1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

76 năm ngày truyền thống Ngành LĐ-TB&XH:

Những cán bộ thầm lặng đem lại niềm vui cho người dân

(Dân trí) - Dù là những câu chuyện nhỏ nhưng qua đó đã toát lên ý nghĩa nhân văn trong công việc của cán bộ ngành LĐ-TB&XH - những người đang thầm lặng, miệt mài công tác tại mọi miền đất nước.

Trèo đèo, lội suối để hướng dẫn người dân

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Mường Lát - Bùi Thanh Lĩnh lại trèo đèo, lội suối vào các bản, làng, xã để tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ và bà con thực hiện.

Hơn 10 năm trước, anh Bùi Thanh Lĩnh (SN 1986) được phân công lên nhận nhiệm vụ tại Phòng LĐ-TB&XH huyện Mường Lát. Đây là huyện miền núi xa nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước.

Công tác ở một vùng đặc thù lại được phân công phụ trách lĩnh vực giảm nghèo, để tránh tình trạng làm sai chế độ chính sách cho bà con. Năm nào cũng vậy, anh đều phải nhiều lần trèo đèo, lội suối vào tận các bản vùng sâu vùng xa để hướng dẫn công tác thực hiện.

Những cán bộ thầm lặng đem lại niềm vui cho người dân - 1

Anh Bùi Thanh Lĩnh (ngoài cùng bên phải) trong một lần đi cơ sở.

Để tiếp cận được đồng bào chủ yếu nói tiếng Thái và Mông, anh đã chủ động học tiếng dân tộc và văn hóa bản địa. Khi Chính phủ triển khai gói 26.000 tỷ đồng, sau khi kế hoạch được ban hành, anh lại tiếp tục hành trình lên đường đến từng thôn, bản làm công tác kiểm tra, rà soát và hướng dẫn.

"Một đồng hỗ trợ đối với người dân trong lúc này là vô cùng đáng quý. Vì thế, chúng tôi làm công việc ở địa phương cũng phải kịp thời. Bất kể thắc mắc nào của bà con cũng được chúng tôi giải đáp và hướng dẫn đến nơi đến chốn", anh Bùi Thanh Lĩnh cho biết.

Hơn 10 năm công tác, nỗ lực của anh Bùi Thanh Lĩnh đã được ghi nhận với nhiều Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Mường Lát...

Niềm vui của người cán bộ

Gần 2 tháng qua, chị Hà Thị Ngân, Phó phòng LĐ-TB&XH TP Đồng Hới (Quảng Bình) làm việc gần như không có ngày nghỉ. Thậm chí có những lúc đến tận khuya, chị vẫn miệt mài cùng tập hồ sơ chỉ với mong muốn nhanh giải quyết thủ tục để người lao động sớm được nhận hỗ trợ từ Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Những cán bộ thầm lặng đem lại niềm vui cho người dân - 2

Chị Hà Thị Ngân (ngoài cùng, bên phải) tư vấn cho người lao động.

Trong khi nhân lực của Phòng chỉ có 6 người, nhưng lượng hồ sơ lớn nên chị Hà Thị Ngân và đồng nghiệp phải làm việc "hết công suất" để rà soát, lập danh sách người được thụ hưởng, bảo đảm chính xác, công bằng, công khai, đúng đối tượng.

Để kịp thời hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người lao động, chị Hà Thị Ngân và các cán bộ của Phòng LĐ-TB&XH TP Đồng Hới đã đưa số điện thoại của mình lên các phương tiện thông tin đại chúng để người lao động được tư vấn, giải đáp thắc mắc.

"Với lượng hồ sơ đề nghị hỗ trợ lớn nên ngoài giờ làm việc ở cơ quan thì về nhà mình tiếp tục rà soát. Việc nhà gần như là phải nhờ ông xã hỗ trợ. Cũng vì mình kiêm luôn tổng đài viên, nên nghe điện thoại gần như cả ngày", chị chia sẻ.

Có những lúc hơn 22h rồi vẫn có người gọi điện nhờ chị Hà Thị Ngân tư vấn. Cũng thông qua các cuộc điện thoại, chị và đồng nghiệp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ để có thể tham mưu, đề xuất, hỗ trợ kịp thời.

"Mỗi bộ hồ sơ được thông qua, phê duyệt, mỗi lao động được chi trả hỗ trợ chính là niềm vui với những cán bộ trực tiếp như mình", chị nói.

Không ngại gian khổ, chỉ sợ bỏ sót đối tượng

Đó là chia sẻ của chị Trần Thị Hồng Yến, chuyên viên Phòng LĐ-TB&XH quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) khi thực hiện triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Những cán bộ thầm lặng đem lại niềm vui cho người dân - 3

Cán bộ phụ trách mảng LĐ-TB&XH phường Tân Chính (quận Thanh Khê) trao tiền hỗ trợ tới lao động tự do ngay tại chốt kiểm soát. 

Theo chị Trần Thị Hồng Yến, sau khi có chủ trương triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Phòng LĐ-TB&XH quận Thanh Khê đã ban hành văn bản hướng dẫn đến các phường và gửi thông tin đến tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có đóng BHXH trên địa bàn.

"Thực sự ngay khi gửi thông tin đi, điện thoại của tôi bận suốt ngày. Ngoài các phường thì các doanh nghiệp họ rất quan tâm đến gói hỗ trợ này", chị Trần Thị Hồng Yến cho hay. 

