1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Quảng Ngãi:

Người khuyết tật với nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm kinh tế giỏi

Quốc Triều

(Dân trí) - Bằng sự nỗ lực, nhiều người khuyết tật tại Quảng Ngãi vươn lên làm kinh tế giỏi, không chỉ tự nuôi sống được bản thân mà còn chăm lo cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động khác.

Năm 2018, anh Lê Tuấn Phương (29 tuổi, huyện Nghĩa Hành) gặp tai nạn giao thông. Vụ tai nạn nghiêm trọng khiến anh mất đi chân phải.

Từ một thanh niên khỏe mạnh trở thành người tàn tật là cú sốc lớn. Tuy vậy, anh Phương đã nỗ lực phi thường, tìm tòi các mô hình phát triển kinh tế phù hợp để học hỏi kinh nghiệm rồi triển khai thực hiện.

Năm 2022, vợ chồng anh được chính quyền địa phương hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ chương trình giảm nghèo để mở cơ sở may gia công tại nhà. Với số vốn vay ưu đãi đó, xưởng may của "chú lính chì" Tuấn Phương đã có thể vận hành.

Thời gian đầu, cơ sở gặp nhiều khó khăn vì chưa quen việc và không có đơn hàng. Khởi nghiệp gian nan, không thuận lợi nhưng anh Phương không nản. Anh Phương kiên trì theo đuổi, cố gắng tìm nguồn hàng, tạo uy tín với các đối tác bằng chất lượng sản phẩm.

Người khuyết tật với nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm kinh tế giỏi - 1

Anh Phương cùng các lao động làm việc tại xưởng may của gia đình (Ảnh: Quốc Triều).

Nhờ nỗ lực đó, xưởng may gia công của gia đình anh Phương dần hoạt động ổn định, tạo thu nhập tốt. Không chỉ mang lại cuộc sống ổn định cho bản thân anh Phương và người thân trong gia đình, xưởng may còn tạo thêm việc làm với thu nhập ổn định cho 5 người khác.

Chị Phạm Thị Quyên là người gắn bó với xưởng may từ những ngày đầu thành lập. Chị cho biết, công việc tại xưởng may nhẹ nhàng, có thu nhập ổn định. Làm việc tại đây, chị có thể chủ động thời gian để lo cho con cái.

"Lúc trước, tôi làm cách nhà hơn 20km, công việc rất bận, lại đi xa. Giờ làm ở xưởng của Phương gần nhà, thời gian chủ động, mọi thứ rất thuận lợi", chị Quyên nói.

Giống như anh Phương, anh Phạm Văn Trĩ (44 tuổi, ở huyện Ba Tơ) là tấm gương điển hình về nỗ lực vượt khó, "tàn nhưng không phế", vươn lên từ đói nghèo.

Năm 2016, trong một lần đang lao động, anh bị trượt chân ngã từ trên cao xuống dẫn đến chấn thương cột sống, liệt cả đôi chân. Từ đó, cuộc sống của anh Trĩ phải gắn với đôi nạng gỗ.

Anh Trĩ chia sẻ, thời điểm đó, kinh tế gia đình rất khó khăn. Vợ anh phải đi làm thuê hàng ngày để lo chi tiêu và thuốc thang cho chồng. Cuộc sống ngày càng khốn khó.

"Mình là người đàn ông trong nhà, không thể ngồi một chỗ nhìn vợ con khổ được. Tôi suy nghĩ mãi mới quyết định tận dụng mảnh vườn để trồng trọt, chăn nuôi. Dù sức yếu nhưng cố gắng, tôi vẫn làm được", anh Trĩ nói.

Ban đầu, anh Trĩ đầu tư nuôi gà thả vườn, rồi nuôi heo, dúi, đào ao thả cá. Khi vườn trại đi vào nề nếp, có ít vốn anh lại đầu tư trồng cây ăn quả. Sau gần 5 năm cố gắng, đến nay anh Trĩ đã có một trang trại kết hợp cho nguồn thu thường xuyên.

"Tôi cố gắng làm mọi việc trong khả năng. Trồng rau, chăn nuôi, chăm sóc cây trồng, tôi đều làm được hết. Nhờ mô hình kết hợp vườn, ao, chuồng mà hàng ngày tôi có thu nhập, gia đình đã thoát được nghèo", anh Trĩ nói thêm.

Người khuyết tật với nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm kinh tế giỏi - 2

Nhờ cố gắng chăn nuôi, trồng trọt nên gia đình anh Trĩ đã vươn lên thoát nghèo (Ảnh: Quốc Triều).

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Trĩ còn là một trong những hội viên khuyết tật tiêu biểu trong các phong trào của Hội khuyết tật tại địa phương. Anh được nhiều người trẻ tìm đến học hỏi về kinh nghiệm làm mô hình trang trại.

Theo ông Trần Tuấn Kiệt - Chủ tịch Hội Người khuyết tật Quảng Ngãi, những năm qua, Hội đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho hội viên vượt lên khó khăn trong cuộc sống để phát triển kinh tế.

Địa phương cũng thường xuyên hướng nghiệp, tạo nghề và tập hợp, khuyến khích hỗ trợ các cơ sở, tổ sản xuất, kinh doanh của những người khuyết tật trên địa bàn để tương trợ giúp nhau vươn lên. Việc liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giúp tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người khuyết tật và thanh niên nghèo tại địa phương. Số hộ nghèo trên địa bàn dần giảm xuống. 

Với các mô hình làm kinh tế để thoát nghèo, cơ quan chức năng đã tạo điều kiện để người dân vay vốn sản xuất, đào tạo và tìm việc làm, nhất là với người khuyết tật, tại các công ty, cơ sở kinh doanh... Nhờ đó, nhiều hộ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt, kém may mắn đã có điều kiện vượt khó, không ngừng phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, từng bước xây dựng cuộc sống ấm no trên mảnh đất quê hương.