Người phụ nữ nhiều lần vượt bạo bệnh nhờ tinh thần khởi nghiệp

Ngô Linh

(Dân trí) - Từng liệt nửa người, mắc u xơ nang… nhưng chính tinh thần khởi nghiệp, ý chí không đầu hàng số phận đã giúp chị Nguyễn Thị Hồng Vân thành công với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Ấn tượng của chúng tôi với chị Nguyễn Thị Hồng Vân (41 tuổi, trú xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) là người phụ nữ nhỏ nhắn, nụ cười luôn hiện trên môi. Nhưng phía sau chị là cả một nghị lực phi thường.

Chị Vân sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo, chị phải nghỉ học từ nhỏ, rời xa quê đi giúp việc nhà cho một gia đình tại Đà Nẵng. Làm giúp việc vất vả nhưng thu nhập không đủ để gia đình trang trải cuộc sống.

Người phụ nữ nhiều lần vượt bạo bệnh nhờ tinh thần khởi nghiệp - 1

Chị Nguyễn Thị Hồng Vân vượt lên nghịch cảnh để khởi nghiệp (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sau một thời gian, chị nghỉ việc và vào TPHCM giúp việc nhà cho người bà con. Khoảng thời gian này, chị được chủ nhà tạo điều kiện cho học thêm nghề dệt vải nhưng vì thân hình nhỏ bé, trong khi khung cửi quá cao, nặng nên chị không thể theo nghề.

Đến năm 18 tuổi, chị Vân trở về quê học may rồi đi làm thợ cho các chủ tiệm may lớn. Làm được 4 năm, chị xây dựng gia đình, 2 con cũng lần lượt ra đời.

Năm 2010, chị bị bệnh thoát vị đĩa đệm, liệt nửa người. Thời gian dài chị điều trị tại bệnh viện khiến gia đình lâm cảnh nợ nần. Khó khăn chồng chất, vợ chồng quyết định đi buôn, đưa các sản phẩm miền xuôi lên miền ngược bán, một thời gian, nợ nần cũng trả xong.

Người phụ nữ nhiều lần vượt bạo bệnh nhờ tinh thần khởi nghiệp - 2

Chị Vân ký kết với các đơn vị trồng sản phẩm hữu cơ để có nguồn nguyên liệu đạt chất lượng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đang làm ăn yên ổn, chị Vân phát bệnh u xơ nang, u vú. Trong thời gian điều trị bệnh, do dùng thuốc đặc trị nặng nên tóc rụng nhiều. Chị quyết định thử dùng các loại vỏ bưởi, bồ kết và hương nhu nấu gội trong vòng 1 tháng, hiệu quả rõ rệt.

Năm 2019, chị Vân nảy ra ý tưởng nấu dầu gội đầu. Qua học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu sách báo và nhờ những người quen hướng dẫn, chị chế biến dầu gội lấy tên "dầu gội bưởi Hồng Vân". Trước khi đưa ra thị trường, chị nhờ bà con, bạn bè dùng thử, ai cũng thấy hiệu quả nên động viên chị mạnh dạn phát triển sản phẩm.

"Nhờ tinh thần khởi nghiệp, cố gắng vươn lên đã giúp tôi vượt thử thách. Dù gặp khó khăn cũng đừng nản lòng, bởi một cánh cửa đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra cho bạn", chị Vân nói.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, chanh tươi được quan tâm, tuy nhiên dễ hỏng, chị nhen nhóm ý tưởng sản xuất nước cốt chanh.

Do không dùng chất bảo quản, thời hạn sử dụng hợp lý và giữ được hương vị nên nước cốt chanh của chị được người tiêu dùng đón nhận. Giữa năm 2021, chị quyết định thành lập hộ kinh doanh chuyên sản xuất nước cốt chanh thương hiệu Hồng Vân.

Theo chị Vân, cây chanh trồng ở đất bồi ven sông ở quê, quả chậm lớn nhưng do canh tác hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học nên nguồn nguyên liệu an toàn và giàu vitamin C.

Người phụ nữ nhiều lần vượt bạo bệnh nhờ tinh thần khởi nghiệp - 3

Sản phẩm của chị Vân được sử dụng nguyên liệu hữu cơ và không có rác thải ra môi trường (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Năm 2022 chị Vân mạnh dạn đăng ký đi thi ý tưởng phụ nữ khởi sự kinh doanh; phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, kết quả chị đoạt giải 3 phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế.

Tháng 2/2022, chị thành lập cơ sở sản xuất với quy mô không gian khép kín trên diện tích hơn 500m2 tại xã Đại Hiệp. Cơ sở tạo việc làm cho 6 lao động tại địa phương, đồng thời ký hợp đồng với người dân trong huyện Đại Lộc với diện tích 8ha nguyên liệu chanh, tắc, bưởi hữu cơ... Nước cốt chanh của cơ sở Hồng Vân cũng đạt OCOP 4 sao năm 2022.

Ngoài sản phẩm chính nước cốt chanh, tắc, chị Vân còn tận dụng bã ép làm ra nhiều sản phẩm từ vỏ chanh và tắc với nguyên liệu được sử dụng gần như toàn bộ, không có rác thải ra môi trường. 

"Hiện, nước cốt chanh Hồng Vân được trưng bày tại các đại lý trong tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng. Đặc biệt, chúng tôi đã thiết lập mạng lưới tiêu thụ sang Lào. Trong tương lai, tôi hy vọng có thể đưa sản phẩm đến nhiều quốc gia hơn", chị Vân chia sẻ.