Người chăm F0: Ở nơi nguy hiểm mà chỉ đeo khẩu trang, không lấy nhiều tiền
(Dân trí) - Nhu cầu cần người chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng tăng cao, nhất là ngày Tết, mức thù lao hậu hĩnh. Nhưng có những người sẵn sàng làm việc với "2 không": không mặc đồ bảo hộ, không lấy nhiều tiền.
Vào nơi nguy hiểm giúp người
Cuối tháng 10/2021, anh Trần Tuấn (37 tuổi, quê Vĩnh Long, ở tại TP HCM) bị nhiễm Covid-19 nhưng nhanh chóng khỏi bệnh sau đó. Trong một lần lướt Facebook, anh thấy có người đăng tin cần tìm F0 đã khỏi bệnh để chăm sóc F0 đang điều trị tại Bệnh viện Quận 12, giá dao động từ 1-1,5 triệu đồng/ngày.
Công việc buôn bán của anh bị ảnh hưởng của dịch nên gặp nhiều khó khăn. Anh Tuấn nhận ca này nhưng chỉ lấy 400.000 đồng/ngày đêm vì mới "vào nghề". Anh chia sẻ, lúc đó, mỗi ngày kiếm được 400.000 đồng, là số tiền rất lớn với anh. Anh đã tính cố gắng kiếm một số vốn để hết dịch thì buôn bán lại.
Ngày đầu tiên, anh Tuấn chỉ muốn bỏ về vì cảm giác vô cùng sợ hãi nhưng đã trót nhận ca, không thể bỏ ngang được nên đành dự định cố làm xong ca đó rồi nghỉ hẳn. Nhưng khi hoàn thành ca bệnh đầu tiên, anh có suy nghĩ khác, muốn ở lại hỗ trợ, hướng dẫn cho những người mới nhập viện còn chưa biết cách vệ sinh cơ thể sạch sẽ, cách trở người lúc khó thở để đảm bảo an toàn tính mạng.
"Khi làm xong ca bệnh thứ 2, tôi quyết định ở lại làm tình nguyện luôn, giúp đỡ mọi người, đặc biệt là những người không có người thân, hoàn cảnh khó khăn mà không cần quan tâm tiền thù lao vì động lòng trắc ẩn. Càng làm rồi thì tôi càng cảm thấy đam mê công việc này", anh Tuấn bày tỏ.
Những ngày tình nguyện chăm sóc F0 tại bệnh viện, anh Tuấn không mặc đồ bảo hộ, chỉ đeo khẩu trang, đôi lúc có đeo găng tay bởi theo nghiên cứu, F0 mới khỏi bệnh, cơ thể khó bị tái nhiễm trong thời gian đầu.
Làm việc lăn xả, không ngại gian khổ, ngày đêm, anh được mọi người yêu quý, trở thành cánh tay hỗ trợ đắc lực các y bác sĩ trong các công việc đơn giản. Anh được các bác sĩ dạy cho cách đọc các chỉ số hiển thị trên màn hình thiết bị máy móc điều trị Covid-19, từ đó cập nhật tình hình liên tục, kịp thời cho bác sĩ trong những lúc thăm khám ở các phòng bệnh khác.
Khi bệnh nhân chuyển viện, anh sẵn sàng đi theo nhân viên y tế để tìm hiểu, rút kinh nghiệm thực tế. Anh Tuấn cho biết, công việc này giúp anh biết khi nào người bệnh Covid-19 gặp hội chứng "cơn bão cytokine", thời điểm cần nhập viện, cách xử lý tình huống khẩn cấp kịp thời để cứu sống bệnh nhân...
Những bệnh nhân Covid-19 tử vong, anh làm luôn việc lau rửa thi thể, mặc đồ, quấn vải liệm để đưa đi an táng. Nhận được quà tặng như sữa, nước yến, bỉm… anh lại san sẻ cho những người ăn xin, bán vé số.
Cận Tết, hết ca bệnh, anh Tuấn trở về nhà làm món chân gà rút xương ngâm sả, tắc để bán kiếm tiền tiêu Tết. Anh cho biết, nếu có người gọi đi làm thì vẫn sẵn sàng lên đường xuyên Tết.
"Cho đi là còn mãi!"
Khác với những người mắc các loại bệnh khác, bệnh nhân Covid-19 thường không có người nhà ở bên chăm sóc. Vì vậy, nhu cầu tìm F0 khỏi bệnh chăm sóc F0 đang điều trị rất lớn, đặc biệt trong những ngày Tết.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang (41 tuổi, trú tại phường 7, Quận 6, TPHCM) từng mắc Covid-19 khi chưa được tiêm vắc xin. Trong thời gian điều trị tại nhà, chị đã đăng ký làm tình nguyện viên chăm sóc F0 và bắt đầu tiếp nhận công việc này tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương ngay sau khi khỏi bệnh, từ tháng 9/2021.
Bất chấp sự lo lắng của cả gia đình (cũng vừa trải qua đợt điều trị Covid-19) vì sợ bị tái nhiễm, chị Trang vẫn sẵn sàng làm nhiệm vụ với suy nghĩ "trong lúc dịch căng thẳng này mình may mắn thoát khỏi cửa tử nên còn giúp ích được gì cho xã hội thì làm hết sức mình, không nghĩ ngợi gì hết".
