Nước mắt những người phụ nữ "ăn rừng, ngủ lán" giữ Chư Mo Ray
(Dân trí) - Những con dốc cao hay suối dữ không ngăn được dấu chân phụ nữ trong vườn quốc gia Chư Mo Ray nhưng nhiều đêm giữa rừng, nhớ gia đình, nhớ con lại khiến các chị ngậm ngùi.
Trạm bảo vệ rừng "nhiều không"
Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi len lỏi qua con đường rừng để đến với trạm bảo vệ rừng Ya Krei thuộc vườn quốc gia (VQG) Chư Mo Ray, Kon Tum. Tại sân trạm, những nhân viên bảo vệ rừng trong trang phục xanh lá đặc trưng tất bật chuẩn bị bữa cơm tối. Người chẻ củi, hái rau, người quét dọn bếp… Tiếng cười vang vọng giữa cánh rừng.
Chị Nguyễn Thị Nga (35 tuổi, nhân viên Trạm quản lý bảo vệ rừng Ya Krei) đặt vội bó củi trên tay, đon đả đón khách khi thấy khách đến. Vừa bắc nồi cơm lên bếp củi, chị Nga vừa kể về 13 năm lọ mọ với nghề bảo vệ rừng.
"Tôi cũng khó lý giải được động lực giúp mình trụ vững đến ngày hôm nay", chị Nga chia sẻ.
Chị Nga được chuyển về trạm Ya Krei gần 3 năm nay. Cuộc sống ở trạm không có sóng điện thoại, không có điện lưới vất vả muôn phần. Trên đường tuần tra, các nhân viên thường tận dụng rau rừng, cá suối để ăn...
Theo chị Nga, lâm phần quản lý của Trạm quản lý bảo vệ rừng Ya Krei là địa bàn vùng núi khá hiểm trở, di chuyển khó khăn. Mỗi ngày, chị đều cùng nhân viên nam đùm cơm lên đỉnh Chư Mo Ray để tuần tra, bảo vệ rừng.
Hành trình ấy là chuỗi ngày "ăn rừng, ngủ lán". Cánh rừng rộng hàng nghìn hecta in hằn dấu chân của chị và đồng nghiệp. Lực lượng bảo vệ rừng luôn phải đối mặt với mưa lũ, sạt lở bất ngờ từ thượng nguồn. Mỗi ngày leo núi, hầu như ai cũng bị trượt chân, chuyện ngã đau, chấn thương thì như cơm bữa. Chân tay người phụ nữ khó đếm hết những vết sẹo vì không ít lần bị ngã, bị thương, bị côn trùng cắn...
"Đàn ông đi rừng đã vất vả, nữ giới lại càng cực nhọc hơn. Nhiều lần nước lũ về bất ngờ, anh em trong đoàn phải dìu nhau qua. Lâu lâu có rắn xanh rơi trúng người, chị em sợ khiếp vía", chị Nga cười.
Sau những buổi đi tuần tra về, người chẻ củi, người nấu cơm, gánh nước... Tiếng cười nói vang vang cánh rừng giúp xua tan đi cái mệt sau những ngày dài vất vả. Đêm đến, anh em thường ngồi quanh bóng điện chạy bằng năng lượng mặt trời, kể chuyện buồn vui khi đi tuần.
Tâm sự về chuyện gia đình, chị Nga cảm thấy hạnh phúc khi có một người chồng thấu hiểu, chia sẻ với công việc khó khăn của vợ. Từ đó, anh luôn có sự động viên, san sẻ việc nhà cho vợ yên tâm công tác.
"Chồng tôi làm giáo viên ở một ngôi trường vùng biên giới, cách nhà khoảng 70km. Vợ chồng đều đi làm xa nên 2 con nhỏ phải nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Cuối tuần, gia đình mới có dịp gặp mặt, ngồi ăn bữa cơm cùng nhau. Chồng tôi luôn hiểu công việc của vợ nên động viên và dành thời gian lo toan việc nhà, dạy con học tập", chị Nga bộc bạch.
