búa giã quế...
Giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu, các công nhân ở đây không muốn mọi người gọi họ là "người khiếm thính" mà phải gọi là "người điếc", bởi lẽ người khiếm thính là người vẫn có thể nghe, nói được phần nào nhưng người điếc thì không.
Những con thú làm từ đủ loại chất liệu như vải lanh, lụa, thổ cẩm… được nhồi bông hoặc cát trắng sạch từ Quảng Bình, rồi trộn vỏ quế cho thơm. Ông Hoài được gọi vui là giúp các công nhân "đặc biệt" môi trường "cả ngày sống trong nhung lụa".
Bên cạnh những con thú nhồi bông, xưởng may Kym Việt còn sản xuất cả túi xách, gối tựa lưng, gối kê cổ. Nhìn những con thú, những chiếc túi xách, gối tựa tinh xảo, đẹp mắt, khó có thể nghĩ rằng đó là sản phẩm do những người câm điếc làm ra tại gian xưởng thủ công nhỏ.
Để có những sản phẩm chất lượng, mọi người phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt, từ khâu thiết kế trên máy tính, lên mẫu, chọn nguyên liệu và phụ kiện tới may, nhồi bông, kiểm tra chất lượng, dán tem, mã vạch rồi đóng gói, nhập kho. Trừ khâu thiết kế trên máy tính, các công đoạn còn lại để tạo ra sản phẩm đều do các công nhân điếc đảm nhận.
Theo ông Hoài, sau rất nhiều nỗ lực cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, Kym Việt đã nhận được giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Việt Nam vào năm 2015. Lúc này, khách hàng bắt đầu quan tâm và xưởng ngày càng có nhiều đơn hàng lớn.
Việc làm ra những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp không chỉ để kinh doanh tốt hơn mà còn là cách ông Hoài cùng các công nhân điếc khẳng định năng lực làm việc không thua kém gì người bình thường, hoàn toàn có khả năng cống hiến cho xã hội. Từ đó, xã hội có cách nhìn nhận, đánh giá về người khuyết tật công bằng, khách quan hơn và người khuyết tật có cơ hội tiếp cận việc làm tốt hơn, cuộc đời sẽ sang trang mới tốt đẹp hơn.
Ông Hoài trải lòng, trước đây, có người thấy ông đang đi xe lăn ngoài đường liền lại gần dúi vào tay mấy đồng tiền lẻ rồi nói lời thăm hỏi, an ủi, động viên. Ông khá bất ngờ và đã từ chối nhận tiền.
"Chính lòng thương hại đôi khi khiến người khuyết tật trở nên tự ti, co lại, không vượt qua được các giới hạn của bản thân. Từ trước đến nay, nhiều người có suy nghĩ người khuyết tật chỉ biết ăn bám gia đình, là gánh nặng của xã hội. Vì vậy, góc nhìn về người khuyết tật trở nên méo mó", ông Hoài bày tỏ.
Tạo cơ hội giúp người điếc phát triển
Sau một tai nạn hồi nhỏ, cuộc đời ông Hoài rẽ sang một hướng khác khi ông thành người khuyết tật vận động, phải làm bạn với chiếc xe lăn. Không chấp nhận bó buộc mình trong 4 bức tường, ông Hoài vươn ra ngoài, xoay sở kinh doanh đủ nghề, từ mở hàng photo coppy tới bán băng đĩa nhạc…
Thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi mà người khuyết tật gặp phải, ông quyết tâm thay đổi chính số phận của mình. Ông đã hợp sức với những người bạn lành lặn là Nguyễn Việt Dũng, Kiều Tuấn, Nguyễn Đức Minh lập ra Kym Việt và xác định đây là một doanh nghiệp xã hội (hoạt động mang tính chất phi lợi nhuận).
Đội ngũ của ông tìm cộng sự là những người điếc thông qua các chi hội người điếc ở nhiều nơi như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình… Để giao tiếp được với các công nhân điếc, ông Hoài phải đi học ngôn ngữ ký hiệu.
Bước vào thế giới người điếc, được làm việc cùng họ, ông Giám đốc đi xe lăn càng thêm yêu quý những người khuyết tật chung lưng đấu cật với mình bởi sự trách nhiệm, tận tâm với công việc và trên hết là khát vọng vươn lên, khẳng định bản thân với cuộc đời. Theo ông Hoài, khá nhiều người điếc có khả năng làm việc rất tốt, ngang ngửa người bình thường nhưng chưa được nhìn nhận khách quan khiến cơ hội tiếp cận việc làm rất hạn chế.
Ông cùng đội ngũ lãnh đạo của Kym Việt tâm niệm cần phải tạo điều kiện, cơ hội giúp những công nhân điếc đang làm việc tại đây ngày càng phát triển. Ngoài mức lương từ 4,5 - 6 triệu đồng/tháng, các công nhân làm việc tại đây còn được hỗ trợ tiền thuê phòng trọ.
Trong công việc, ông thấy người nào làm tốt sẽ cất nhắc lên làm tổ trưởng với dụng ý sâu xa là để các bạn thấy được ghi nhận, từ đó tự tin thể hiện mình, phá vỡ giới hạn bản thân và thi đua làm việc, học hỏi để ngày càng tiến bộ hơn.
Ông Hoài kể, có một số bạn không muốn quanh quẩn ở nhà, quyết định đến làm việc ở Kym Việt bất chấp sự ngăn cản của gia đình. Người thân lo sợ con em mình bị lừa đã tìm đến tận nơi thấy chỗ ăn ở, làm việc đàng hoàng nên yên tâm, dặn dò gửi gắm.
Được biết, nhiều nhà phân phối ở các khu du lịch ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long, các sân bay và một số khách sạn 5 sao tại Hà Nội đặt sản phẩm Kym Việt số lượng lớn để bán cho khách du lịch, rồi một số doanh nghiệp đặt hàng quà tặng cho cán bộ nhân viên. Tuy nhiên, hơn 2 năm ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên hàng bán chậm hơn, đơn hàng sỉ ít hơn.
"Tài chính rất khó khăn nhưng đội ngũ lãnh đạo cố gồng gánh, không nỡ cắt lương, giảm ngày làm của các bạn ấy. Nhiều bạn trong mùa dịch này trở thành trụ cột của gia đình", ông Hoài tâm sự.
Để gia tăng doanh thu, bên cạnh việc đưa sản phẩm lên bán online, ông Hoài còn có 2 cơ sở khác ở số 91 Nguyễn Đình Thi, số 242 Võ Chí Công cũng hoạt động theo mô hình quán cà phê và làm thú nhồi bông. Đây là nơi trải nghiệm cho các em học sinh, sinh viên, khách du lịch đến giao lưu, tham quan.
Xưởng may Kym Việt đã nhận được nhiều bằng khen, giấy chứng nhận của Bộ LĐ - TB & XH, UBND TP Hà Nội về thiết kế các sản phẩm thủ công cũng như hoạt động vì cộng đồng.