Người vợ ở nhà làm đẹp, tưởng "ăn bám" chồng, ai dè kiếm... 200 triệu/tháng
(Dân trí) - Chị Dung bị tiếng "ăn bám" chồng khi không đi làm, suốt ngày chỉ ở nhà đủng đỉnh làm đẹp, nấu ăn, chụp hình đồ ăn up lên mạng, đi du lịch...
Vợ chồng chị Lê Ngọc Dung, 40 tuổi, ở Gò Vấp, TPHCM cùng hai con có một cuộc sống đầy đủ, nếu không muốn nói là sang chảnh so với mặt bằng chung. Gia đình 4 người sống trong ngôi nhà phố hơn 60m2 được thiết kế, bài trí rất công phu, đẹp mắt với những đồ dùng, trang thiết bị cao cấp. Cả gia đình cũng thường xuyên đi du lịch trong và ngoài nước.
Ấn tượng ở gia đình chị còn là bữa ăn hàng ngày rất "đầu tư" với nhiều món đặc sản đắt đỏ, trái cây ngoại được bài trí rất bắt mắt... Mọi người vẫn hay trêu đùa chị: "Riêng tiền trái cây nhà bà Dung bằng thu nhập của hai vợ chồng ở thành phố".
Lâu nay, chị Dung ở nhà toàn thời gian, chăm lo nhà cửa, nấu ăn, chăm sóc con cái, dưỡng da, tập thể dục làm đẹp... Nhiều người xuýt xoa khen chị có số nhờ chồng, không ít người còn nói sau lưng "chị ở nhà ăn bám chồng", là trưởng phòng truyền thông của một công ty chuyên về đào tạo.
Cách đây 4 năm, chồng chị bị tai nạn phải nằm viện nửa năm, công việc bị ngưng trệ. Khi đó, nhiều bạn bè người quen hỏi thăm nhưng cũng khối người tò mò, lo lắng cho tình cảnh tương lai của mẹ con chị khi "máy ATM gặp sự cố". Nhiều người động viên chị đi làm kiếm tiền chứ giờ không thể cậy hết vào chồng. Có người còn nhiệt tình giới thiệu việc làm lương 10 triệu đồng cho chị.
Trái với hình dung của mọi người, sau đó gia đình chị vẫn "phất" lên như diều gặp gió, đời sống còn đủ đầy hơn xưa. Chị đầu tư hàng trăm triệu thiết kế khu vực tập vật lý trị liệu cho chồng gồm máy chạy bộ, máy đạp xe, máy quay tay, ghế massage, làm ban công có chỗ ngồi thưởng trà để chồng vừa tập vật lý trị liệu vừa thư giãn. Sau đó, anh chị còn sắm thêm... nhà mới.
Chỉ những ai thật thân thiết mới biết, tuy hàng ngày chỉ ở nhà, ăn rồi làm đẹp, nấu nướng, dọn dẹp đưa đón con nhưng chị Dung chính là trụ cột kinh tế trong nhà. Thu nhập mỗi tháng lâu nay của chị ít nhất là 200 triệu đồng, tháng cao điểm vừa rồi lên đến 338 triệu đồng.
Chị Dung kể, cách đây 13 năm, khi đang làm việc cho một công ty sản xuất bao bì với đồng lương 3,5 triệu đồng, chị mất việc làm khi công ty giải thể. Chị nhớ thời điểm đó, hàng ngày chị nằm trên chiếc võng trước nhà mong chờ một cuộc gọi đi phỏng vấn...
Nhưng lúc đó chỉ toàn là những cuộc gọi của khách hàng cũ hỏi đặt hàng, chị rầu rĩ báo công ty đóng cửa. Trong cảnh thất nghiệp, một ý tưởng nảy ra trong đầu chị...
Đã có sẵn khách, chị liền đi tìm mối các công ty sản xuất bao bì làm trung gian cung cấp. Từng bước từ đó đến nay, chị gắn bó với công việc "người vô hình" này.
Một hai năm đầu mới làm quen, chị phải đích thân đi kiểm hàng, làm việc nhưng giờ đây mọi thứ vào guồng, chị chỉ nhận đơn hàng từ khách, báo qua cho công ty sản xuất, mọi công đoạn khác đều có người phụ trách.
Công việc hàng ngày của chị chỉ mất tầm một tiếng để nhận đơn, báo đơn và thu tiền. Còn toàn bộ thời gian chị dành cho việc nhà, chồng con...
Còn chồng chị, lương trọn vẹn 25 triệu đồng, hàng tháng anh đưa chị khoảng 15 triệu đồng, còn lại toàn bộ "giang sơn nhà cửa" để vợ tự quyết, tự lo.
Cứ tích góp được khoản nhất định là chị Dung lại vay mượn thêm đi mua nhà đất để gia tăng tài sản. Với tài xoay xở của mình, đến nay, vợ chồng chị sở hữu 6 căn nhà, thêm dãy trọ 5 phòng ở TPHCM, riêng tiền cho thuê nhà hàng tháng thu về hơn 70 triệu đồng.
Người vợ trải lòng, trong cuộc sống và công việc luôn có yếu tố may mắn. Nhưng để sự may mắn tạo ra kết quả thì cần nhiều sự nhanh nhạy nắm cơ hội, tạo được sự tin tưởng.
Và có một điều mà theo chị rất nhiều người thiếu là khả năng quản lý tài chính. Hai nguyên tắc của chị trong quản lý tài chính là không được chi tiêu quá khả năng và phải tìm cách đầu tư để tiền đẻ ra tiền càng sớm càng tốt. Chị gặp nhiều người kiếm ra tiền mà luôn thiếu trước hụt sau vì chi tiêu hoang phí và không biết đầu tư.
"Năm 2011, tôi từng mua ô tô 800 triệu đồng nhưng sau đó bán lại 710 triệu đồng và vay mượn thêm để mua căn nhà 2,3 tỷ. Căn nhà đó nay lên giá gấp 3, trong khi nếu giữ ô tô chắc giờ âm nặng", chị cười.
Chị cũng chia sẻ, phụ nữ kể cả không đi làm, ở nhà nội trợ cũng cần có sự tự chủ về kinh tế, tài chính. Điều đó không chỉ phục vụ cho cuộc sống của bản thân, gia đình mình, có nhiều lựa chọn cũng như để đề phòng những bất trắc mà còn là cơ sở để người phụ nữ có thể mỉm cười kể cả khi mang tiếng "ăn bám chồng"
Chị Dung hay đùa "mình lụm cái miếng, còn cái tiếng để ông chồng". Chị hài lòng với công việc tự do hiện tại, nhất là chuyện có thời gian cho chồng con, gia đình và cả sở thích nấu ăn, trang hoàng nhà cửa của mình.
Nhưng chị cũng thừa nhận, nếu việc nhà và kiếm tiền cùng trở thành gánh nặng với phụ nữ thì cuộc sống sẽ rất ngột ngạt, khó khăn cho họ trong vai trò làm vợ, làm mẹ.
Từ trường hợp của mình, chị mong mọi người không vội đánh giá người phụ nữ ở nhà, không đi làm là "ăn bám" chồng. Phụ nữ hiện nay nhiều người rất năng động, họ cũng có nhiều cơ hội việc làm, kiếm tiền tự do... Hơn nữa, kể cả họ không kiếm ra tiền thì trọng trách với việc nhà, chăm lo con cái cũng là phần công việc rất quan trọng trong gia đình, cần được "tính công", ghi nhận xứng đáng.