1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Những lá thư sám hối viết trong tù

Các phạm nhân trải lòng trên trang giấy khi tham gia cuộc thi "Viết thư cho người thân yêu nhất" do Trại tạm giam công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Cao Lộc tổ chức.

Nhiều phạm nhân, theo đó, thêm một lần được đánh thức nhân vị trong sâu thẳm con người họ. Họ mong muốn bước qua bóng tối, hướng thiện, vững tin hòa nhập cộng đồng.

Cuộc thi "Viết thư gửi người thân yêu nhất" được phát động từ ngày 15/7 và tổng kết trong dịp kỷ niệm 77 năm Quốc khánh 2/9 năm nay. Thượng tá Lê Duy Thực, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, thông qua cuộc thi giúp phạm nhân chia sẻ tâm tư, tình cảm, những suy nghĩ thầm kín với gia đình, người thân, bạn bè và xã hội.

Sám hối

Trong thư có chừng 800 chữ mộc mạc, chân tình, anh Nông Văn Quân (SN 1985, dân tộc Nùng, Đội 1, phân trại cải tạo công an tỉnh Lạng Sơn) gửi mẹ mình ở xóm Làng Cà, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đầy ắp niềm thương, nỗi nhớ về gia đình và người con gái bé bỏng của mình khi cháu sinh ra không có bố bên cạnh. Chỉ vì một phút lầm lỡ, Quân vướng vào lao lý và khi vợ anh đã mang bầu tròn một tháng.

"Trong thời gian con tham gia cải tạo, lại đúng thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên việc thăm gặp hạn chế. Viết những dòng chữ này mà nước mắt con cứ lăn dài vì hối hận và tự trách bản thân, song con lại thầm cảm ơn mẹ đã thay con chăm sóc vợ và Thùy Dương bé bỏng… Mẹ à, tết năm ngoái con trai của mẹ cải tạo tốt nên được giảm 4 tháng rồi đấy, năm nay con lại quyết tâm, cố gắng tu dưỡng để giảm nhiều, giảm sâu hơn nữa để hy vọng sẽ được trở về ăn Tết, đoàn tụ với gia đình", Quân viết.

Những lá thư sám hối viết trong tù - 1
Trao giải cuộc thi "Viết thư cho người thân yêu nhất" trong Chương trình Vì ngày mai tươi sáng. Ảnh: Duy Chiến

Trần Văn Tùng (SN 1993, Đội 2) thì gửi bức thư tràn đầy yêu thương dành cho người vợ của mình ở khu Nam Quan, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.

"Ngồi nơi đây, ngày ngày nhìn mặt trời xuống núi, anh nhớ lại những năm tháng, những tội lỗi đã gây ra cũng chỉ vì cơm áo gạo tiền và giấc mơ giàu sang, phú quý. Anh nhớ những cuộc chiến giành địa vị xã hội, đồng tiền. Nhớ cả những cuộc đâm chém để có địa bàn nơi vùng biên nhằm tạo "số má" trong xã hội... Nhưng rồi cũng từ đây, anh sa ngã, bỏ mặc em và con để lao vào các cuộc chơi thâu đêm rượu chè và ma túy. Nhiều đêm khuya, em đứng cửa ngồi khóc, dù biết anh ăn chơi quá đà mà không trách móc một lời và luôn bỏ qua những lỗi lầm của anh. Thế rồi, cuộc chiến giữa anh và các "tiểu đệ" tranh giành vùng đất làm ăn, giật đường dây vận chuyển hàng hóa qua biên giới, gây thương tích cho đối thủ và bản thân anh phải nhận bản án 2 năm tù. Bây giờ, anh thường đọc sách về "Đắc nhân tâm". Anh được tham gia lớp hướng nghiệp trồng hoa màu đấy. Tới này anh mong khi chấp hành xong bản án, được về sẽ tìm mua một mảnh vườn để trồng các loại rau cho mẹ con em ăn nhé. Chắc em sẽ vui vì không nghĩ được chồng mình có một ngày làm chuyện đó, đúng không?…" (trích thư Trần Văn Tùng).

