DNews

Những "giọt nước mắt chảy xuôi" trong ngày 20/10

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Trong Ngày Phụ nữ Việt Nam - 20/10 có nhiều lắm những người mẹ vẫn đang gồng gánh, hy sinh bản thân để đổi lấy cuộc sống, nụ cười của người thân, gia đình và cộng đồng.

Những "giọt nước mắt chảy xuôi" trong ngày 20/10

"Đã là mẹ, suốt đời vẫn là mẹ"

Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chị Lê Thị Thu Hòa (27 tuổi) không còn nhớ rõ lần cuối được nhận quà là khi nào. Nhiều năm rồi, chị Hòa không còn tâm trí nào để nghĩ đến những dịp đặc biệt này.

Nhìn sang con nhỏ trên giường bệnh, chị Hòa trào nước mắt, lén quay sang chỗ khác để bé không nhìn thấy mẹ khóc.

"Con vừa hoàn thành hóa trị sau 1 năm chữa trị,  được xuất viện chờ theo dõi, tái khám. Nhưng không may, chỉ sau 1 tuần về nhà, bệnh của con lại tái phát, nguy hiểm hơn đợt đầu. Con lại phải nhập viện để theo dõi và chờ phác đồ chữa trị tiếp ngay", chị Hòa đau đớn.

Những giọt nước mắt chảy xuôi trong ngày 20/10 - 1
Những giọt nước mắt chảy xuôi trong ngày 20/10 - 2

Đối với chị, món quà mong chờ nhất lúc này là ngày con lành bệnh. Chị không mong mỏi gì hơn là con được sống bình thường như những đứa trẻ khác.

Để có tiền chữa bệnh cho con, chị Hòa tranh thủ bán hàng ngày đêm. Ở bệnh viện Huyết học và truyền máu 2 (huyện Bình Chánh, TPHCM), ngày nào người ta cũng thấy người mẹ ngồi bệt dưới đất, ngay giữa lối đi để livestream bán hàng. Số tiền kiếm được, chị dành dụm, trang trải việc ăn uống của hai mẹ con nơi thành phố.

Chị Hòa kể, năm 2021, chị dứt bỏ cuộc hôn nhân không trọn vẹn, một mình mang con từ Ninh Thuận vào Bình Dương sinh sống. Khi con lên 2 tuổi, chị Hòa như sụp đổ khi nghe thông báo con mắc bệnh ung thư máu.

7/11/2023, đúng sinh nhật của chị cũng là ngày con bắt đầu đợt hóa trị đầu tiên. Mỗi lần bé trải qua các đợt điều trị vô cùng đau đớn, tim chị Hòa lại bị bóp nghẹt.

"Tôi ước con sẽ mãi ở bên cạnh mình. Tôi cũng như bao người mẹ khác, nguyện làm tất cả vì con. Đã là mẹ, cả đời vẫn là mẹ", người mẹ trẻ nói trong nước mắt.

"Mái ấm" ở tiệm bánh không nhà

Ven góc đường Cách Mạng Tháng Tám, bà Nguyễn Lệ Thủy (81 tuổi) và con trai - anh Thanh Giang (60 tuổi) - kiếm sống bằng xe bánh mì nhỏ, được đặt tên "Bánh mì không nhà".

Hằng ngày, không khi nào người ta thấy bà chủ xe bánh mì vắng mặt bởi bà Thủy và con trai vốn không có nhà, mà sống ngay trên đường phố. Thỉnh thoảng, hai mẹ con sẽ xin tắm nhờ ở nhà người quen.

Những giọt nước mắt chảy xuôi trong ngày 20/10 - 3
Những giọt nước mắt chảy xuôi trong ngày 20/10 - 4

Đã hơn 48 năm cụ bà sống bám lề đường, chịu cái nắng rát bỏng lẫn gió mưa tơi tả. Con trai bà Thủy vốn mắc bệnh tâm thần, lúc tỉnh thì ít, lúc "mơ" nhiều hơn. Nhưng dù tỉnh hay mê, phần sâu thẳm trong lòng, người con ngây dại thấu hiểu nỗi khổ, sự hy sinh của mẹ. Vì vậy, anh Giang vẫn luôn quanh quẩn bên chân mẹ, phụ bà Thủy bán bánh mì suốt bao năm qua.

