Nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực sẽ cao hơn khi dịch Covid-19 bùng phát
(Dân trí) - "Nguy cơ trẻ bị xâm hại, bạo hành trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 sẽ cao hơn bình thường, vì vậy gia đình cần quan tâm, bảo vệ trẻ hơn" - Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền chia sẻ.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh này xảy ra hơn 95 trường hợp xâm hại trẻ em (XHTE).
Riêng tính từ đầu năm 2021 đến nay, ở tỉnh xảy ra 4 vụ XHTE, tăng 2 vụ so với cùng kỳ. Theo số liệu thì trẻ em nữ bị xâm hại chiếm hơn 90% tổng số vụ XHTE ở Phú Yên.
Nguyên nhân của XHTE một phần là gia đình còn chủ quan, thiếu sự quản lý và chăm sóc cẩn thận cho các em. Một phần nguyên nhân còn là nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em (BVTE), quyền của trẻ em chưa đầy đủ và bị xem nhẹ.
Trẻ em chưa được quan tâm đúng mức
Sự việc cháu gái N.L.Đ. (15 tuổi, trú huyện Sông Hinh) thiểu năng trí tuệ bị hãm hiếp dẫn đến mang thai vào tháng 3/2020 là minh chứng cho sự quan tâm chưa đúng mức đến trẻ em.
Theo lời bà N.T.H. (78 tuổi - ngoại của Đ.), cháu Đ. không minh mẫn từ khi còn bé. Khi mới 15 tuổi Đ. bị trai làng cưỡng bức đến mang thai và đã hạ sinh được một bé gái 10 tháng tuổi.
"Tôi thì đã già, mẹ nó có vấn đề thần kinh nên không quan tâm đến Đ. được. Cháu cứ đi ngoài đường mãi, có khi mờ sáng đã đi, tối mịt mới về. Tôi sợ sự việc xảy ra giống với cuộc đời của mẹ nó, nên nhắc nhở cháu rất nhiều. Nhưng ngờ đâu sự việc đau lòng ấy lại ập đến" - bà H. xúc động nói.
Khi vụ việc cưỡng hiếp Đ. xảy ra, được sự động viên của làng xóm láng giềng, bà H. đã làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng. Đến nay Công an Phú Yên đã bắt được một số đối tượng để pháp luật trừng trị, xử lý.
Hay mới đây, vụ việc bé trai H.L. 2 tuổi ở Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa, Phú Yên) bị chủ nợ tạt phân lên đầu, dọa bắt cóc, chôn sống cũng làm dư luận phẫn nộ.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, trước đây chị C.T.G. (mẹ của H.L.) có vay của bà Nguyễn Thị Chút số tiền 285 triệu đồng để đầu tư làm ăn, nhưng không may thua lỗ. Vụ việc đã được TAND huyện Tây Hòa và tỉnh Phú Yên xét xử, yêu cầu bà G. nộp tài sản, để Cơ quan thi hành án bán trả cho bà Chút theo luật định.
Trong thời gian chờ cơ quan chức năng giải quyết, bà Chút đã có hành vi đe dọa và đỉnh điểm của vụ việc là tạt phân lên người mẹ con bé H.L. Bà Nguyễn Thị Chút hiện đã bị khởi tố hình sự về tội "Làm nhục người khác" được quy định tại khoản 2, Điều 155 BLHS.
Điều đáng nói, sự việc diễn ra trong thời gian dài nhưng các cơ quan chức năng xã Sơn Thành Tây đều không có biện pháp bảo vệ cháu H.L., mãi đến khi clip tạt phân lên đầu cháu L. được chia sẻ lên mạng thì mới vào cuộc xử lý.
"Đặc biệt gia đình không nên có tâm lý giấu giếm vì lo ngại điều tiếng, điều này sẽ càng có hại cho sức khỏe, tâm lý của con mình. Ngoài ra, nếu như để lâu thì nhiều lúc các chứng cứ của XHTE sẽ không còn nữa" - bà Hiền chia sẻ.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên, chính quyền cấp xã đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự việc quá thấp, có thái độ hời hợt trong việc BVTE nên không có sự đôn đốc, giám sát, không quyết liệt chỉ đạo công an xã làm đúng trách nhiệm, đúng pháp luật.
Khi sự việc XHTE xảy ra, địa phương phải có những chỉ đạo ngay để BVTE. Nếu không thực hiện được thì phải đề xuất lên trên để xử lý. Về phía gia đình cần phải báo cáo ngay cho chính quyền địa phương, hoặc liên hệ ngay tổng đài 111 (tổng đài quốc gia BVTE) trình bày sự việc, từ đó tổng đài sẽ có điều phối về các trung tâm để trợ giúp pháp lý cho gia đình.
Đề phòng nguy cơ tăng cao khi dịch Covid-19 bùng phát
Để giảm các trường hợp XHTE trên địa bàn, từ năm 2015 đến nay tỉnh Phú Yên đã tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh và cấp huyện với chủ đề "Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em" có hơn 3.000 em tham dự.
Tỉnh đã hành lập và duy trì 10 mô hình câu lạc bộ quyền tham gia trẻ em tại các điểm trường và Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh. Ngoài ra còn tuyên truyền về đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em Tổng đài quốc gia 111 để mọi người liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi XHTE.
Trong thời gian đến, Phú Yên tiếp tục chú trọng công tác truyền thông về BVTE đến toàn xã hội.
Bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết: "Để BVTE, ngoài ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cho cơ sở về vấn đề chăm sóc trẻ em. Sở cũng đặc biệt quan tâm đến truyền thông, nâng cao nhận thức, công tác tuyên truyền về ý thức pháp luật, BVTE cho người dân. Khi thực hiện, chúng tôi sẽ chia ra nhiều cụm theo thành phần đối tượng để truyền thông, từ đó đem lại hiệu quả tốt nhất".
Cũng theo bà Phạm Thị Minh Hiền, sắp đến vào tháng 6 - Tháng hành động vì trẻ em, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên sẽ phối hợp với TP Tuy Hòa thực hiện nhiều hoạt động truyền thông, trong đó sẽ chú trọng đến công tác BVTE khỏi nạn xâm hại khi đại dịch Covid-19 hoành hành.
"Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại, gia đình cần đặc biệt quan tâm, chú ý đến trẻ vì nguy cơ trẻ bị xâm hại, bạo hành trong giai đoạn này sẽ cao hơn bình thường. Nguyên nhân là do nhiều tác động tiêu cực của dịch đến đời sống xã hội, gia đình. Ví dụ như bố mẹ mất việc do Covid-19, khi đó sẽ dẫn đến nhiều yếu tố tiêu cực và người nhận lãnh sẽ là trẻ" - đại biểu Quốc hội, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên nói.