Người cha tật nguyền "gà trống nuôi... 3 con" trong căn nhà 2m2
(Dân trí) - Vợ bỏ đi khi đứa con thứ 3 còn khát sữa, ông Nguyễn Công Tấn, 54 tuổi tuy mất 2 chân, bán vé số hàng ngày vẫn nỗ lực để các con được đến trường.
2h sáng, khi các con say giấc, ông Tấn lặng lẽ khóa cửa, trèo lên xe lắc đến khu chợ Nguyễn Thái Bình, quận 1 để bán vé số cho cánh tài xế taxi chạy đêm. Vừa bán, ông vừa ngồi tám chuyện với họ, những câu chuyện vụn vặt được kể giúp người đàn ông tật nguyền vơi đi nỗi cô đơn hơn 10 năm nay.
"Khổ quá nhưng bán con thì không nuốt trôi"
Ông Tấn bị sốt bại liệt từ nhỏ nên đôi chân yếu. Lớn lên phải chống nạng để di chuyển. Nhà có đến 8 anh chị em, cuộc sống khó khăn nên ông Tấn chỉ được học đến lớp 9. Sau đó, ông phụ mẹ bán hàng rồi tự lập bằng nghề bán vé số gần 40 năm nay. Kết hôn cùng một người phụ nữ gốc Campuchia, sau khi 3 đứa con lần lượt chào đời thì cũng là lúc ông Tấn phải cưa 2 chân đến quá gối vì biến chứng của bệnh tiểu đường.
"Thời gian đầu, vợ tôi chịu khó chăm sóc chồng con lắm nhưng khi con gái út được hơn 2 tuổi thì cô ấy bỏ đi, không một lời từ biệt, để lại cho tôi 3 đứa con lóc nhóc", ông Tấn hồi tưởng quá khứ.
Người đàn ông vẫn còn nhớ thời đó vì không có tiền mướn nhà trọ nên ông xin về tá túc trong căn nhà rộng 2m2, dựng trên khoảng đất trống trong hẻm 107, đường Bùi Viện, quận 1. Khu vực này ngày xưa có bà ngoại ông sinh sống nhưng vì khó khăn nên gia đình ngoại cũng đã bán nhà từ lâu.
Sau khi vợ bỏ đi, đứa con gái út nhớ mẹ, khóc ngằn ngặt mỗi đêm. Suốt 1 tuần đầu tiên, cứ đêm đến là ông để 2 đứa lớn ở nhà. Còn mình đặt đứa nhỏ lên xe lắc đi khắp các con đường ở khu quận 1. Khi con ngủ say ông mới chở về, vớ cái gối kê đầu con gái, không quên pha sẵn bình sữa để nếu con khóc thì cho bú.
Ông Tấn không còn nhớ con gái đã lớn lên như thế nào, chỉ nhớ đứa trẻ dần biết tự ăn, tự tắm rửa rồi chơi cùng anh chị của mình. 3 đứa trẻ hiếm khi nhắc đến mẹ. Ông Tấn cũng vậy, không nói về vợ cũ!
"Thấy tôi khổ quá, có người bên quận 8 đòi xin đứa út làm con nuôi, cho tôi 50 triệu làm vốn nhưng tôi không chịu. Tiền đó coi như bán con mà có, tôi làm sao nuốt trôi", ông Tấn nói.
Rồi ông giữ khư khư 3 đứa trẻ bên mình. Ban ngày đi bán vé số thì gửi người chị ruột trông chừng. Ông chia sẻ, con trai lớn là đứa duy nhất trong nhà được đi học mẫu giáo vì khi đó còn có vợ ông đưa đón. 2 đứa nhỏ chỉ để ở nhà nhưng vào lớp 1 là có thể học theo kịp bạn bè.
Để có tiền nuôi con ăn học, ông Tấn bán vé số từ sáng đến tối, được khoảng 200 tờ mỗi ngày. Các con học lớp tình thương nên không tốn học phí, tiền kiếm được ông Tấn chủ yếu dùng để mua thức ăn nuôi bọn trẻ. Còn ông thì tìm đến những điểm phát cơm từ thiện cho qua ngày.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ ngửa tay xin tiền ai cũng như đem các con ra để lấy lòng thương hại để được giúp đỡ. Tôi chịu khổ được rồi, các con không việc gì phải tủi khổ cùng tôi", ông Tấn nói.
