Những cách làm hay giúp dân thoát nghèo bền vững ở Đà Nẵng
(Dân trí) - Các cấp chính quyền địa phương của Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp cụ thể, cách làm hay giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hỗ trợ xây nhà, vay vốn làm ăn
Trước năm 2017, gia đình bà Lê Thị Màng (sinh 1967) là một trong những hộ nghèo nhiều năm của phường Tân Chính (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).
Chồng bà Màng từng làm nhân viên vệ sinh của Công ty môi trường đô thị. Nay ông đã lớn tuổi và nghỉ hưu. Bà Màng không có công việc ổn định.
Trong khi đó, 3 người con của vợ chồng bà đều đang ở tuổi ăn học. Cách đây 8 năm, sau khi nghỉ việc ở Công ty môi trường đô thị, chồng bà Màng được UBND phường Tân Chính hỗ trợ mua chiếc xe máy làm nghề xe thồ chở hàng hóa ở chợ Cồn.
Mấy năm sau, khi chợ Tân Chính được xây dựng và đưa vào hoạt động, bà Màng được UBND phường sắp xếp, bố trí ki-ốt buôn bán trong chợ. Không những vậy, phường còn hỗ trợ cho bà Màng vay vốn ban đầu để lấy hàng về bán.
Nhờ sự hỗ của chính quyền địa phương, vợ chồng bà Màng nay đã có được công việc ổn định, con cái học hành đến nơi đến chốn.
Trong 3 người con của vợ chồng bà Màng, có 2 người con đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học và đã đi làm, hiện còn người còn út đang học đại học năm cuối.
Năm 2017, gia đình bà Màng chính thức thoát nghèo, trong nhà cũng đã sắm sửa được nhiều vật dụng giá trị.
“Nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình tôi sẽ không có được như ngày hôm nay, con cái cũng chưa chắc được học hành đàng hoàng”, bà Màng nói.
Câu chuyện thoát nghèo không chỉ diễn ra ở gia đình bà Màng.
Gia đình bà Tạ Thị Hải cũng thuộc diện nghèo ở phường Tân Chính. Từ khi được hỗ trợ, gia đình bà không còn phải sống trong cảnh dột ướt khắp nhà mỗi khi trời mưa.
Ngôi nhà được xây dựng với sự hỗ trợ của UBMTTQVN TP Đà Nẵng 50 triệu đồng, UBND phường Tân Chính 5 triệu đồng và gia đình vay mượn thêm.
“Mấy năm trước, năm nào phường cũng đã vận động gia đình tôi xây nhà nhưng vợ chồng tôi lo không đủ tiền nên không dám nhận hỗ trợ. Năm 2019, nghĩ tuổi của hai vợ chồng cũng đã lớn, nếu không xây bây giờ thì sau này sẽ rất khó. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết định hay mượn thêm sau khi nhận được hỗ trợ của chính quyền địa phương và UBMTTTQVN thành phố”, bà Hải nói.
Bây giờ đến mùa mưa, cả nhà không phải lo lắng như trước nữa. Ngôi nhà cũng có thêm phòng ngủ riêng cho vợ chồng con trai trên gác lửng, còn phòng của vợ chồng bà ở dưới.
Bà Hải bị cụt tay phải lúc còn nhỏ, hai vợ chồng bà làm nghề bán tránh trộn ở vỉa hè trước ga Đà Nẵng. Các con bà Hải đều đã lập gia đình nhưng cuộc sống khó khăn nên không thể hỗ trợ bố mẹ xây nhà.
Với sự hỗ trợ của UBMTTQ thành phố và UBND phường, vợ chồng bà Hải đã có được ngôi nhà kiên cố, vươn lên thoát nghèo vào năm 2019.
Huy động nguồn lực
Tân Chính là một trong những địa phương của Đà Nẵng thực hiện tốt chương trình “Không có hộ nghèo đặc biệt”. Trong những năm qua, phường đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững.
Theo đó, thông qua ngân hàng chính sách xã hội, những hộ thiếu vốn sẽ được vay vốn không lãi suất. Đối với những hộ thiếu phương tiện sinh kế, UBND phường sẽ tổ chức đối thoại để nắm bắt nhu cầu của từng hộ, có cách hỗ trợ phù hợp.
Đối với những hộ có nhu cầu việc làm sẽ được phường hỗ trợ vay vốn, bố trí ki-ốt tại các chợ trên địa bàn để có thể buôn bán, giới thiệu học nghề cho con em các gia đình…
Với các giải pháp cụ thể, nhiều hộ trên địa bàn đã vươn lên thoát nghèo, sắm được ti vi, xe máy và nhiều vật dụng đắt tiền, đời sống người dân đã dần ổn định và đặc biệt không còn hộ đặc biệt nghèo.
Bà Huỳnh Thị Thu An, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Chính cho biết, để đạt được những kết quả trên, ngoài những giải pháp như các địa phương khác, cán bộ xóa giảm nghèo của phường luôn đi, sâu đi sát từng hộ dân để đưa ra những giải pháp phù hợp với mỗi người.
Ngoài ra, phường cũng rất coi trọng công tác khuyến học, hỗ trợ để các em học sinh được học hành có công ăn việc làm giúp gia đình thoát nghèo.
Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: "Năm 2000, toàn TP Đà Nẵng có 850 hộ đói, sau 2 năm tập trung nguồn lực hỗ trợ đã cơ bản xóa hết hộ đói. Từ năm 2002-2009, sau 2 lần nâng mức chuẩn nghèo, thành phố không còn hộ đói theo tiêu chuẩn quốc gia".
Năm 2009, Đà Nẵng chuyển sang thực hiện mục tiêu “Không có hộ đặc biệt nghèo”, Thành ủy đã ban hành chỉ thị về đẩy mạnh công tác hối hợp giúp đỡ hộ đặc biệt nghèo. Đồng thời, triển khai giải pháp trọng tâm như: Tổ chức gặp đối thoại với hộ nghèo tìm hiểu nguyên nhân để có giải pháp phù hợp.
Các quận, huyện ủy; Đảng ủy các xã, phường đều ban hành chỉ thị, nghị quyết giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nghèo, UBND các địa phương thành lập Ban chỉ đạo và phân công từng thành viên trực tiếp theo dõi, chỉ đạo trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, Thành ủy phân công các đơn vị, doanh nghiệp, công ty huy động nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương giúp hộ đặc biệt nghèo.
“Bằng các chính sách, giải pháp cụ thể, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, mô hình giảm nghèo hiệu quả. Nhờ vậy, đã góp phần hoàn thành mục tiêu đề án giảm nghèo đặc biệt từng giai đoạn”, ông Chinh cho hay.