Mọi người lặng yên khi nghe bức tâm thư của Sầm Ngọc Tú (SN 1994, dân tộc Nùng, Đội 2, quê quán tại khu Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) gửi cho một người tên là Hà:

"Ngày hôm nay, nhân dịp trại giam tổ chức viết thư cho người thân mà tôi chẳng biết viết cho ai, tôi suy nghĩ mãi mới dám viết thư cho bạn, người mà tôi chưa từng quen. Chuyện cũ đã qua, chẳng ai muốn nhắc lại. Một quá khứ đau buồn, không thể sửa lại được, quá khứ ấy đã đánh mất đi cuộc sống của chàng trai mới lớn như tôi. Ngày hôm đó là ngày đen tối, ngày buồn của hai chúng ta. Tôi hiểu buồn nhất vẫn là người thân trong gia đình bạn vì họ đã mất đi người con trai yêu quý. Cũng do hai ta còn quá trẻ, không kìm chế được sự nông nổi của bản thân. Tính ngông cuồng của tuổi trẻ và hung hãn của bản thân đã dẫn đến ẩu đả chết người, cho dù hai ta chưa từng gặp nhau, chẳng có thù oán gì. Giờ đây, tôi đã phải trả giá, nhận bản án 5 năm tù. Có thể, đối với tôi đó là quãng thời gian lê thê, nhưng bạn mất đi sự sống ở trên đời, đó có phải là điều dài vô tận không? Tôi xin lỗi dù quá muộn màng, nhưng tôi phải nói ra để vơi bớt tâm can hối lỗi của mình. Tôi viết thư cho bạn cũng đúng vào ngày lễ Vu lan và mong sao lời cầu bình an tôi dành cho bạn được ứng nghiệm để bạn sớm siêu thoát và ở trên trời cao, xin bạn hãy mỉm cười và tha thứ để cho tôi đứng vững làm lại cuộc đời…".

Hướng thiện

Bà Nguyễn Thúy Phương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Cao Lộc cho biết: Là thành viên Ban giám khảo cuộc thi, khi đọc 66 bài dự thi, nhiều khi bà không kìm được nước mắt. Đa phần các bức thư viết mộc mạc, sâu sắc, chân tình. "Quá trình chấm thi, chúng tôi ấn tượng về chữ viết của các phạm nhân, phần lớn phạm nhân nam viết rất đẹp, nội dung thư cảm động, có người gửi, người nhận rõ ràng", bà Phương nói.

Những lá thư sám hối viết trong tù - 2
Phạm nhân Nông Văn Thành viết thư hưởng ứng cuộc thi. Ảnh: Duy Chiến

Thượng tá Lê Duy Thực chia sẻ: Hằng năm, đơn vị thường tổ chức các hoạt động viết thư, viết nhật ký cho phạm nhân. Chính tình người và lòng yêu thương, tha thứ đã khơi dậy lòng hướng thiện, sự ăn năn, hối hận của mỗi phạm nhân, giúp họ gạt bỏ phần nào cảm giác giày vò, cắn rứt lương tâm, từ đó quyết tâm học tập, lao động, cải tạo tiến bộ để sớm hòa nhập cộng đồng. "Viết thư gửi người thân yêu nhất" là chiếc cầu chắp nối những ân tình, những tiếng nói từ bản năng sâu thẳm của con người một thời lầm lỡ bị đánh cắp. Chúng tôi tin rằng, những cánh thư đi sẽ nhận lại được một điều tốt đẹp, để ngày càng có nhiều phạm nhân gột sạch tội lỗi, làm người có ích cho xã hội", Thượng tá Lê Duy Thực khẳng định.

Theo Nguyễn Duy Chiến - Tiền Phong