Chị Trần Thị Hồng Yến cũng cho hay, từ khi bắt đầu triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và gói hỗ trợ đặc thù của TP Đà Nẵng, chị cũng như các đồng nghiệp luôn bận rộn, làm việc không kể thứ 7, Chủ nhật và buổi tối.

"Chúng tôi làm việc đến 1-2h ngày hôm sau là chuyện bình thường. Cán bộ ở phường có khi làm việc xuyên đêm nhập dữ liệu danh sách người được thụ hưởng chính sách. Cả bộ máy bắt tay vào việc, không ngại khó, không ngại khổ, chỉ sợ bỏ sót đối tượng. Người làm ngành LĐ-TB&XH phải có cái tâm mới làm tốt. Công việc vất vả những khi bà con khó khăn được hỗ trợ kịp thời, chúng tôi rất hạnh phúc", chị Trần Thị Hồng Yến chia sẻ.

Kịp thời rà soát lao động tại thôn, buôn

Trong tình hình dịch Covid-19 tại địa phương đang "nóng", chị Quách Thị Thúy cùng các cán bộ xã phụ trách mảng LĐ-TB&XH tại xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã nỗ lực rà soát đúng đối tượng để kịp hỗ trợ bà con.

Địa bàn xã đang bị phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh, người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại thôn, buôn ở xã vẫn được cán bộ rà soát để kịp thời được chi trả gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của chính phủ.

Những cán bộ thầm lặng đem lại niềm vui cho người dân - 4

Chị Quách Thị Thúy (bên trái) đại diện chính quyền UBND xã Cư Êbur nhận suất quà hỗ trợ để trao cho bà con nghèo trên địa bàn (Ảnh: NVCC).

Bên cạnh đó, đa số người dân ở 7 thôn, buôn ở là đồng bào dân tộc Êđê, cán bộ phụ trách mảng LĐ-TB&XH tham mưu xã hỗ trợ nhu yếu phẩm kịp thời đến bà con đang "ai ở đâu ở yên đó" để chống dịch.

Ngay sau khi có quyết định triển khai Nghị quyết 68, UBND xã Cư Êbur đã nhanh chóng vào cuộc tuyên truyền đến tận các thôn, buôn. Hiện bước đầu chính quyền đã có danh sách 60 trường hợp đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách, niêm yết công khai tại ủy ban xã.

Do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, việc đi lại, gặp gỡ phải tuân thủ quy định phòng, chống dịch, nhất là tại buôn Ea Bông và buôn Dhă Prông - những nơi đang bị phong tỏa, song cán bộ ở các thôn, buôn cùng cán bộ xã nỗ lực phối hợp rà soát đối tượng. 

"Quan trọng nhất vẫn là việc rà soát các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19 phải đúng đối tượng và làm sao bà con nhận được hỗ trợ kịp thời nhất. Do đó, các công tác rà soát, thẩm định của cấp cơ sở là rất quan trọng. Chúng tôi phải nỗ lực làm hết sức hỗ trợ bà con hiệu quả", chị Quách Thị Thúy cho hay.

Bác sĩ ngày đêm chăm sóc 600 bệnh nhân "đặc biệt"

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hiền làm việc ở Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Cần Thơ đã 8 năm nay. Công việc chính là thăm khám, điều trị cho các bệnh nhân ở Trung tâm. Ở đây nhiều người và nhiều bệnh khác nhau nhưng người bị bệnh tâm thần là nhiều nhất.

Những cán bộ thầm lặng đem lại niềm vui cho người dân - 5

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hiền đang chăm sóc bệnh nhân.

Một mình chịu trách nhiệm thăm khám cho gần 600 người mà hầu hết đều bị tâm thần. Điều này khiến công việc của anh trở nên áp lực và nguy hiểm. Nhưng chưa một ngày bác sĩ Nguyễn Tuấn Hiền bỏ cuộc.

Là người duy nhất phụ trách chuyên môn nên bất cứ lúc nào xảy ra sự việc đột xuất bác sĩ Nguyễn Tuấn Hiền cũng đều phải có mặt.

Người bệnh tâm thần không chỉ có thể làm tổn thương chính bản thân mà còn luôn "lăm le" tấn công bác sĩ. Để đảm bảo an toàn, Trung tâm đã cắt cử 2 bảo vệ làm vệ sĩ "hộ tống" bác sĩ Nguyễn Tuấn Hiền mỗi khi đi thăm khám.

Sau mỗi lần thăm khám, áo bác sĩ ướt luôn đẫm mồ hôi, thậm chí nhiều hôm áo quần nhem nhuốc vì "vật lộn" với bệnh nhân tâm thần.

"Có lần nửa đêm tôi phải đi xử lý sự cố, dù có bảo vệ đứng sau lưng nhưng bệnh nhân vẫn lao. Bệnh nhân thì không biết khai báo triệu chứng, không hợp tác điều trị. Với vết thương hở thì rất lâu lành và dễ nhiễm trùng vì bệnh nhân không biết tự chăm sóc. Ai mà tâm lý yếu gặp những cảnh như thế thì vô cùng ức chế, không trụ nổi ở đây chịu cực được", bác sĩ Nguyễn Tuấn Hiền chia sẻ.

Những năm qua, cống hiến của bác sĩ Hiền luôn được lãnh đạo ghi nhận và bạn bè đồng nghiệp công nhận.

Theo ông Huỳnh Văn Sánh - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Cần Thơ, mỗi cán bộ có thể trụ lại Trung tâm đều là "viên ngọc quý" của trung tâm. Trong đó, bác sĩ Nguyễn Tuấn Hiền là "viên ngọc quý" nhất.