Nhà giáo ngành lao động phía Nam gặp mặt nhân ngày 20/11
(Dân trí) - Trong 48 năm qua, những nhà giáo tại Trường Đại học Lao động - Xã hội cơ sở II đã đào tạo trên 50.000 cán bộ cho ngành lao động nước nhà.
Ngày 16/11, nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2024), Trường Đại học Lao động - Xã hội (ĐH LĐ-XH) cơ sở II tại TPHCM long trọng tổ chức lễ mít tinh chào mừng, ôn lại truyền thống dạy và học ở ngôi trường đào tạo cán bộ lao động phía Nam có 48 năm lịch sử.
Thay mặt Đảng ủy, Ban giám đốc, TS Phạm Ngọc Thành, Phó Hiệu trưởng phụ trách ĐH LĐ-XH, gửi lời chúc mừng và bày tỏ sự tri ân tới các nhà giáo lão thành, các thầy cô và toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động, những người đã và đang cống hiến cho nhà trường.
TS Phạm Ngọc Thành cho biết, trong 48 năm qua, ĐH LĐ-XH cơ sở II đã không ngừng phát triển về mọi mặt, đào tạo cho ngành LĐ-TB&XH trên 50.000 cán bộ, người lao động có đủ trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho hàng trăm nghìn lượt cán bộ của ngành.
"Từ những ngày đầu chỉ có vài trăm sinh viên, đến nay lưu lượng hàng năm của trường đã đạt gần 5.000 sinh viên. Hiện trường có gần 200 cán bộ viên chức, trong đó có 26 tiến sĩ (chiếm 21% tổng số giảng viên), 19 nghiên cứu sinh và 127 thạc sĩ. Nhà trường đã đào tạo 11 ngành bậc đại học, 2 khóa thạc sĩ của ngành quản trị nhân lực và công tác xã hội, liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục có uy tín trong, ngoài nước ở trình độ sau đại học", TS Phạm Ngọc Thành cho hay.
Đặc biệt, cơ sở vật chất của ĐH LĐ-XH cơ sở II từng bước được nâng cấp đồng bộ. Mới nhất, trường vừa đưa vào sử dụng 2 khối giảng đường có tổng diện tích trên 10.000m2 với trang thiết bị hiện đại.
TS Phạm Ngọc Thành cho biết thêm: "Năm học 2024-2025, tuyển sinh trình độ đại học của nhà trường đạt 100%, điểm đầu vào tăng. Công tác quản lý đào tạo của trường luôn thực hiện đúng quy chế; quản lý chất lượng và khảo thí được đảm bảo...".
Song song đó, hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế của trường có nhiều chuyển biến tích cực, quy mô và số lượng đề tài tiếp tục gia tăng. Trong đó, số lượng bài đăng tạp chí tăng gần 43%, số bài đăng hội thảo quốc tế tăng gần 93%...
Hoạt động hợp tác quốc tế cũng nổi bật. Trường tiếp tục tổ chức chương trình học bổng ngắn hạn cho sinh viên sang Đại học Freiburg (Cộng hòa Liên bang Đức) trong năm học 2024-2025, ký kết 5 thỏa thuận hợp tác mới, ký kết hợp tác giai đoạn tiếp theo với Olive Tree Estates (Singapore)...
TS Phạm Ngọc Thành nhấn mạnh: "Có được những kết quả đáng khích lệ như trên là do công lao của tất cả các thế hệ cán bộ và sinh viên của nhà trường, trong đó đội ngũ thầy cô giáo có vai trò hết sức to lớn. Thế hệ các thầy cô giáo của nhà trường trước đây đã và mãi là những tấm gương sáng vượt qua mọi khó khăn, đưa nhà trường từng bước phát triển vững chắc trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, thiếu thốn".
Nhân dịp này, nhà trường cũng tổ chức trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục, bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho những tập thể, cá nhân người lao động xuất sắc. Đồng thời, TS Phạm Ngọc Thành tặng hoa chúc mừng 3 giảng viên vừa đạt được học vị tiến sĩ trong năm nay.
Sau lễ kỷ niệm, tập thể sinh viên đang theo học tại trường và các giảng viên hiện hữu có dịp gặp gỡ, trò truyện cùng những nhà giáo lão thành từng công tác tại đây, nay đã về hưu, để hiểu thêm về chuyên môn và lịch sử đào tạo giàu truyền thống của nhà trường.
TS Phạm Ngọc Thành gửi lời tri ân đến các thầy cô đã và đang công tác tại trường: "Vì niềm tin và tinh thần trách nhiệm mà bao thế hệ thầy cô giáo đã và đang dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục nói chung và cho ĐH LĐ-XH cơ sở II tại TPHCM thân yêu này".