Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng:
Người đàn ông Nghệ An được hơn 200 đứa trẻ yêu mến gọi bằng... bố
(Dân trí) - Hàng trăm đứa trẻ được đưa về trung tâm khi còn đỏ hỏn, đầy bệnh tật giờ được chăm sóc dần trưởng thành. Ông Lê Trung Thực (Nghệ An) trìu mến gọi chúng là con, đáp lại những đứa trẻ gọi ông là bố.
Chiều 27/11, tại Hà Nội, PV Dân trí đã gặp ông Lê Trung Thực - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An, nhân dịp sự kiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng".
Vị Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An còn được nhiều người biết đến với biệt danh trìu mến, đó là "Người bố có nhiều con nhất Việt Nam".
Người bố của hơn 200 đứa con
Kể về cơ duyên đến với việc nuôi dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ông Thực cho biết, đây chỉ là trách nhiệm với cộng đồng, luôn muốn làm điều tốt đẹp nhất cho xã hội. Bất cứ công dân nào có tấm lòng nhân ái cũng đều muốn như vậy.
Chia sẻ về hành trình "khởi nghiệp", năm 1993, sau khi học nghề thành thạo, ông vào thành phố Vinh (Nghệ An) dạy may cho con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Đến năm 1997, ông Thực được mời về dạy may cho 20 trẻ khuyết tật, mồ côi ở huyện Đô Lương (Nghệ An). Kết thúc khóa học nghề, các phụ huynh gặp ông than thở nhà nghèo nên không thể lo cho các cháu, mong ông tiếp tục cứu giúp để các cháu không thất nghiệp.
"Thấu hiểu thiệt thòi của các cháu nên ngoài dạy nghề, tôi đã nhận cưu mang 20 đứa trẻ này. Ở thời điểm đó, 3 học trò của tôi cũng nhận hỗ trợ. Và tôi bắt đầu khởi nghiệp kể từ đó. 24 người cả thầy lẫn trò dắt nhau đi thuê phòng trọ làm chỗ trú thân, lập nghiệp" - ông Thực nói.
Những ngày đầu trong cảnh "gà trống nuôi con", vì cuộc sống còn thiếu thốn nên ông Thực làm đủ mọi việc với tất cả khả năng có thể. Việc gì ông cũng xắn tay vào, từ nuôi lợn, làm đậu phụ, mua giấy loại, sắt vụn bán cho các đại lý thu gom phế liệu...
Những năm 1998- 1999, địa phương tạo điều kiện giao ông Thực tiếp quản một vùng đất rộng để chăm sóc "gia đình lớn". Rồi Trung tâm nhân đạo Nghệ An (nay là Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An) ra đời, được xây đắp từ tình thương yêu, trách nhiệm của ông với những mảnh đời đầy bất hạnh .
Tiếng lành đồn xa, người dân địa phương hễ thấy đứa trẻ nào bị bỏ rơi, có hoàn cảnh khó khăn là liên hệ để ông Thực đón về chăm sóc.
Ở thời điểm hiện tại, trung tâm đang nuôi dưỡng 64 trẻ em ở độ tuổi từ 18 trở xuống và luôn giao động từ 70-100 trẻ mồ côi (người ra, người vào), chưa tính đến số lượng các cụ già không nơi nương tựa.
Sống ngày nào, còn lo ngày đó
Trước đó, vào năm 2007, Trung tâm đã trở thành một đơn vị trực thuộc của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An. Kể từ đó, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí nên cuộc sống của mọi người đã bớt đi phần nào những vất vả, thiếu thốn.
Cuộc sống có gì ăn nấy. Năm tháng trôi qua, những đứa trẻ đưa về trung tâm từ khi còn đỏ hỏn, bệnh tật đầy người giờ đã được sống trong sự đùm bọc, cưu mang dần dần trưởng thành. Ông trìu mến gọi những đứa trẻ là con, đáp lại những đứa trẻ gọi ông là bố.
