Người giúp việc kém đạo đức cần loại khỏi công việc chăm sóc trẻ em

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Lãnh đạo Cục trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH mong công an tiếp nhận vụ giúp việc bạo hành trẻ sơ sinh sớm điều tra hành vi, động cơ, xử lý đối tượng với tinh thần ưu tiên giải quyết việc liên quan xâm hại trẻ em.

Liên quan đến vụ việc bé trai hơn một tháng tuổi bị người giúp việc bạo hành, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), nhận định đây là sự việc gây bức xúc lớn trong dư luận bởi hành vi bạo lực nhắm đến trẻ sơ sinh - sinh linh rất yếu ớt, cần được bảo vệ tuyệt đối.

Người giúp việc kém đạo đức cần loại khỏi công việc chăm sóc trẻ em - 1

Người giúp việc xốc, ném, đánh trẻ khi người mẹ đang ngủ bên cạnh (Ảnh cắt từ video).

"Rất may không có hậu quả nghiêm trọng xảy ra với cháu bé. Tuy nhiên, sự việc được phát giác là lời cảnh tỉnh dành cho các bậc phụ huynh trong việc lựa chọn và giám sát người giúp việc chăm sóc con nhỏ", ông Nam nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Trẻ em cũng kiến nghị cơ quan công an nhanh chóng điều tra làm rõ sự việc, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật, đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ Công an về ưu tiên giải quyết các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em.

"Những vụ việc gây bức xúc dư luận cần được giải quyết kịp thời, vừa đảm bảo tính răn đe, vừa giúp ổn định tâm lý xã hội", ông Nam nói thêm.

Về phía gia đình, lãnh đạo Cục Trẻ em khuyến cáo phụ huynh cần thường xuyên theo dõi, giám sát con cái, đặc biệt trong trường hợp thuê người chăm sóc từ bên ngoài.

Người giúp việc kém đạo đức cần loại khỏi công việc chăm sóc trẻ em - 2

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam (Ảnh: Gia Đoàn).

Theo ông Nam, mặc dù gia đình trong vụ việc này đã lắp camera trong phòng chăm sóc trẻ nhưng việc giám sát chưa thực sự chặt chẽ, dẫn đến chuyện bé trai bị đối xử tàn bạo kéo dài mà không được phát hiện kịp thời.

"Các bậc phụ huynh cần lựa chọn người chăm sóc con mình một cách kỹ lưỡng. Trước khi thuê người giúp việc cần kiểm tra xem người này có được đào tạo, tập huấn hay không và chỉ nên sử dụng dịch vụ từ các đơn vị uy tín, có hợp đồng ràng buộc rõ ràng.

Đừng chủ quan giao con cho người lạ chỉ qua lời giới thiệu hoặc mạng xã hội, bởi điều đó rất dễ dẫn đến những vụ bạo hành đáng tiếc như thời gian vừa qua", ông Nam cảnh báo.

Tiêu chuẩn đạo đức và kỹ năng áp dụng với người giúp việc

Đồng tình với quan điểm trên, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhận định, hành vi của người phụ nữ thể hiện trong đoạn clip được gia đình công bố là cực kỳ tàn nhẫn, thể hiện dấu hiệu của hành vi hành hạ người khác.

"Một người phụ nữ ở độ tuổi trưởng thành hoàn toàn đủ khả năng nhận thức được mức độ nguy hiểm và hậu quả của hành vi bạo hành đối với trẻ nhỏ. Do đó, cơ quan điều tra cần nhanh chóng vào cuộc xác minh và có khả năng khởi tố vụ án hình sự để xử lý nghiêm minh", ông Cường nói.

Theo vị luật sư, trẻ sơ sinh hơn một tháng tuổi thường hay quấy khóc và hoàn toàn không có khả năng tự vệ. Việc đánh đập, hành hạ đối tượng yếu thế như vậy không chỉ là thể hiện sự tàn nhẫn mà còn có thể gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến nguy cơ tước đoạt tính mạng của trẻ.

Người giúp việc kém đạo đức cần loại khỏi công việc chăm sóc trẻ em - 3

Luật sư Đặng Văn Cường là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (Ảnh: Hải Nam).

Cơ quan điều tra sẽ thụ lý tin báo và tiến hành xác minh vụ việc trong thời hạn 20 ngày. Nếu sự việc phức tạp, quá trình có thể kéo dài đến 2 tháng trước khi đưa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Trong thời gian này, cơ quan chức năng sẽ lấy lời khai người giúp việc, thân nhân của cháu bé, thu thập dữ liệu điện tử và các chứng cứ liên quan, đồng thời đưa cháu bé đi khám để xác định mức độ tổn thương hoặc thương tích, nếu có.

"Trong trường hợp cháu bé bị thương tích do hành vi đánh đập, người phụ nữ này sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự, với tình tiết tăng nặng là phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, mức phạt có thể lên tới 3 năm tù.

Nếu cháu bé may mắn không bị thương tích nhưng hành vi bạo hành gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, người này có thể bị xử lý hình sự về tội Hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự", ông Cường thông tin.

Luật sư cho rằng đã đến lúc cần có quy định rõ ràng về tiêu chuẩn đạo đức và kỹ năng đối với người làm công việc giúp việc gia đình, nhất là với những người trông trẻ nhỏ.

"Những người không đáp ứng được các tiêu chuẩn này cần bị loại khỏi công việc chăm sóc trẻ em", ông Cường nhấn mạnh.

Với các trường hợp bạo hành trẻ em, đặc biệt là những trẻ nhỏ như trong vụ việc này, theo luật sư cần áp dụng các chế tài nghiêm khắc của pháp luật, không loại trừ hình thức xử lý hình sự để răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội.

Cuối cùng, luật sư Cường cảnh báo, các bậc phụ huynh cần hết sức thận trọng khi lựa chọn người giúp việc trông trẻ em. Việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ và sử dụng các thiết bị điện tử là cần thiết để bảo đảm an toàn cho trẻ, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi bạo hành.