Người quen lâu ngày gặp lại khoe vàng đeo kín rất dễ là kẻ buôn người!
(Dân trí) - "Chị em cần cảnh giác khi kết bạn người lạ qua mạng xã hội với lời lẽ ngon ngọt hay người quen lâu ngày gặp thấy khoe vàng đeo kín tay…", lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu khuyến cáo trước nạn buôn người.
Nhận diện thủ đoạn buôn người
Đường dây buôn người do Lương Thị Hải (31 tuổi, ngụ tỉnh Nghệ An) chủ mưu, cầm đầu thực hiện từ năm 2019 đến năm 2021 là một trong những vụ án mua bán người nổi cộm trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Nổi cộm không chỉ có đến 11 nạn nhân mà chính những người mẹ đã trực tiếp thỏa thuận, đồng ý, giúp sức gả bán chính con ruột sang Trung Quốc để nhận vài chục triệu đồng. Họ bất chấp việc con gái chưa thành niên, còn phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc, nuôi dưỡng của gia đình.
Đó là nạn nhân N. khi bị bán chỉ gần 13 tuổi; nạn nhân M. hơn 16 tuổi nhưng là người có bệnh lý tâm thần, bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Sau khi bị bán cho những người đàn ông Trung Quốc, nhiều phụ nữ bị quản thúc, ngược đãi, đánh đập nên bỏ trốn hoặc đòi về Việt Nam thì nhóm của Hải buộc người thân của họ ở quê nhà phải trả lại toàn bộ số tiền đã nhận trước đó và chi phí nhập cảnh trái phép về nước.
Có phụ nữ bỏ trốn, nhóm buôn người truy tìm bắt giữ lại, đe dọa và yêu cầu người thân của họ phải đưa tiền chuộc mới thả cho đi.
Chỉ một đường dây buôn người này, vừa qua tòa án tỉnh Bạc Liêu đã xét xử đến 4 tội danh gồm: Mua bán người, Mua bán người dưới 16 tuổi, Cưỡng đoạt tài sản, Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.
Qua vụ án trên cho thấy tình trạng mua bán người có những diễn biến phức tạp với nhiều hình thức, chiêu trò, thủ đoạn tinh vi của loại tội phạm này.
Phụ nữ bị bán phục vụ mại dâm, đẻ thuê, bóc lột
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Bạc Liêu, từ năm 2021 đến tháng 6/2023, có ít nhất 17 nạn nhân bị mua bán trở về địa phương.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đinh Xuân Phượng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, cho rằng các địa phương trong tỉnh đều tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng mua bán người.
Đa số nạn nhân là thanh, thiếu niên trẻ, phụ nữ nghèo, người dân tộc thiểu số khó khăn, thiếu thông tin về phòng, chống tội phạm. Mặt khác, một bộ phận phụ nữ có lối sống thực dụng, chạy theo vật chất, lười lao động, muốn đổi đời nhưng thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin nên dễ rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người.
Nạn nhân chủ yếu bị mua bán ra các nước như: Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia,… nhằm mục đích mại dâm, đẻ thuê, làm vợ, bóc lột sức lao động.
"Hoạt động của bọn tội phạm thường là người từ nơi khác đến hoặc người quen lôi kéo, dụ dỗ, móc nối với người địa phương tìm hiểu những phụ nữ không có việc làm, cho mượn tiền để giải quyết khó khăn.
Đối tượng hứa hẹn sẽ giới thiệu việc làm thu nhập cao, kiếm được nhiều tiền khi lấy chồng giàu nhưng không thông qua thủ tục kết hôn theo quy định, hoặc kết hôn diện bảo lãnh,… tiềm ẩn nguy cơ bị gạt, bán ra nước ngoài", ông Phượng nhận định.
Theo ông Phượng, khi người dân lâm cảnh khó khăn, đang cần tiền, tâm lý rất dễ dao động trước những lời ngon ngọt, đặc biệt là bạn kết nối qua mạng xã hội nên dễ bị dụ dỗ. Thậm chí, có cả người quen đưa ra những hình ảnh "ăn sung mặc sướng" của người đi trước để đánh vào tâm lý của họ.
"Chị em phụ nữ cần hết sức chú ý việc kết bạn trên mạng, nhất là với người lạ, hay tìm kiếm việc nhẹ lương cao. Ngay cả người quen lâu ngày mới gặp bỗng dưng kết nối, khoe vàng đeo kín tay cũng cần cảnh giác…" ông Phượng khuyến cáo và nhấn mạnh rằng, không ở đâu có " việc nhẹ lương cao, không làm mà có ăn".
Ông Phượng cũng chỉ rõ, với công nghệ hiện nay, người dân không nên tùy tiện gửi giấy tờ tùy thân cho người lạ. Bởi, khi đối tượng nắm được sẽ khai thác thông tin, tìm cách đưa vào "chuyện đã rồi" như vay nợ, mua bán,... Lúc đó, nạn nhân dễ bị khống chế, bắt buộc nghe theo sự sai khiến của bọn tội phạm.
Để phòng, chống tình trạng mua bán người, theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, đặc biệt phụ nữ, trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số là những đối tượng dễ vướng vào việc mua bán người.
Địa phương ở cơ sở quan tâm hơn đến từng gia đình có hoàn cảnh khó khăn như tạo điều kiện cho họ có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần giảm bớt tâm lý muốn đi xa để đổi đời.
"Đối với nạn nhân bị mua bán trở về, chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ để họ không mặc cảm, tự ti, xa lánh, không kỳ thị, tái hòa nhập cộng đồng", ông Đinh Xuân Phượng chia sẻ và đề nghị các nạn nhân cần mạnh dạn tố cáo đối tượng lừa gạt với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm khắc, phòng ngừa.