76 năm Ngày truyền thống Ngành LĐ-TB&XH:
Nữ lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH và chuyến đi "đặc biệt" vào tâm dịch
(Dân trí) - Là một trong 12 thành viên của Tổ công tác "đặc biệt", bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình nhớ mãi những cảm xúc khi vào tâm dịch tại TPHCM, đón phụ nữ và trẻ em về quê.
Chuyến hỗ trợ lao động hồi hương đầy cảm xúc
Đây là chuyến đi mang ý nghĩa hết sức quan trọng và nhiều cảm xúc với vị Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình cũng như các thành viên của tổ công tác khi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, đón và đưa gần 400 công dân là lao động nữ có thai và trẻ em có người đi kèm về quê tránh dịch Covid-19.
Nhớ lại chuyến đi với nhiều cung bậc cảm xúc đó, bà Đinh Thị Ngọc Lan cho biết: "Công tác đưa lao động nữ có thai và trẻ nhỏ về quê tránh dịch từ khi ban hành kế hoạch đến lúc đón công dân chỉ vỏn vẹn trong vòng 4 ngày".
Công tác thông tin, tiếp nhận đăng ký, rà soát lên danh sách được tỉnh Quảng Bình triển khai một cách "thần tốc".
Việc đưa lao động nữ có thai và trẻ em về quê tránh dịch trong đợt vừa qua đã thể hiện rõ nhất về chính sách nhân văn, sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, cùng với đó là sự phối hợp nhịp nhàng trong triển khai của các sở, ngành và sự quyết tâm, vượt mọi khó khăn của tổ công tác "đặc biệt".
Chiều 20/8, tổ công tác "đặc biệt" của tỉnh Quảng Bình gồm 12 người đã lên xe tiến về "tâm dịch" TPHCM. Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh này là Phó đoàn.
"Sau thời gian gần 20 giờ đồng hồ di chuyển liên tục, chúng tôi đã vào đến TPHCM, lúc đó thực sự bản thân tôi cũng rất rối vì không biết bắt đầu từ đâu. Vì tối ngày 20/8 mới có danh sách chính thức của chuyến bay, người dân lại liên tục gọi điện thông báo chưa thể đi làm xét nghiệm, không di chuyển được qua các chốt", bà nhớ lại.
Với sự hỗ trợ tích cực từ Quảng Bình để liên hệ với Sở LĐ-TB&XH các tỉnh giúp đỡ, tổ công tác nhanh chóng rà soát danh sách để gửi hãng hàng không cấp code vé cho công dân. Liên hệ từng người lao động để xác minh xem họ đã nhận được thông tin chưa, có thể đến sân bay không. Tiếp đó gửi danh sách công dân cho các tỉnh phía Nam và TPHCM để hỗ trợ công dân Quảng Bình qua chốt, ra sân bay.
"Cái khó của chúng tôi là thời gian gấp gáp, một số công dân do xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 phải ở khu vực phong tỏa không thể đến sân bay. Chúng tôi lại phải cập nhật liên tục, thay đổi danh sách, rà soát lại để cấp vé cho những người bổ sung. Bên cạnh đó, nhiều người điện thoại liên tục phản ánh chưa xét nghiệm được, chưa có đồ bảo hộ… Mọi thứ dồn đến trong cùng một thời điểm khiến chúng tôi vô cùng nóng ruột", bà Đinh Thị Ngọc Lan cho biết thêm.
Sự lo lắng lúc một nhiều hơn đối với bà Lan và tổ công tác khi đến sáng 22/8. Chỉ còn ít giờ nữa là máy bay cất cánh nhưng vẫn còn rất nhiều lao động mắc kẹt, không qua được chốt, chưa có đồ bảo hộ, không có phương tiện ra sân bay…
Bà Đinh Thị Ngọc Lan và tổ công tác đã quyết định lên phương án hỗ trợ từng người, từ việc mua bảo hộ, thực hiện test nhanh, đồng thời liên hệ với các đơn vị liên quan giúp đỡ, để làm sao tất cả công dân đã đăng ký đến được sân bay và lên máy bay trở về.
"Tối trước khi chuyến bay cất cánh, nhiều bạn gọi báo khó khăn, sợ không đến sân bay kịp mà tôi lo đến phát khóc luôn, cả đêm trằn trọc chỉ mong sao tìm ra giải pháp để họ được trở về quê hương. Cũng may là với sự nỗ lực của tổ công tác và sự hỗ trợ từ Quảng Bình và các tỉnh phía Nam mọi việc đã tốt đẹp. Chỉ khi bà con lên được máy bay, anh em mới thở phào và cười được", bà xúc động nói.