Từ khi sinh ra đến giờ, bà Thủy thú thật chưa từng được nhận quà "ngày Phụ nữ". Trong đầu bà luôn chỉ nghĩ đến chuyện làm sao kiếm tiền lo cho con.

Nhiều chục năm trước, quằn quại trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc, bà Thủy dứt áo, từ miền Tây lên TPHCM lập nghiệp, trên tay bồng cậu con trai duy nhất lúc ấy mới 7 tháng tuổi.

Đi mọi ngóc ngách của thành phố lớn, bà Thủy làm đủ thứ nghề, mọi công việc nhỏ nhặt nhất để nuôi con. Dần dà, người mẹ tích cóp được một số tiền, mở xe bánh mì ngồi bán khi con được hơn 10 tuổi.

Vì không có nhiều vốn, bà chỉ bày đơn giản một chiếc bàn, vài chiếc bánh mì và chút nguyên liệu. Thấy bà khó khăn, nhiều người góp tiền mua cho bà chiếc tủ kính để bánh đến bây giờ.

Người mẹ già chỉ lắc đầu, vội vã xua tay khi được hỏi về bệnh trạng của con trai cũng như nguyên nhân anh bị bệnh. Câu chuyện đau buồn bà giữ riêng trong lòng, không muốn nhắc tới.

Nhìn cậu con trai lầm lì, cặm cụi làm bánh phụ mẹ, bà Thủy thở dài, ứa nước mắt. Bà lo rằng bản thân đã lớn tuổi, tự hỏi sau này ai sẽ chăm sóc con trai khi bà qua đời.

Nói đến đây, bà Thủy trầm tư: "Tôi cũng muốn được "đi" sớm cho bớt khổ. Bệnh tuổi già hành hạ tôi từng ngày, đôi chân đau nhức, sưng tấy không đi được. Nhưng tôi chết thì ai lo cho con? Vậy nên tôi chỉ ước con luôn khỏe mạnh hoặc ít nhất là có một nơi để về mỗi đêm…".

Những giọt nước mắt chảy xuôi trong ngày 20/10 - 5
Những giọt nước mắt chảy xuôi trong ngày 20/10 - 6

Ba mẹ, chồng mất sớm, bà Nguyễn Thị Lành (57 tuổi, ngụ tại TPHCM) một mình nuôi anh trai bị bệnh tâm thần và 3 đứa con mắc chứng Down, bại não suốt 13 năm qua.

Hằng ngày, bà Lành "cày" mấy việc cùng lúc để lo cho 4 miệng ăn, vừa làm bảo vệ, trông xe vừa tranh thủ đi giúp việc nhà.

Làm việc cật lực, có những ngày người mẹ khốn khổ đổ bệnh. Bà nhớ nhất là lúc bản thân bị ốm, mê man rồi bất chợt tỉnh dậy khi đã nửa đêm. "Mở mắt thì thấy con ngồi kế bên la đói, tôi mới giật mình đi mua cơm. Lúc đó đầu óc xoay vòng nhưng vẫn phải ráng đi đến nơi, về đến chốn", bà Lành nhớ lại.

Những giọt nước mắt chảy xuôi trong ngày 20/10 - 7
Những giọt nước mắt chảy xuôi trong ngày 20/10 - 8

Ngày nào cũng trong guồng quay công việc đến khi trời sập tối lúc nào bà Lành cũng chẳng hay. Vội vàng cố dỗ bản thân vào giấc ngủ để lấy sức tiếp tục vòng quay của ngày mai, người phụ nữ khốn cùng thường lịm đi trong nước mắt. "Khóc đêm vậy đó, chứ sáng là quên hết, lao vào việc là đỡ nhất", bà cười méo xệch.

Là phụ nữ, nhưng bà Lành đã lâu chưa sắm cho mình chiếc áo mới, càng không chờ đợi gì những ngày lễ như 20/20. "Tôi sẽ làm việc đến khi nào không còn sức lực nữa. Làm mẹ, ai cũng như vậy hết. Sau này tôi có bề gì, con tôi mang cho ai cũng được, miễn là chúng sống tốt", bà Lành nói.

Gánh gia đình vượt khó, làm việc thiện

Sau nỗi đau mất con, chị Nguyệt Linh (41 tuổi, quê Kiên Giang) quyết định nấu đồ ăn hỗ trợ các bệnh nhi cùng cảnh đứng trước tai ương số phận giống con. Với chị, công việc đó là niềm an ủi, giúp chị cảm nhận con vẫn còn ở bên.