Ông Tấn cho biết, nhờ được "trời thương" mà những đứa trẻ ít khi ốm đau. Duy nhất một lần có đứa sốt cao lúc nửa đêm, ông Tấn một mình thức lau người để hạ sốt cho con và túc trực suốt đêm nên hôm sau phải nghỉ bán.
Căn nhà quá chật chội chỉ đủ không gian cho 3 đứa trẻ nằm, về phần mình, ông Tấn nhiều năm ngủ trên chiếc xe lắc dựng sát nhà. Người cha cũng ít khi tắm mà chỉ giặt khăn lau người. Mỗi lần tắm phải xách nước khó khăn, ông nhường để các con tắm.
Ít nhất không để các con thất học, đi bán vé số như ba!
Mấy năm nay, con trai lớn đã có thể bế ông Tấn đi tắm mỗi ngày. Người đàn ông nhận ra con mình đã lớn, còn bản thân thì cũng yếu đi nhiều, một lần tai biến khiến tay phải của ông gần như bị liệt.
Con cái lớn, căn nhà 2m2 không đủ chỗ nằm, ông Tấn cải tạo 1 cái gác nhỏ bên trên để con trai ngủ. 2 con gái thì được gửi sang nhà người chị ở quận 8 tá túc. Hàng tháng, ông Tấn gửi tiền để chị gái lo cho con mình. "Anh em ai cũng có cuộc sống và khó khăn riêng nên ruột thịt hỗ trợ được vậy đã là mừng, con tôi, tôi phải lo", ông Tấn nói.
Tuy cảnh gà trống nuôi con, thu nhập thấp nhưng ông Tấn tự nhận bản thân biết xoay sở và cân đối tài chính để không phải vay mượn ai. Ước mơ của ông là các con đều học hành đến nơi đến chốn. Ông rất tự hào vì cậu con trai lớn đã 16 tuổi, hiện đang là học sinh giỏi ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 5.
Cậu học giỏi đều các môn, thích nhất là những môn học xã hội. Mỗi ngày, em đạp xe chừng 6km để đến trường. Chiếc xe đạp cũ đã hư hỏng nhiều, thường xuyên phải sửa. Đôi giày cậu mang cũng phải may, dán lại nhiều lần. Tuy ham học nhưng cũng có lần cậu ngỏ lời nói với ba xin được nghỉ học để đi làm nhưng ông Tấn không đồng ý.
"Tôi ít học nên mới đi bán vé số. Vì thế tôi muốn con phải học đến nơi đến chốn. Chưa biết chúng có thể làm gì nhưng chắc chắn ít nhất là không phải đi bán vé số vất vả như tôi", ông Tấn tâm sự.
Mới đây, hoàn cảnh của ông Tấn được cộng đồng mạng chia sẻ. Cô gái Nguyễn Đỗ Trúc Phương, 29 tuổi - người thường kêu gọi cộng đồng ủng hộ để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở TPHCM đã xin được hơn 150 triệu tặng ông Tấn.
Ngày 23/2, Phương dẫn ông Tấn đi làm sổ tiết kiệm. Người cha mừng rỡ, hạnh phúc vì như vậy là có khoản tiền chuẩn bị cho các con vào đại học. Trúc Phương ngỏ ý tặng ông Tấn chiếc xe mới để đi bán song ông từ chối, xin nhường phần để con trai có được chiếc xe máy, đi học đỡ vất vả.
"Trường hợp khó khăn nào mà con cái vẫn được đảm bảo đủ điều kiện đi học như chú Tấn, mình thật sự rất ngưỡng mộ, ngưỡng mộ nỗ lực phi thường của người cha ấy. Đời không phụ lòng ai, nay các con của chú đều học giỏi, hiểu chuyện và nhất là rất có hiếu với cha", Trúc Phương chia sẻ.