Người làm nghề độc hại được giảm điều kiện để nghỉ hưu sớm

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Hiện người có 15 năm làm nghề nặng nhọc độc hại được nghỉ hưu sớm 5 tuổi với điều kiện là đóng BHXH đủ 20 năm trở lên. Từ ngày 1/7/2025, điều kiện thời gian đóng BHXH chỉ còn 15 năm.

Bà Thu Hậu sinh năm 1973, đã làm việc 17 năm 6 tháng trong môi trường lao động độc hại và có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc trong thời gian này. Hiện sức khỏe suy giảm nhiều nên bà muốn nghỉ hưu sớm.

Bà Hậu hỏi: "Tôi dự định sẽ nghỉ việc và tiếp tục đóng BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm. Với trường hợp này, tôi có được hưởng chế độ nghỉ hưu sớm 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu thông thường, được nhận lương hưu ngay khi đóng thêm 2 năm BHXH tự nguyện hay không?".

Người làm nghề độc hại được giảm điều kiện để nghỉ hưu sớm - 1

Người lao động làm việc nặng nhọc, độc hại được nghỉ hưu sớm (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Theo BHXH Việt Nam, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường được quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019.

Theo đó, tuổi nghỉ hưu lâu nay được điều chỉnh, tăng dần theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Tuy nhiên, người lao động có thể được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định trên trong các trường hợp như: Bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (NN-ĐH-NH); làm nghề, công việc NNĐHNH; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Điều kiện nghỉ hưu sớm 5 năm so với tuổi nghỉ hưu quy định của người lao động tham gia BHXH bắt buộc được quy định chi tiết tại Điểm b Khoản 1 Điều 54 Luật BHXH năm 2014; sửa đổi, bổ sung tại Điểm a Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019.

Theo đó, người lao động nghỉ hưu sớm 5 năm khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và có đủ 15 năm làm nghề, công việc NN-ĐH-NH hoặc đặc biệt NN-ĐH-NH thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành; hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021).

Với người tham gia BHXH tự nguyện, Điểm a Khoản 1 Điều 73 Luật BHXH năm 2014 (sửa đổi, bổ sung tại Điểm c Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019) quy định người lao động đạt đủ 2 điều kiện thì được hưởng lương hưu.

Thứ nhất là đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường.

Thứ hai là có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

Căn cứ vào các quy định trên, BHXH Việt Nam cho biết trường hợp của bà Thu Hậu mới có 17 năm 6 tháng đóng BHXH nên dù bà có hơn 17 năm làm việc trong điều kiện độc hại cũng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để nghỉ hưởng lương hưu sớm 5 tuổi.

Trường hợp bà Hậu tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thì cũng không thuộc đối tượng "đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu".

Tuy nhiên, theo Luật BHXH (sửa đổi) năm 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025, trường hợp của bà Hậu sẽ được xét cho nghỉ hưu sớm 5 năm. Nguyên nhân là từ 1/7/2025, điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm.

Khi đó, bà Hậu có đủ 2 điều kiện là đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên và có đủ 15 năm làm nghề, công việc NN-ĐH-NH. Như vậy, sau ngày 1/7/2025, bà Hậu đủ điều kiện để làm thủ tục nghỉ việc hưởng lương hưu.

Người làm nghề độc hại được giảm điều kiện để nghỉ hưu sớm - 2