Nước mắt rơi giữa những cánh rừng
Chị Hoàng Thị Hà (35 tuổi, nhân viên bảo vệ rừng tại Trạm quản lý bảo vệ rừng Bar Gok, VQG Chư Mo Ray) tốt nghiệp trung cấp lâm nghiệp năm 2010. Sau đó, chị Hà ở nhà làm nông, lập gia đình và sinh 2 con.
Năm 2019, VQG Chư Mo Ray đăng thông báo tuyển dụng, chị đã nộp hồ sơ xin vào làm việc. Chị Hà thích nghi tốt với công việc đi tuần tra, bảo vệ rừng, không khác cánh mày râu.
Chị Hà luôn nỗ lực hết mình với nhiệm vụ được giao. Những năm mới vào nghề, chị nhận mức lương 3,8 triệu đồng. Mức lương èo uột đó để đổi lại công việc đi tuần tra rừng muôn vàn gian khổ.
"Chồng đi làm xa nên nhiều lúc tôi phải đưa các con lên trạm bảo vệ rừng để chăm sóc. Mỗi đợt đi tuần rừng, tôi gửi con sang hàng xóm hoặc nhờ ông bà lên trạm chăm các con. Chồng tôi thấy công việc khó khăn, nguy hiểm nên bảo vợ nghỉ việc. Tuy nhiên, tôi vừa trúng tuyển viên chức, lại được cơ quan động viên, tiếp thêm động lực để bám trụ với nghề", chị Hà bộc bạch.
Trạm quản lý bảo vệ rừng Bar Gok cách nhà 15km nhưng chị Hà chỉ tranh thủ về được vài đêm mỗi tuần. Thời gian còn lại, chị luôn cùng đồng nghiệp xuyên rừng tuần tra. Nhiều đêm, chị Hà ngậm ngùi, khóc giữa rừng khi nghe tin con ốm đau, nằm viện giữa lúc mẹ thực hiện nhiệm vụ trong rừng sâu.
Chị Hà nhiều lần có ý định xin nghỉ việc để tập trung lo cho gia đình. Được sự động viên của cơ quan và người thân, chị Hà lại cùng đồng nghiệp gắn bó với nhiệm vụ bảo vệ rừng.
Theo chị Hà, việc đi rừng tuần tra đối với đàn ông đã khó khăn, với phụ nữ càng thách thức bội phần.
"Chị em chân yếu nhưng phải theo các anh leo lên dốc cao, trơn trợt. Chưa kể là trên những cung đường rừng thường gặp rắn, vắt rết... đủ cả. Đêm mắc võng nằm ngủ thấy rắn bò trên cây, nhắm mắt mà người ớn lạnh, thức trắng đêm luôn", chị Hà kể trong tiếng cười vui vẻ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc VQG Chư Mo Ray cho hay: "Vì thiếu biên chế và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng nên chúng tôi bất đắc dĩ phân công nhân sự nữ vào các trạm để bảo vệ rừng. Tuy là nữ giới nhưng các chị em luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mỗi tháng đi tuần tra 200-400km.
Cơ quan đang có 3 nữ cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng phân về 3 trạm. Anh em ở trạm luôn tạo điều kiện cho các nữ nhân viên đi tuần ở khu vực ngắn, sắp xếp công việc để chị em vẫn có thể chăm lo cho gia đình. Tôi mong cơ chế sắp tới sẽ thay đổi nhằm hỗ trợ thêm chính sách, chế độ và bổ sung nhân sự đảm bảo việc bảo vệ rừng được thuận lợi hơn".
Những nữ nhân viên ở Chư Mo Ray đóng góp không nhỏ vào công tác bảo vệ rừng. Các chị đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ để nỗ lực trên bước đường tuần tra bảo vệ rừng. Cũng có lúc nghĩ về gia đình, sự khắc nghiệt nơi rừng sâu và chế độ, chính sách còn chưa tương xứng khiến các chị không cầm được nước mắt...