"Không sợ dịch, chỉ sợ lao động không thể về quê"
Chia sẻ về chuyến đi "đặc biệt" vào "tâm dịch", bà Đinh Thị Ngọc Lan bày tỏ sự lo lắng nhất lúc đó là không giúp được hết bà con lên máy bay và day dứt với những lao động phải ở lại do nhiều lý do khác nhau.
Bà Đinh Thị Ngọc Lan và tổ công tác đã phải cố gắng, tranh thủ từng giờ, từng phút, tính toán hết mọi phương án có thể để khai thác hết chỗ ngồi trên máy bay cho công dân.
Đây là chuyến bay mà phần lớn thành phần là bà bầu và trẻ nhỏ nên vấn đề sức khỏe rất được quan tâm. Tổ công tác "đặc biệt" của tỉnh Quảng Bình với mong muốn đưa được càng nhiều lao động lên máy bay nên đã quyết định di chuyển trở về bằng xe ô tô.
Có thể nói, để đưa được các lao động mang thai và trẻ em về quê tránh dịch là cả một sự nỗ lực của ngành lao động Quảng Bình nói riêng và tỉnh này nói chung.
"Thời gian tổ công tác trở về tới Quảng Bình hết 68h. Các thành viên đều chủ động mang theo đồ ăn nhanh để giảm bớt thời gian. Mặc dù rất mệt nhưng trên đường về ai cũng vui cả, càng vui hơn khi ở quê nhà báo tin cả 2 chuyến bay đưa gần 400 công dân đã hạ cánh an toàn, nhiệm vụ đã hoàn thành. Thực sự lúc đó tôi xúc động quá, không kìm được nước mắt luôn", nữ lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình tâm sự.
Là một trong số 183 bà bầu được đón về quê tránh dịch trong đợt vừa qua, chị Trần Thị Liên (SN 1993, trú huyện Tuyên Hóa) bày tỏ sự xúc động và biết ơn sự quan tâm của tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là những cán bộ đã trực tiếp vào TPHCM hướng dẫn, đón công dân.
"Hơn ai hết, những phụ nữ đang mang thai như tôi gặp nhiều khó khăn tại TPHCM trong lúc dịch bùng phát. Tôi vô cùng xúc động và biết ơn sự quan tâm của tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt là những cán bộ đã không ngại nguy hiểm, khó khăn để vào tận "tâm dịch" đón chúng tôi trở về. Đây là chuyến hồi hương mà chúng tôi sẽ không bao giờ có thể quên", chị Liên bày tỏ.
Nói về bà Đinh Thị Ngọc Lan, ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình đánh giá: "Bà Đinh Thị Ngọc Lan là nữ lãnh đạo trẻ nhiệt huyết, trách nhiệm luôn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao và hoàn thành tốt mọi trọng trách dù ở bất cứ hoàn cảnh nào".
Đặc biệt là trong chuyến "hành quân" vào "tâm dịch" đón lao động trở về quê vừa qua, cũng như trong công tác triển khai Nghị quyết 68, hỗ trợ lao động gặp khó khăn do Covid-19 tại địa phương.
Cũng theo ông Sơn, để thực hiện công tác đưa công dân từ TPHCM và các tỉnh phía Nam về quê, đơn vị cũng đã huy động tối đa lực lượng để triển khai, cùng với đó là hỗ trợ tích cực cho tổ công tác của tỉnh trực tiếp vào TPHCM.
Trong tổ công tác vào "tâm dịch", ngoài bà Đinh Thị Ngọc Lan thì còn có thêm một cán bộ khác của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình cùng các thành viên thuộc các ban, ngành trong tỉnh. Được biết, hiện tỉnh Quảng Bình cũng đang xem xét để tặng Bằng khen cho các thành viên của tổ công tác "đặc biệt".
Như Dân trí đã thông tin, vào ngày 22/8, 2 chuyến bay mang số hiệu QH9206 và QH9208 đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Đồng Hới, đưa 374 công dân Quảng Bình từ TPHCM và các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch Covid-19, trong đó có 183 phụ nữ đang mang thai, 88 trẻ em và khoảng 100 người thân đi kèm các đối tượng ưu tiên.
Ngay khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới, lực lượng chức năng và quản lý sân bay đã nhanh chóng triển khai việc đón công dân theo đúng trình tự, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Sau khi về đến Quảng Bình, tất cả công dân nói trên đã được đón và đưa đi cách ly tập trung 14 ngày tại khu cách ly Trường Cao đẳng Luật miền Trung (TP Đồng Hới. Tỉnh Quảng Bình cũng miễn phí toàn bộ chi phí đưa đón, cách ly (điều trị) cho các công dân được đón về trong đợt này.