Khi TPHCM hết giãn cách, chị vẫn tiếp tục công việc giúp người này ở nhiều bệnh viện khác nhau. Ngoài việc theo dõi chỉ số oxy trong máu, cho ăn uống, vệ sinh cá nhân, xoa bóp, giúp bệnh nhân trở người lúc khó thở, những người chăm sóc F0 như chị Trang còn động viên tinh thần để những người trên giường bệnh cảm thấy không đơn độc.
Chị Trang cho biết, khi đi làm tình nguyện viên chăm sóc F0 theo chương trình của Hội Doanh nghiệp Trẻ TPHCM chị có mặc đồ bảo hộ trong lúc làm nhiệm vụ. Nhưng từ khi hết chương trình, chuyển sang nhận hỗ trợ các ca bệnh bên ngoài, chị không mặc đồ bảo hộ, chỉ đeo khẩu trang. Rất may, trong suốt thời gian vừa qua, chị chưa bị tái nhiễm và đã được tiêm vaccine Moderna.
Tất cả các bệnh nhân chị Trang chăm sóc đều may mắn khỏi bệnh, bình an trở về nhà. Chị kể lại việc chăm sóc cụ bà 93 tuổi ở bệnh viện An Bình và gần đây nhất là một cụ bà khác, 89 tuổi, ở bệnh viện Chương Dương, mới xuất viện, về nhà ngay trước Tết Nhâm Dần 2022. Nghỉ ngơi một ngày, chị Trang tiếp tục được gia đình mời đến nhà chăm sóc cụ đến hết tháng Giêng nên sẽ không nghỉ dịp Tết này.
"Khi nhận chăm sóc ca bệnh nào, tôi chỉ tập trung vào ca đó, không nhận chăm nhiều người cùng một lúc. Mình cứ coi chăm người bệnh như chăm người thân của mình thì mọi việc sẽ tốt thôi. Về tiền công chăm sóc tôi luôn lấy thấp hơn nhiều người khác, không nghĩ chuyện thiệt hơn gì cả", chị Trang nói.
Giống chị Trang, mẹ con chị Phan Thị Hoa (sinh năm 1967, quê Quảng Trị, trú tại TPHCM) cũng bị mắc Covid-19 hồi giữa tháng 8/2021, khi chưa được tiêm vaccine. Do bệnh viện quá tải, chị và con trai trải qua những ngày tự cách ly, điều trị tại nhà, có những lúc tưởng như cái chết đang đến gần nhưng rồi đã may mắn qua khỏi.
"Kể từ đó, mẹ con tôi có tâm nguyện đi giúp đỡ những người F0 khác với tất cả tấm lòng mà không màng đến chuyện tiền nhiều hay ít. Các gia đình, tùy theo điều kiện kinh tế trả tiền công bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu, không đòi hỏi, ngã giá. Tôi tâm niệm mình cho đi là còn mãi!", chị Hoa chia sẻ.
Khỏi bệnh, mẹ con chị bắt đầu làm công việc hỗ trợ chăm sóc F0 đang điều trị tại nhiều bệnh viện như: Chợ Rẫy, Tân Bình, Dã chiến thu dung số 3, Nguyễn Trãi… từ giữa tháng 9/2021. Công việc chính của mẹ con chị là làm giúp việc, cộng thêm có kinh nghiệm chăm sóc bản thân khi bị Covid-19 nên việc chăm sóc các F0 đang điều trị tại bệnh viện không gặp khó khăn, trở ngại.
Ngoài tiền công trả tùy tâm, người nhà bệnh nhân F0 chủ động thanh toán tiền ăn cho bệnh viện trong suốt thời gian chị Hoa túc trực tại đó. "Có người bảo tôi dại thế, cứ lao vào cái chỗ người ta muốn tránh mà lại còn lấy tiền công thấp hơn mặt bằng chung. Nhưng tôi bảo với con tôi là cứu giúp được người là điều quý giá nhất, như thế phúc đức mới còn mãi chứ tiền bạc chỉ là vật ngoài thân, có bao nhiêu tiêu rồi cũng hết", chị Hoa trải lòng.
Trong suốt thời gian qua, chị chăm sóc khoảng 9 bệnh nhân Covid-19 đều là những người cao tuổi có bệnh nền, tất cả đều may mắn khỏi bệnh. Bên cạnh đó, chị Hoa sẵn sàng chăm sóc cho những người bệnh hoàn cảnh nghèo khó, không có người thân.
Sau đợt chăm sóc cho một bệnh nhân F0 mắc 4 bệnh nền khỏi bệnh, mẹ con chị Hoa được người này thương cảm vì hoàn cảnh khó khăn, đền đáp bằng cách cho về ở tại căn nhà tại phường An Phú Đông, Quận 12 mà không phải trả tiền thuê nhà trong thời gian đầu.
"Bây giờ ở Hà Nội đang bùng dịch, có nhiều người gọi lắm nhưng tôi chưa được tiêm mũi vaccine nào nên không bay ra đó được chứ cũng muốn đi lắm", chị Hoa nói.