Trước đó, người mẹ đã trải qua 5 năm cùng con chống chọi với bệnh ung thư. Dù cố sức chạy chữa, con của chị Linh vẫn không vượt qua được bệnh tật. Đau đớn vì mất con, người mẹ quyết làm điều gì đó cho nguôi ngoai nỗi đau, đồng thời khiến con ở nơi xa tự hào về mẹ.

Chị kể, sau khi con mất, chị nhận lại được số tiền hơn 40 triệu đồng tạm ứng viện phí và quyết định sử dụng làm thiện nguyện. Chị trích một phần gửi tặng những bệnh nhi đang chống chọi với căn bệnh quái ác, số còn lại để mua sắm dụng cụ, lập bếp ăn 0 đồng.

Những giọt nước mắt chảy xuôi trong ngày 20/10 - 9
Những giọt nước mắt chảy xuôi trong ngày 20/10 - 10

Từ 50 phần ăn, giờ đây bếp đã mở rộng quy mô, phát hơn 400 suất tới người thân và các bệnh nhi đang chống chọi với bệnh tật tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM.

Nhiều năm đều đặn phát phần ăn cho bệnh nhi tại chính bệnh viện mà con gái từng gắn bó, chị Linh chưa lúc nào thôi nhớ về con. Mỗi lần quay lại đó, trống ngực người mẹ lại dồn từng hồi. Phát quà cho các bé xong, chị Linh lặng lẽ về lại căn phòng, chiếc giường nơi con gái từng nằm, nước mắt lại lặng lẽ rơi lúc nào chẳng hay.

"Những phần ăn dù nhỏ bé, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn mong các bệnh nhi được ăn những bữa cơm ngon miệng. Con tôi ở nơi xa, nếu thấy những cảnh này chắc cũng sẽ ấm áp", người mẹ trải lòng.

Chị Linh bộc bạch, vào Ngày Phụ nữ Việt Nam, điều chị mong mỏi nhất là nụ cười trong nghịch cảnh của con trẻ.

Những giọt nước mắt chảy xuôi trong ngày 20/10 - 11
Những giọt nước mắt chảy xuôi trong ngày 20/10 - 12

Từ đầu tháng 9 đến nay, mỗi ngày, quán bún của bà Trần Thị Thúy Hồng (57 tuổi, ngụ tại quận 8, TPHCM) đều "treo" hàng chục tô. Quán thường treo sẵn 10 tô bún, số còn lại do các thực khách, mạnh thường quân từ xa đóng góp. Nhiều người góp tay như vậy, người lao động nghèo có thể thoải mái đến ăn bún miễn phí tại quán của bà Hồng.

"Có mấy hôm đang nghỉ trưa nhưng thấy người khác đến xin bún, tôi đều dậy phục vụ ngay. Nhiều khi tiệm đã hết hàng nhưng còn nhiều người đến chờ suất "bún treo", tôi vẫn chạy ra chợ lấy thêm nguyên liệu, nấu gấp cho anh chị em. Khoảnh khắc người lao động được ăn một tô bún nóng hổi, tôi thấy hạnh phúc khó tả", bà Hồng bộc bạch.

Những giọt nước mắt chảy xuôi trong ngày 20/10 - 13
Những giọt nước mắt chảy xuôi trong ngày 20/10 - 14

Trước đây, bà Hồng cũng từng là lao động nghèo, nên bản thân rất thấu hiểu và cảm thông cho những người có cùng cảnh ngộ.

Từ hai bàn tay trắng, bà Hồng mưu sinh bằng đủ thứ nghề để nuôi con. Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, bà Hồng đã đưa được gia đình thoát khỏi cảnh nghèo. Vì thế, khi cuộc sống đã đủ đầy, bà muốn làm điều gì đó để đóng góp cho đời.

"Người phụ nữ Việt Nam vốn kiên cường, sẵn sàng hy sinh cho gia đình, hỉ xả, yêu thương những người xung quanh", bà Hồng giải thích về động lực làm việc thiện của mình.

Với bà Hồng cũng như bao người phụ nữ Việt tảo tần, khoảnh khắc nhìn người thân vui vẻ, khỏe mạnh, thấy bản thân có thể giúp ích cho xã hội, chính là món quà to lớn nhất cho những hy sinh cả đời.

Ảnh: Nguyễn Vy