Nhật ký liệt sỹ lưu lạc ở Mỹ: "Một ngày nữa thôi, cậu tôi sẽ về nhà!"
(Dân trí) - Cuốn nhật ký của liệt sỹ Cao Văn Tuất sẽ trở về với gia đình, sau hơn nửa thế kỷ "lưu lạc" ở bên kia bán cầu. Đêm trước ngày nhận lại kỷ vật, người thân liệt sỹ không thể chợp mắt...
Đêm 4/3 thực sự là đêm trắng tại gia đình ông Hà Huy Mỳ (62 tuổi, ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) - người cháu đang thờ phụng liệt sỹ Cao Văn Tuất.
Liệt sỹ Cao Văn Tuất được xác định là chủ nhân của cuốn nhật ký mà cựu binh Mỹ - ông Peter Mathews đã lưu giữ suốt 56 năm qua. Nay, nguyện vọng tìm chủ nhân và trao trả cuốn nhật ký của cựu binh Mỹ mới có thể thực hiện.
Từ nước Mỹ xa xôi, cuốn nhật ký đã vượt nửa vòng trái đất để trở về Việt Nam. Và sáng 5/3, cuốn nhật ký - kỷ vật cuối cùng và cũng là duy nhất của người lính Việt - liệt sỹ Cao Văn Tuất, sẽ được trao tận tay thân nhân.
Suốt từ chiều 4/3, gia đình ông Mỳ đã được chính quyền và các đoàn thể xã Kỳ Xuân hỗ trợ hoàn tất công tác chuẩn bị để tiếp đón người cựu binh Mỹ. Theo kế hoạch, buổi lễ trao trả cuốn nhật ký diễn ra tại trụ sở UBND xã Kỳ Xuân, lúc 8h30. Sau đó, ông Peter Mathews sẽ đến thăm gia đình liệt sỹ Cao Văn Tuất.
"Họ là khách, mình là chủ nhà, phải tiếp đón chu đáo", ông Hà Huy Mỳ cười hiền.
Từ trưa 4/3, ông Mỳ liên tục cập nhật quá trình di chuyển của cựu binh Peter Mathews thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và khá lo lắng cho sức khỏe của vợ cựu binh Mỹ vì thấy bà xuống sân bay bằng xe lăn.
Đêm muộn, ông Mỳ kiểm tra lại một lần nữa để đảm bảo công tác đón tiếp không xảy ra sơ suất. Còn vợ ông, bà Dương Thị Thế (62 tuổi) tất bật nhặt lá chè xanh, rửa thật sạch, chuẩn bị để sáng hôm sau nấu nước mời khách.
"Ngày mai gia đình tôi sẽ tiếp đãi ông Peter Mathews và vợ cùng đoàn khách món kẹo cu đơ đặc sản Hà Tĩnh. Nếm cái "anh" cu đơ này thì không thể thiếu cốc nước chè xanh trong vắt, đậm đà được", bà Thế vui vẻ giới thiệu.
Khi chắc chắn mọi thứ đã chuẩn bị chu tất như dự liệu, ông Mỳ ngồi vào bàn, mở những trang nhật ký của người cậu ruột ông đã tải trên báo xuống, đọc lại. Từ hôm xác định cuốn nhật ký này chính xác là của cậu, ông Mỳ đọc đi đọc lại đến thuộc nhiều trang. Thậm chí, ông ngồi cẩn thận ngồi chép lại từng trang vào một cuốn vở học trò.
"Cậu tôi làm thơ hay lắm, tôi đọc mà khóc luôn. Bà nhà tôi cũng thuộc mấy bài thơ trong cuốn nhật ký của cậu rồi", ông Mỳ khoe.
Đếm 12 tiếng nữa, cuốn nhật ký thực sự sẽ được trao tới tận tay, ông Mỳ lại nghe trống ngực đập rộn, bồi hồi xen lẫn xúc động, tự hào. Ngày ông Cao Văn Tuất ra đi, ông Mỳ mới chỉ là cậu bé 2 tuổi, không nhớ được gì. Ký ức về người cậu liệt sỹ được ông góp nhặt từ những câu chuyện của ông bà ngoại và của mẹ - bà Cao Thị Diếu, chị gái liệt sỹ.
Trong dòng hồi tưởng, ông Mỳ kể, hồi cậu Tuất ở chiến trường có gửi về cho bố mẹ một lá thư và một bức ảnh. Khi đó còn quá nhỏ, ông Mỳ không được đọc nên không biết thư viết gì. Còn bức ảnh thì ông vẫn nhớ, trong ảnh, người lính Cao Văn Tuất đội một chiếc mũ cối, vẻ mặt nghiêm nghị.
"Ông bà ngoại dán ảnh cậu lên tường, tôi còn nhỏ, nghịch ngợm nên gỡ xuống. Đợt ấy có trận bão lớn lắm, cuốn trôi mọi thứ, cả bức ảnh duy nhất của cậu. Suốt nhiều năm qua, gia đình không còn lưu giữ được kỷ vật nào của cậu, nên cuốn nhật ký này có ý nghĩa hết sức đặc biệt với cá nhân tôi và cả gia đình.
Cuốn nhật ký này bây giờ là kỷ vật duy nhất của cậu tôi, là bút tích của cậu. Tôi cứ mường tượng ngày mai, cậu tôi sẽ trở về, cùng với cuốn nhật ký này. Một ngày nữa thôi. Cậu tôi hi sinh, giấy báo tử chỉ ghi "ở mặt trận phía Nam", gia đình có ý định đi tìm nhưng không có manh mối gì, không biết tìm ở đâu. Nghĩ đến đó, tôi không ngủ được...", ông Mỳ chia sẻ.