Người lao động nghỉ ốm, thai sản có được hưởng lương không?
(Dân trí) - Trong thời gian nghỉ ốm dài ngày, nghỉ thai sản, người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội rồi thì doanh nghiệp có thể trả lương cho họ không?
Tại diễn đàn đối thoại với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), đại diện công ty may Việt Thịnh cho biết doanh nghiệp đã có kế hoạch nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 từ đầu năm 2023 vào các ngày 1/9-3/9, còn ngày 4/9 là ngày toàn công ty nghỉ phép để kéo dài kỳ nghỉ lễ cho người lao động thuận tiện về quê.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 8 thì có người lao động xin nghỉ ốm trong thời gian 29/8-6/9. Đại diện doanh nghiệp không biết là người lao động trên đã được tính tiền lương ngày nghỉ phép 4/9 thì có được hưởng trợ cấp ốm đau trong ngày này hay không?
Trả lời doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó trưởng phòng phụ trách phòng Chế độ bảo hiểm xã hội BHXH TPHCM, cho biết: "Ngày nghỉ phép doanh nghiệp đã trả 100% tiền lương thì đương nhiên là không tính là ngày nghỉ ốm. Trong ngày nghỉ phép, người lao động có nghỉ ốm thì cũng không được hưởng chế độ ốm đau vì ngày này họ đã được hưởng 100% tiền lương".
Đại diện công ty Tai Việt cho rằng nguyên tắc này khiến người lao động thiệt thòi, đặc biệt là trong trường hợp họ phải nghỉ ốm dài ngày, nghỉ thai sản.
Vị này đặt vấn đề: "Làm sao để người lao động vừa được hưởng tiền lương vừa được hưởng chế độ ốm đau, thai sản trong những ngày nghỉ ốm, nghỉ thai sản?".
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nga, nguyên tắc của chế độ ốm đau, thai sản là hỗ trợ tài chính cho người lao động trong những ngày mất thu nhập vì ốm đau, thai sản. Do đó, người lao động đã nhận chế độ ốm đau, thai sản thì không được nhận tiền lương, nhận tiền lương thì không được trợ cấp ốm đau, thai sản.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có lòng hỗ trợ tiền lương cho những ngày người lao động nghỉ ốm, nghỉ thai sản cũng được nhưng phải bằng một khoản phúc lợi nào đó chứ không thể đưa vào tiền lương.
Bà Hồng Nga nói: "Trong những ngày nghỉ ốm, thai sản thì BHXH chi trả chế độ ốm đau, thai sản. Còn phần doanh nghiệp hỗ trợ thì công ty có quyền quy định, đưa vào quy chế nội bộ của mình, điều này là có lợi cho người lao động nhưng không thể đưa vào tiền lương".