1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Nỗ lực xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Trước tình trạng tỷ lệ lao động trẻ em có xu hướng tăng ở nhiều quốc gia, Việt Nam đã, đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa việc sử dụng lao động trẻ em để bảo vệ thế hệ tương lai.

Theo kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em ở Việt Nam do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê năm 2018, nước ta có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên, độ tuổi từ 5 đến 17 tuổi là lao động trẻ em.

Công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trong thời gian qua đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam không cao và giảm dần theo từng năm. Kết quả Điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy: Tỷ lệ trẻ em Việt Nam tham gia làm việc đã giảm từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2018, thấp hơn 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nỗ lực xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em - 1

Kết quả này có được là nhờ các chính sách tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em, được thực hiện song hành với các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.

Theo thống kê, lao động trẻ em tập trung chủ yếu ở nông thôn, thường làm những công việc thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ.

Hơn 50% lao động trẻ em phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại. Thời gian làm việc của lao động trẻ em làm công việc nặng nhọc khá dài, với 40,6% số trẻ ở nhóm này phải làm việc nhiều hơn 40 giờ/tuần.

Từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù chưa có con số thống kê chính thức, song do tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, các cơ quan, đơn vị chức năng liên tục cảnh báo nguy cơ gia tăng lao động trẻ em.

Nỗ lực xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em - 2

Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam trăn trở, việc sử dụng lao động trẻ em chỉ mang lại những lợi ích tạm thời trước mắt, nhưng ảnh hưởng lâu dài về nhiều mặt.

"Trẻ em phải làm những công việc không phù hợp với độ tuổi, vừa gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần, vừa giảm cơ hội học tập. Gia đình và xã hội sẽ thiếu lực lượng lao động chất lượng cao trong tương lai", ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cho rằng, một trong những "chìa khóa" quan trọng giải quyết tình trạng lao động trẻ em lúc này chính là giải pháp về tăng cường chất lượng giáo dục, tăng cường sự tiếp cận giáo dục của các đối tượng trẻ em, nhất là trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và có nguy cơ trở thành lao động trẻ em.

"Hãy chung tay trong việc xóa bỏ lao động trẻ em, đặt trẻ em vào trọng tâm của các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như các kế hoạch phục hồi hậu dịch Covid-19.

Chúng tôi mong tăng cường hợp tác quốc tế trong việc nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông, giúp các em nhỏ phát huy hết tiềm năng để sau này có việc làm bền vững, góp phần xóa bỏ gốc rễ lao động trẻ em", Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh.

Để giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em, Chính phủ Việt Nam đã và đang đang tập trung vào một số giải pháp cơ bản như thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông, chính sách xóa mù chữ và các chính sách bảo đảm công bằng về tiếp cận giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác.

Nỗ lực xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em - 3

Tăng cường các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo ở Việt Nam trong đó trẻ em là đối tượng ưu tiên; Đẩy mạnh các chương trình, dự án của Chính phủ và hợp tác với các đối tác quốc tế như ILO, UNICEF và các đối tác khác về cải thiện điều kiện, môi trường lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức.

Tạo nguồn sinh kế cho các gia đình; hỗ trợ trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em tiếp cận dịch vụ giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp; Đổi mới truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em của chính quyền các cấp, trường học, các tổ chức xã hội, người sử dụng lao động, nhất là cha mẹ và trẻ em.

Tập trung giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch Covid -19 làm gián đoạn việc học tập và gia tăng nguy cơ lao động trẻ em của trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, bãi ngang và hải đảo.

Còn theo bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO tại Việt Nam, các chương trình và chính sách xóa đói, giảm nghèo, các cơ hội học nghề cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em tại các vùng nông thôn cần được ưu tiên. Cùng với đó, tăng cường đầu tư vào hệ thống bảo vệ trẻ em, phát triển an sinh xã hội…