"Cuộc sống gần gũi bên nhau dần hình thành thứ tình cảm rất khó rứt. Giờ đi đâu, tôi chỉ dám đi một vài ngày chứ đi lâu quá thì nhớ lắm vì suốt ngày quây quần với tụi nhỏ. Đối với những trường hợp bị bỏ rơi, không xác định được thông tin cá nhân, tôi đều tự mình đặt tên cho các con. Đến giờ phút này, tôi đã làm bố của hơn 200 đứa con rồi" - ông Thực chia sẻ.
Hồi nhớ lại quãng thời gian gần 23 năm luôn tận tâm, tận lực nuôi dạy, chăm sóc cho những trẻ em mồ côi , trẻ tật nguyền, vị Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An không lý giải nổi vì sao lại có động lực làm như vậy.
Bởi lẽ, những đứa trẻ bị bỏ rơi từ lúc mới sinh, không có nguồn sữa mẹ nuôi dưỡng khiến các cháu liên tục ốm đau, bệnh tật và việc chăm sóc cũng vất vả hơn những đứa trẻ bình thường khác.
Để có thể toàn tâm, toàn ý lo cho những đứa trẻ có mảnh đời bất hạnh, ông Thực quyết không lập gia đình. Người đàn ông này e ngại rằng, khi có gia đình riêng, ông sẽ không còn thời gian, khả năng làm công tác xã hội nữa vì phải lo cho vợ cho con.
"Bây giờ, tôi chỉ mong mình khỏe mạnh, sống ngày nào sẽ cố gắng ngày đó để tiếp tục công việc hiện tại. Con cái mình phải thương, phải lo đến cùng. Bét nhất là mỗi đứa phải có một công việc để đảm bảo cuộc sống cho bản thân. Riêng các cháu tàn tật thì chăm sóc đến hết đời" - ông Thực tâm sự.
Được biết, dưới sự "chèo lái" của ông Thực và sự giúp đỡ của hàng chục cán bộ, nhân viên hợp đồng, thời vụ… những năm qua, đã có hàng chục ngàn học sinh thuộc con em nông thôn, vùng sâu vùng xa, gia đình chính sách và đối tượng xã hội đặc biệt được trung tâm này đào tạo nghề như may công nghiệp, may dân dụng, tin học văn phòng...
Trong quá trình nuôi dưỡng, dạy nghề cho hàng trăm đứa trẻ mồ côi, trẻ tật nguyền, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An cũng đã nhận được nhiều sự giúp đỡ tích cực từ chính quyền sở tại, các tổ chức thiện nguyện xã hội.
"Những tấm gương sáng thầm lặng" - những câu chuyện cổ tích có thật
Trước đó, vào chiều 27/11, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt 50 đại biểu đại diện cho 400 tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cùng dự buổi gặp mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 50 đại biểu đại diện 400 tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng.
Chương trình gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chiều nay là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi sự kiện tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" tại Hà Nội từ ngày 27 và 28/11/2020. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp và thành tích của các đại biểu dự chương trình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng nhưng đầy cao quý, được Đảng, Nhà nước và nhân dân dân trân trọng, quý mến và biết ơn. "Đảng, Nhà nước và nhân dân chúng ta rất cần những tấm gương sáng vì cộng đồng, 50 đại biểu ngày hôm nay là đại diện cho hàng ngàn tấm gương trong đời sống", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đồng thời, Thủ tướng khẳng định: "Các đại biểu dự chương trình hôm nay đều là những câu chuyện cổ tích, tấm gương sáng của đất nước. Họ chính là vốn quý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta...".
Đánh giá về sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Bộ LĐ-TB&XH lần đầu tiên tổ chức chương trình: "Bộ LĐ-TB&XH cần thường xuyên tổ chức sự kiện này, để những tấm gương tỏa sáng hơn nữa ngoài xã hội".