Người phụ nữ ngồi xe lăn, viết từng trang sách kiếm tiền chạy thận
(Dân trí) - Liệt 2 chân khi 18 tuổi, mắc bệnh suy thận không lâu sau đó, chị Đồng Tâm hàng ngày ngồi trên xe lăn, viết tiếp từng trang sách để "trả ơn cuộc đời".
Không rơi một giọt nước mắt
6h sáng những ngày cuối tháng 7, TPHCM se se lạnh, chị Cao Châu Việt Đồng Tâm (47 tuổi, ngụ tại quận 12) chầm chậm lăn xe ra trước hiên nhà. Hay tin gần 1.000 quyển sách tự tay viết vẫn chưa bán hết, chị Tâm cúi mặt, thở dài, chưa biết kiếm tiền ở đâu để chuẩn bị chạy thận.
Ngồi suy tư một lúc lâu, chị Tâm ngước mắt lên nhìn bầu trời xanh ngắt rồi tự trấn an: "Không có tiền cũng ráng tìm cách chạy chữa. Phải chạy thận thì mới sống, sống mới làm thêm được nhiều điều có ích cho cuộc đời được".
Là con gái thứ 4 trong gia đình có 5 chị em, chị Tâm cho hay cả nhà ai cũng mắc bệnh, người bị ung thư, người bị tâm thần. Thu nhập của gia đình phụ thuộc vào việc bán sách của chị và em gái bán hủ tiếu trước nhà.
Trên cánh tay chi chít vết sẹo, khối u sưng to đến không còn cảm giác, chị Tâm không còn nhớ mình đã trải qua bao nhiêu lần chạy thận. Không chỉ bị bệnh thận hoành hành, chị Tâm còn bị viêm tủy cột sống khiến phần thân từ rốn trở xuống bị liệt hoàn toàn.
Không thể sống như một người bình thường đã 29 năm, nhưng chị Tâm vẫn mạnh dạn thừa nhận: "Tôi chưa từng rơi giọt nước mắt nào". Với nghị lực sống đó, chị đã "lăn" bánh xe qua từng ngày khó khăn, những tưởng không thể vượt qua nhất của cuộc đời.
Đến nay, chị Tâm vẫn chưa lập gia đình, mỗi tuần 2 lần, người mẹ 80 tuổi lại đưa chị đến bệnh viện chạy thận. Người mẹ già đẩy xe lăn cho chị từ khi còn khỏe đến nay mái tóc đã bạc trắng, chân tay run rẩy, có khi đẩy được vài bước bà lại phải dừng nghỉ rồi cả hai động viên nhau phải cố sống.
Cứ một đợt chạy thận, chị tốn khoảng 400.000 đồng. Mỗi khi thiếu thốn, chị lại phải nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, người hỗ trợ kinh phí, người cho vài cân gạo, bó rau.
Thời gian đầu, do muốn kiếm tiền chạy thận, chị Tâm nhận tranh về thêu. Thế nhưng, sau một thời gian vì bệnh tình hành hạ, chị đành gác lại rồi tìm cách viết sách.
Quyển sách đầu tiên ra đời vào 10 năm trước, chị Tâm đặt tên "Cô bé ước mơ". Khi quyển sách được xuất bản, chị Tâm vui mừng khôn xiết bởi những tâm tư đặt vào tác phẩm này.
Thông qua quyển sách, chị muốn truyền tải câu chuyện tuổi thơ đầy hạnh phúc, nơi chất chứa những điều tốt đẹp mà chị không thể nào quay lại nữa. Chị mong muốn các bạn trẻ có thể cùng "chơi đùa" trong ký ức hồn nhiên của chị.
Tin vào điều kỳ diệu
"Tin vào điều kỳ diệu" là tựa đề trong quyển sách thứ 2 của chị Tâm. Để hoàn thành được quyển sách, chị phải trải qua bao nhiêu vất vả, cố gắng ngồi viết từng chữ đến chai hông, rướm máu. Nhiều khi quá mệt mỏi, chị luôn động viên bản thân "sách là nguồn sống duy nhất" để vươn lên.
"Để sống được tới ngày hôm nay, đối với tôi là điều kỳ diệu, là điều quý giá nhất", chị trải lòng.
Nhớ về năm 18 tuổi, chị Tâm kể rành rọt như thể chỉ mới ngày hôm qua. Thời điểm đó, chị còn là một nữ sinh chập chững vào đời. Với học lực khá, chị Tâm mong được đăng ký làm thanh niên xung phong để hỗ trợ nhiều hoạt động xã hội.
Ngoài giờ lên lớp, tối đến là chị lao vào bàn học thêm tiếng Anh, chuẩn bị lấy bằng chuyên sâu vi tính văn phòng. Thế nhưng, cuộc đời nghiệt ngã khiến chị bước sang trang mới hoàn toàn khác.
"Thấy nhức 2 bên mông, tôi đi khám thử vì nghĩ đơn thuần là đau vì chơi thể thao nhiều. Nhưng không ngờ chỉ vài ngày sau, 2 chân không còn cử động được nữa. Dù gia đình có cố chạy chữa thế nào, bác sĩ cũng lắc đầu", chị Tâm chia sẻ.
Không sợ hãi hay bi quan, chị Tâm tin rằng mình sẽ đi lại được nên đâm đầu vào tập luyện. Việc đi lại, thậm chí là vệ sinh cá nhân trở nên khó khăn, chị Tâm đành nghỉ học khi bao hoài bão vẫn dang dở, chấp nhận cuộc đời gắn liền với xe lăn và bệnh viện.
Thế nhưng, gần 30 năm trôi qua, đôi chân ấy dần teo lại và được đặt gọn trên chiếc xe lăn. Nhìn vào đôi chân của mình, chị Tâm ước sẽ có ngày nó cử động trở lại.
"Dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, tôi vẫn sẽ bước tiếp. Bản thân tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều người lắm, quan trọng là vẫn còn mẹ, các chị, em và những người yêu thương tôi ngoài kia", chị Tâm cười, nói.
"Nhà chị Tâm là gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Cả nhà toàn người bệnh, một người chị của cô ấy đang mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Cả nhà chủ yếu sống bằng gánh hủ tiếu của một thành viên trong gia đình", bà Lê Thị Xuân (tổ trưởng tổ 43, khu phố 3, phường Tân Thới Nhất, quận 12) thông tin.